Tăng cường nhận thức về việc quản lý rác thải, bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, xu hướng du lịch xanh đang ngày càng được quan tâm, hưởng ứng trước tình trạng biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng.

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tại Việt Nam, xu hướng du lịch xanh ngày càng được quan tâm và hưởng ứng đứng trước thực trạng biến đổi khí hậu có chiều hướng ngày càng gia tăng. 

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/GEF SGP tại Việt Nam cho biết, UNDP đã tài trợ nhiều dự án ở các địa phương trong vấn đề phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái, hỗ trợ người dân trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch, tạo ra sinh kế bền vững từ các hoạt động du lịch cộng đồng trong đó có du lịch học tập.

nguyen-thi-thu-huyen-1713862838.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Chương trình UNDP/GEF SGP tại Việt Nam.

Nữ điều phối viên chia sẻ một vài dự án tiêu biểu mà UNDP/GEF SGP đã hỗ trợ: 

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, UNDP/GEF SGP đã hỗ trợ người dân trong vấn đề bảo tồn loài voọc mông trắng vô cùng quý hiếm. Điều này đã góp phần tạo nên thành công lớn cho Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, khi nơi này trở thành địa điểm đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đạt danh hiệu Danh lục Xanh do Ủy ban Danh lục xanh toàn cầu (IUCN) phê duyệt vào năm 2020. Điều này đã làm nên sức hút cho khu bảo tồn đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.

Dự án “Phát triển các sinh kế cộng đồng bền vững kết hợp với phát triển du lịch sinh thái để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm” trên địa phận khu dự trữ sinh quyển và các xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim của thành phố Hội An.

Tại những địa phương này người dân được hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn hệ sinh thái rừng dừa nước, kiến tạo không gian học tập cộng đồng trải dài từ xã Cẩm Thanh sang xã Cẩm Kim và đô thị cổ Hội An. Với sự hỗ trợ đó, người dân đã vận hành các chương trình trải nghiệm không gian nông nghiệp hữu cơ, các bản du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn, quản lý tài nguyên, các tour du lịch rừng dừa nước.

khu-bao-ton-2-1713864918.jpg
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Ảnh: Dulich24.com

UNDP/GEF SGP cũng đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong dự án “Giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” nhằm tổ chức các hoạt động để đề ra biện pháp giảm rác thải nhựa như xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí liên quan đến vấn đề không rác thải nhựa tại các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa trong ngành du lịch…

Theo đó dựa trên bộ tiêu chí, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch được tư vấn lộ trình giảm rác thải nhựa, cũng như mở rộng liên kết, hợp tác với các bên cung ứng đồ dùng an toàn, thân thiện với môi trường có thể thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng một lần và đặt ra những đề xuất để địa phương cùng đồng hành với các doanh nghiệp trong vấn đề quản lý môi trường tại địa phương đó. 

Các mô hình du lịch xanh không rác thải nhựa cũng được giới thiệu để doanh nghiệp có thể tham quan, học hỏi, nắm được những lưu ý, tự đề ra được lộ trình giảm rác thải nhựa phù hợp với tình hình doanh nghiệp. Không chỉ có ý nghĩa trong vấn đề bảo vệ môi trường, việc giảm rác thải nhựa tại các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn cũng giúp các doanh nghiệp nâng tầm thương hiệu khi giành được chứng nhận thân thiện với môi trường cũng như bắt nhịp với xu hướng chung của thế giới. 

UNDP/GEF SGP hiện đang hỗ trợ các dự án về du lịch học tập tại cộng đồng trong đó nổi bật là dự án tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Trước đó đại diện UNDP, UBND huyện Hòa Vang đã ký thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác với Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Kiến trúc Đà Nẵng nhằm phối hợp và chia sẻ lợi ích giữa trường học, chính quyền và cộng đồng từ mô hình du lịch học tập cộng đồng tại đây. Từ đó, sinh viên của hai trường đã có dịp đến đây học tập, trải nghiệm thực tế, khám phá nền văn hóa bản địa. 

hoa-bac-1713887770.jpg
Các học sinh học về mô hình vườn - ao - chuồng tại vườn của ông Nguyễn Văn Hồng, thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Nữ điều phối viên đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch bởi sự trù phú về tài nguyên thiên nhiên cùng nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên việc phát triển du lịch cần được gắn với vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái. Các dự án mà UNDP/GEF SGP đang xây dựng và hỗ trợ đều hướng đến mục tiêu này. Vấn đề tăng cường nhận thức về việc quản lý rác thải, phân loại rác tại nguồn, nói không với việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần được quan tâm và chú trọng.

Nhật Tân

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/tang-cuong-nhan-thuc-ve-viec-quan-ly-rac-thai-bao-ve-moi-truong-a4089.html