Những ngày này, cả nước đang hướng về Điện Biên - nơi chuẩn bị diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng lịch sử được ca ngợi "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu". Không khí sôi nổi, rộn ràng với nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về với Điện Biên để sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Mới đây, trên trang cá nhân, travel blogger Bùi Ngọc Công - chủ nhân của Fanpage Blog của Rọt, cho biết vừa có hành trình 7 ngày lang thang khắp các nẻo đường ở Điện Biên. Trên trang cá nhân, Công viết: "Mình như được sống lại một thời hào hùng của dân tộc, được biết và thêm yêu, thêm tự hào về lịch sử đấu tranh của ông cha ta. Hơn 7 ngày lang thang khắp các nẻo đường ở Điện Biên, một chuyến đi mở mang tầm mắt, một chuyến đi không thể nào ý nghĩa hơn, một chuyến đi cực kỳ đáng nhớ trong hành trình tuổi trẻ của mình".
Theo Công chia sẻ, Điện Biên không chỉ là nơi có chiến thắng lịch sử vang dội, nơi các anh hùng cách mạng đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc mà còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên vô cùng ấn tượng. Điện Biên được thiên nhiên ưu ái ban tặng khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa nên thơ với núi non trùng điệp. Những ngày tháng 5, Điện Biên như được khoác lên mình màu áo mới đầy rực rỡ bởi hoa nở rộ. 7 ngày ở Điện Biên, Bùi Ngọc Công đã ghé thăm những điểm đến là các di tích lịch sử nổi bật, mời các bạn cùng tham khảo:
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ:
Bên trong bảo tàng sẽ chia thành 2 khu vực.
Khu vực 1: Du khách có thể đi tham quan, xem những hiện vật – chứng tích được trưng bày cũng như là lắng nghe, tìm hiểu về các câu chuyện, trận chiến gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ. Công đưa ra lời khuyên rằng nên kết hợp tham quan cùng hướng dẫn viên để biết thêm nhiều câu chuyện lịch sử hay.
Khu vực 2: Bức tranh panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ có hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc được tái hiện một cách chân thực và sống động qua bút pháp tài hoa của gần 200 hoạ sĩ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh với bố cục hình tròn, chiều dài 132m, cao 20.5m, đường kính 42m, tổng diện tích là 3.225m2.
Giá vé 100 nghìn đồng/người.
Tượng đài chiến thắng:
Thay vì đi xe máy lên tới đỉnh đồi, Công quyết định leo bộ mấy trăm bậc thang, tuy mệt nhưng tới nơi được ngắm tượng đài bi tráng thì thật sự rất bõ công. Ở đây sẽ ngắm được cả sân bay Điện Biên Phủ, sáng hay chiều đều ngắm được bình minh và hoàng hôn.
Đồi A1:
Điểm nhấn ở đồi A1 là Hố Bộc Phá và các đường hầm, Công đi đúng vào mùa hoa ban nên được ngắm cả hoa ban nở trắng rực khắp các đồi A1.
Đồi Him Lam:
Đây là nơi quân ta nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13/03/1954. Cũng chính tại đây, người anh hùng Phan Đình Giót đã hy sinh anh dũng khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai.
Di tích Him Lam vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, vì thế nếu có dịp đến Điện Biên thì hãy dành chút thời gian để lên đây tham quan, tìm hiểu cũng như hình dung được sự cam go, khốc liệt trong trận chiến mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.
Hầm Đờ Cát:
Đây là hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, quân ta đã bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc. Lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sợ thất bại của thực dân Pháp tại Việt Nam.
Nghĩa trang liệt sỹ A1:
Ngày cuối cùng tại Điện Biên, khi mà không còn phải suy nghĩ gì nhiều về lịch trình nữa, Công cùng nhóm bạn đã đến nghĩa trang đến thắp hương tưởng niệm cho các anh hùng liệt sỹ. Một trong những khoảnh khắc ý nghĩa nhất của ngày hôm đó là ông mặt trời nằm gọn ở ngôi giữa trên nóc của bia tưởng niệm.
Tượng đài Kéo Pháo bằng tay:
Trên đường từ đèo Pha Đin trở về Tp. Điện Biên Phủ, Công dành thời gian để tham quan tượng đài, đây là nơi in dấu sự hy sinh, khó khăn, gian khổ của dân tộc ta. Tượng đài được khắc họa với hình ảnh quả cảm của những chiến sĩ, lột tả đúng tinh thần hiên ngang, ý chí bất khuất. Tượng đài gắn với cung đường kéo pháo huyền thoại, các chiến sĩ của chúng ta đã kéo những khẩu pháo nặng từ 2 - 2,4 tấn hoàn toàn bằng sức người. Đây cũng là cung đường in dấu hình ảnh người anh hùng Tô Vĩnh Diện, người đã hy sinh thân mình để cứu pháo.
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ:
Nằm ở Mường Phăng, cách Tp. Điện Biên Phủ tầm 12km, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được bao bọc bởi cánh rừng nguyên sinh rộng lớn. Ở đây vẫn giữ nguyên vẹn những lán ở, đường hầm thông núi, bếp hoàng cầm… những cảnh tượng gắn liền với một thời làm việc của các bậc cha anh. Ở đây thiên nhiên vô cùng thoáng đãng, xanh mát với tiếng suối chảy, tiếng chim hót, mọi âm thanh đều rất gần gũi và mộc mạc, không khí trong lành lắm.
Tượng đài chiến thắng Mường Phăng:
Trên đường đi vào Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, đoàn của Công có ngang qua tượng đài Mường Phăng, được bao bọc bởi những hàng hoa ban nở rực rỡ. Gần đó là các bản làng của người Thái với những món ăn đặc trưng của người bản địa không nên bỏ lỡ.
Đền thờ Hoàng Công Chất:
Điểm cuối cùng trong chuyến đi Điện Biên chính là Đền thờ Hoàng Công Chất - ông là một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống triều đình ruỗng nát của họ Trịnh thời Lê mạt, cứ giúp dân nghèo.
Đỉnh đèo Tà Lèng: Công có trải nghiệm ngắm hoàng hôn ở đỉnh đèo Tà Lèng. Đường đi cũng hơi loanh quanh và dốc nhưng khi lên đến đỉnh, phóng tầm mắt nhìn thấy cả thành phố Điện Biên Phủ hào hùng mới thấy không hề phí công sức. Hoàng hôn cũng rất đẹp. Trên đèo còn có điểm ngắm hoàng hôn ở Kê Nênh, nếu ai cảm thấy lên đỉnh đèo vất vả có thể ghé đến Kê Nênh.
Ngoài các điểm đến lịch sử, Bùi Ngọc Công cũng đưa ra gợi ý về những điểm đến du lịch:
Ở thành phố Điện Biên Phủ: Công đến Điện Biên đúng vào thời điểm hoa ban nở rộ, khắp các nơi trong thành phố hay các bản làng đều được tô điểm bởi loài hoa đặc trưng này. Ở đâu khắp thành phố, từ đồi A1, bảo tàng... đều thấy hoa ban. Mặc dù đã ngắm rất nhiều hoa ban ở Hà Nội nhưng khi được tận mắt ngắm hoa ở Điện Biên mới thật sự xao xuyến bởi vẻ đẹp trong trẻo của loài hoa này.
Cánh đồng Mường Thanh: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, đây là 4 vựa lúa lớn nhất ở Tây Bắc và Điện Biên sở hữu cánh đồng lớn nhất Tây Bắc là Mường Thanh. Ở đây ngắm hoàng hôn rất "chill", thêm cả mùi lúa non và mùi bình yên, ngày ở cánh đồng này là ngày mình cảm thấy thảnh thơi nhất.
Đỉnh đèo Tà Lèng: Công có trải nghiệm ngắm hoàng hôn ở đỉnh đèo Tà Lèng. Đường đi cũng hơi loanh quanh và dốc nhưng khi lên đến đỉnh, phóng tầm mắt nhìn thấy cả thành phố Điện Biên Phủ hào hùng mới thấy không hề phí công sức. Hoàng hôn cũng rất đẹp. Trên đèo còn có điểm ngắm hoàng hôn ở Kê Nênh, nếu ai cảm thấy lên đỉnh đèo vất vả có thể ghé đến Kê Nênh.
Thị xã Mường Lay: Ở đây khung cảnh và cuộc sống vô cùng yên bình, nhẹ nhàng. Thị xã Mường Lay có những con phố nhà sàn được xếp đều ngăn nắp, những căn nhà sàn đặc trưng như một cách gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của người Thái.
Các bạn có thể đi dọc các cung đường ven sông Đà, những cánh đồng lúa hay là cung đường đèo hướng về Tuần Giáo để ngắm nhìn thị xã nhỏ bé từ trên cao.
Ẩm thực Mường Lay ngon không thể tả, đặc biệt là món tôm sông, bánh Khẩu Xén và bánh Chí Chọp.
Tủa Chùa: Hang động Khó Chua La không quá rộng nhưng nhũ đá bên trong hang thì như các tuyệt tác, đẹp quên lối về.
Đồi Vibar Tủa Chùa cách trung tâm Tủa Chùa 3km, là điểm ngắm hoàng hôn cực đẹp.
Cầu Pa Phông cách TT. Tủa Chùa tầm 50km, đường đang sửa và hơi dốc nên khó đi, mất khoảng 3 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Tuy đoạn đường khá gian nan nhưng vẻ đẹp của nó sẽ khiến du khách quên hết mệt nhọc. Nơi đây không khác gì “viên ngọc xanh” ẩn mình giữa Điện Biên đại ngàn.
Bãi đá cổ Tả Phìn có những phiến đá tai mèo với hình thù rất đặc biệt.
Ở Tủa Chùa còn các địa điểm săn mây, cánh đồng, đồi thông Trung Thu; các bạn có thể đi vào thứ 7 để có thể giao lưu ở chợ đêm Tủa Chùa, sáng chủ nhật sẽ có chợ phiên. Gà là món ăn không thể bỏ qua khi đến đây.
Ngoài ra, nếu là người thích khám phá, mạo hiểm có thể chinh phục đèo Pha Đin, đèo Tằng Quái để ngắm nhìn thiên nhiên bao la, rộng lớn, vừa hùng vĩ vừa bình yên. Bùi Ngọc Công lưu ý rằng quãng đường di chuyển các điểm du lịch ở Điện Biên tương đối xa, đường hơi dốc nên các bạn có dự định đi xe máy phải chuẩn bị sức khoẻ, tay lái phải vững, đặc biệt là khám phá các điểm ở Tủa Chùa. Thuê xe nên chọn xe máy số.
Những điểm du lịch ở Mường Lay và Tủa Chùa hầu như không thu phí, các điểm di tích ở Tp. Điện Biên Phủ có bán vé không quá cao. Đặc biệt là nên có hướng dẫn viên đi kèm ở các di tích để hiểu rõ hơn nhé.
Bài: Đoàn Hòa - Ảnh: Bùi Ngọc Công
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/cung-travel-blogger-kham-pha-dien-bien-vung-dat-thien-su-vang-a4135.html