Cửa hàng miễn thuế nội đô: Lối “thoát hiểm” cho du lịch Việt Nam?

Cửa hàng miễn thuế nội đô đang được các nhà đầu tư coi là cánh cửa lớn để hút du khách đến Việt Nam nhiều hơn và mua sắm, chi tiêu nhiều hơn.

Khiến du khách quẹt thẻ nhiều hơn

Vừa qua, một phái đoàn cấp cao của Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (China Toursism Group - CTG) và Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc (China Duty Free - CDF, thành viên của CTG) đến làm việc tại Việt Nam.

Kết quả của chuyến làm việc này mang đến thông tin khởi sắc cho thị trường du lịch, mua sắm cao cấp ở Việt Nam trong tương lai - đó là mô hình cửa hàng miễn thuế.

Các bên đã chọn TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh để mở 3 cửa hàng miễn thuế nội đô, còn gọi là cửa hàng miễn thuế dưới phố (downtown duty free) trong vòng 2 năm tới.

Ngay trong năm 2024, cửa hàng miễn thuế ở Bắc Luân tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ mở cửa và TP. Móng Cái dự kiến đón thêm 10 triệu lượt khách Trung Quốc.

Tại Nha Trang (Khánh Hòa), cửa hàng miễn thuế nội đô ở trung tâm thành phố sẽ khai trương đầu năm 2025, giúp địa phương đón 12 triệu khách quốc tế, trong đó 50% là khách Trung Quốc.

Còn tại TP.HCM, cửa hàng miễn thuế nội đô dự kiến sớm được mở ở trung tâm quận 1.

Đây là một trong những động thái tạo “cú hích” cho ngành du lịch mua sắm tại Việt Nam cũng như các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này. Họ đang tìm mọi cách để khiến du khách tiêu nhiều tiền hơn khi đến Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nếu các cơ sở mua sắm miễn thuế tại Việt Nam được đầu tư và vận hành hiệu quả, thì sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch, thu hút ngoại tệ, tạo thêm việc làm, góp phần phát triển ngành công nghiệp du lịch cho Việt Nam.

cua-thoat-hiem-cho-du-lich-viet-nam1712441382-4337-1712810281.jpg
Các cơ sở mua sắm miễn thuế được đầu tư và vận hành hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch. Trong ảnh: Địa điểm Parkson Saigon Tourist Plaza ở quận 1, TP.HCM (đã đóng cửa năm 2023) đang được cho là “cứ điểm” mà nhà đầu tư lựa chọn để mở cửa hàng miễn thuế nội đô. Ảnh: Lê Toàn

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt nhiều kỳ vọng vào thương vụ hợp tác này. “Đây sẽ là hướng đột phá ở thị trường mua sắm cho du lịch, hàng không”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định.

Xét về quy mô tầm cỡ, CTG là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, được quản lý trực tiếp bởi Chính phủ Trung Quốc. CDF là công ty con của CTG, chuyên kinh doanh hàng miễn thuế lớn nhất đất nước hơn tỷ dân, doanh thu năm 2023 đạt 9,3 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt 939,4 triệu USD.

Trên thế giới, cửa hàng mua sắm miễn thuế nội đô là mô hình kinh doanh rất thịnh hành ở những thành phố lớn. Ở Seoul (Hàn Quốc), ngành này đem lại doanh số khoảng 16 tỷ USD/năm.

Tại Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản, trung tâm bán hàng giảm giá (premium outlet) và công viên giải trí là nơi thu hút không chỉ khách quốc tế, mà cả khách nội địa, kích cầu để người tiêu dùng tìm mua những món hàng hiệu cao cấp qua mùa với giá bán giảm hơn 50 - 80%.

Không chỉ dừng lại ở câu chuyên mua sắm hàng tiêu dùng, khi nguồn khách lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ kéo theo sự nhộn nhịp trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cao cấp, tour du lịch, chuyến bay, phí dịch vụ hàng không.

“Chỉ cần thu phí dịch vụ sân bay 20 USD/người, với 10 triệu khách Trung Quốc, có thể thu về 200 triệu USD mỗi năm”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn hồ hởi dẫn chứng.

Nâng sức cạnh tranh

Các thương hiệu từ cao cấp tới xa xỉ đều thừa nhận, họ hưởng lợi nhờ cửa hàng miễn thuế ở Trung Quốc và đang xoay chuyển chiến lược, hướng đến thị trường ở các thành phố nhỏ, nơi chi tiêu của khách hàng đang trở nên sung mãn ngang với các thành phố giàu có hơn.

Tại các cửa hàng miễn thuế nội đô, dưới phố, người mua sắm có thể tìm thấy mọi thứ, từ các sản phẩm chăm sóc da đến điện thoại di động, đồ trang sức... Có thể thấy, các nhãn hàng tiếp cận thị trường bán lẻ thông qua các địa điểm du lịch hiệu quả hơn so với các thương hiệu còn lại, vốn chỉ kinh doanh sản phẩm trong khu trung tâm thương mại.

Điều ông Hạnh Nguyễn quan tâm là sức chịu chi của du khách Trung Quốc mỗi khi đi du lịch.

Theo báo cáo của Hotels.com, chi phí trung bình của du khách Trung Quốc trong các chuyến du lịch nước ngoài là khoảng 1.000 USD (hơn 24 triệu đồng/ngày), không tính chi phí lưu trú.

Trong đó, phần lớn ngân sách du lịch của du khách Trung Quốc được dành cho mua sắm. Cụ thể, trong suốt chuyến du lịch, du khách Trung Quốc chi tiêu đến 57,76% số tiền cho mua sắm, đặc biệt là mua các sản phẩm cao cấp, vừa phục vụ nhu cầu của bản thân, vừa làm quà tặng.

Trước dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường quốc tế số 1 của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế. Sau Covid-19, Trung Quốc chính thức mở lại du lịch quốc tế từ tháng 1/2023, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt khoảng 1,8 triệu lượt trong năm 2023, đứng thứ 2 trong số các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất.

Theo dữ liệu của nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda, khách Trung Quốc quan tâm đến du lịch Việt Nam vào đầu năm 2024 đạt 95% so với năm 2020 - thời điểm trước khi các hạn chế đi lại được áp dụng để phòng, chống Covid-19 .

do-hoa-du-lich-1712810223.jpg
Kết thúc năm 2023, Trung Quốc là thị trường khách lớn thứ 2 với khoảng 1,74 triệu lượt.

Năm 2020, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng về tìm kiếm các thông tin du lịch ở Việt Nam. Du khách Trung Quốc lựa chọn Việt Nam vì nền văn hóa phong phú và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Tuy nhiên, sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc thực hiện lệnh đóng cửa biên giới, khiến lượng khách từ quốc gia này đến Việt Nam giảm sút đáng kể.

Sự quan tâm trở lại của du khách Trung Quốc trong dịp Tết vừa qua là một dấu hiệu cho thấy tiềm năng thu hút của du lịch Việt Nam trong năm 2024. Bức tranh các điểm đến nhận được sự quan tâm của du khách Trung Quốc thay đổi nhẹ so với trước dịch. Top 5 lựa chọn hàng đầu của du khách Trung Quốc gồm TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc. Vị trí thứ 5 trước đó thuộc về Phan Thiết.

Trung Quốc từng là nguồn khách du lịch quốc tế lớn nhất trên toàn cầu. Đông Nam Á được xếp hạng trong số những điểm đến ưa thích của họ, nhưng từ sau dịch Covid-19, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực chưa đạt mức kỳ vọng.

Công ty Outbox Company chỉ ra, nguyên nhân chính là sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến của Trung Quốc. Người dân nước này ngần ngại hơn khi chi tiền ra nước ngoài. Vì thế, trong năm 2023, lượng khách Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á còn thấp, chỉ bằng 14 - 39% so với số liệu ghi nhận năm 2019.

Trong ngắn hạn, các nước Đông Nam Á khó có thể bù đắp lượng khách du lịch Trung Quốc bị thiếu hụt. Song về lâu dài, các nước được khuyến khích nên mở rộng tiếp thị du lịch và tiếp cận các thị trường khác, hướng tới tầng lớp trung lưu.

Điều này khiến cuộc cạnh tranh thu hút khách du lịch trong khu vực ngày càng căng thẳng.

Thái Lan, Malaysia và Singapore đều đã áp dụng chương trình miễn thị thực cho du khách Trung Quốc, gia tăng độ hấp dẫn của một chuyến đi ngẫu hứng cho khách du lịch. Riêng với Việt Nam, kết thúc năm 2023, Trung Quốc là thị trường khách lớn thứ 2 với khoảng 1,74 triệu lượt.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels nhận định, trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động du lịch quốc tế mạnh mẽ. Cả hai nước đều chú trọng đầu tư hạ tầng, cải thiện quy trình thủ tục xuất nhập cảnh… nhằm đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách trong chuyến đi. Bên cạnh đó, hai quốc gia này đều có các chiến lược quảng bá, xúc tiến hình ảnh điểm đến hiệu quả, thu hút thị trường khách quốc tế.

Trở lại với thị trường Việt Nam, hoạt động kinh doanh du lịch tại TP.HCM và Hà Nội đang phục hồi nhanh chóng hơn các điểm đến ven biển. TP.HCM được ghi nhận là điểm đến có tốc độ khôi phục công suất phòng nhanh hơn các điểm đến khác.

Riêng với thị trường nghỉ dưỡng ven biển, Đà Nẵng đang dẫn đầu về tốc độ khôi phục nhờ vào sự hồi phục của thị trường khách Hàn Quốc và việc cải thiện tần suất các chuyến bay quốc tế. Hiện trung bình mỗi ngày, Đà Nẵng đón khoảng 25 chuyến bay từ các thành phố lớn của Hàn Quốc, chiếm hơn 50% tổng số chuyến bay quốc tế đến thành phố biển này. Trong khi đó, thị trường Nha Trang vẫn gặp nhiều thách thức do phụ thuộc nhiều vào nguồn khách Trung Quốc. Tuy nhiên, tín hiệu mừng là lượng khách Trung Quốc đến Nha Trang đang có nhiều cải thiện.

Giám đốc Savills Hotels cho rằng, Việt Nam có quá trình phát triển du lịch ấn tượng trước đại dịch và sở hữu nhiều tiềm năng để trở thành một trong những điểm đến du lịch quốc tế, nhưng cần có những kế hoạch hành động để gia tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Còn đối với ông Johnathan Hạnh Nguyễn, mặc dù rất kỳ vọng vào sức bật của ngành du lịch từ cửa hàng miễn thuế nội đô, nhưng theo ông, Nhà nước cần có cơ chế linh hoạt cho các nhà đầu tư tư nhân và doanh nghiệp phải tìm kiếm được mặt bằng đủ lớn ở khu vực trung tâm. Trong khi các cửa hàng miễn thuế trong sân bay chỉ cần 100 - 200 m2, thì ở trong phố phải cần ít nhất 1.000 m2 để thu hút được du khách.

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/cua-hang-mien-thue-noi-do-loi-thoat-hiem-cho-du-lich-viet-nam-a3959.html