Dính nợ xấu từ FLC Faros và 2 công ty "nhà" Novaland, Viettel Construction phải trích lập dự phòng cả trăm tỷ

Viettel Construction đã phải trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản nợ 46,4 tỷ đồng của FLC Faros và 50% nợ xấu từ 2 công ty con của Novaland.

Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction, HOSE: CTR) vừa công bố BCTC kiểm toán 2023 với doanh thu và lợi nhuận không thay đổi đáng kể. Cụ thể, năm qua, doanh thu Công ty đạt gần 11.300 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022 và vượt 10% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 645 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với năm 2022 qua đó vượt 5% mục tiêu cả năm. Đây đều là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi hoạt động.

Kết quả trên giúp Viettel Construction nối dài chuỗi tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm. Tính chung trong giai đoạn 2019-2023, doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng kép 22% về doanh thu và 33,5% về lợi nhuận.

Tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2023 của Công ty ở mức 6.916 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 5.614 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn ở mức khá cao với hơn 2.924 tỷ đồng, đáng chú ý Công ty đang có danh sách nợ xấu với giá gốc hơn 130 tỷ đồng, đã trích lập 103,5 tỷ đồng (tương đương 80%).

vietel-1711609359.jpg
Tổng Công ty CP Công trình Viettel doanh thu Công ty đạt gần 11.300 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022 và vượt 10% kế hoạch đề ra.

Chiếm dư nợ xấu lớn nhất là Công ty CP Xây dựng FLC Faros (ROS) với hơn 46 tỷ đồng, Viettel Construction đã trích lập 100% khoản phải thu này.

Ngoài FLC, một tập đoàn bất động sản lớn khác là Novaland (HOSE: NVL) cũng liên quan danh sách nợ xấu của Viettel Construction khi 2 công ty con là Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận nợ 32,4 tỷ đồng và Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley nợ gần 21 tỷ đồng. Với dư nợ xấu tại 2 đơn vị này, Viettel Construction đã trích lập phân nửa.

Được biết, Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận là chủ đầu tư dự án Tổ hợp Khu du lịch thung lũng Đại Dương (tên gọi khác là Novaworl Phan Thiết). Còn Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley là chủ đầu tư dự án Dự án Khu đô thị Aqua Waterfront City, thuộc dự án trọng điểm của Novaland (NVL) - Aqua City. Đây đều là 2 dự án lớn của Novaland.

Được biết, Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận là chủ đầu tư dự án Tổ hợp Khu du lịch thung lũng Đại Dương (tên gọi khác là Novaworl Phan Thiết). Còn Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley là chủ đầu tư dự án Dự án Khu đô thị Aqua Waterfront City, thuộc dự án trọng điểm của Novaland (NVL) - Aqua City. Đây đều là 2 dự án lớn của Novaland.

vt-1711609370.png
Viettel Construction có khoản nợ xấu hơn 130 tỷ đồng

Về tình hình kinh doanh, 2 tháng đầu năm 2024, Viettel Construction ước đạt 1.703 tỷ đồng doanh thu và 94,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng trưởng 9% và 6% so với cùng kỳ 2023. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 13% kế hoạch doanh thu và 14% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2024.

Trong lĩnh vực Hạ tầng cho thuê, đến cuối tháng 2/2024, Viettel Construction sở hữu 6.436 trạm BTS (giữ vững vị trí TowerCo số 1 Việt Nam); 2,45 triệu m2 DAS; 2.716 km truyền dẫn; 16,87 MWp năng lượng mặt trời. Trong đó, 218 trạm BTS có lớn hơn 2 nhà mạng trở lên thuê vị trí. Tỷ lệ dùng chung đạt 1.03. Doanh thu mảng này ghi nhận tăng trưởng 43% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm.

Với mảng Xây dựng, nguồn việc dự án B2B 2 tháng đầu năm đạt 350 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2023. Nguồn việc dự án B2C&SME đạt gần 337 tỷ đồng, tăng đến 97% so với cùng kỳ 2023. Tỷ lệ phủ công trình do Viettel Construction xây dựng: 686/701 huyện (tương đương 98%); 2.565/10.609 xã (tương đương 24%).

Với lĩnh vực Giải pháp & dịch vụ kỹ thuật, Viettel Construction đã cung cấp và lắp đặt dự án NLMT công suất 800KWp cho Sovi Group; cung cấp máy tính bảng cho Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum; cung cấp và lắp đặt điều hòa cho Công ty TNHH Xây dựng và Xây lắp Điện Thế Minh (Bình Dương); cung cấp và lắp đặt hệ thống camera cho Công ty CP Green I-park (Thái Bình).

Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp mới cập nhật, Tập đoàn Viettel đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 2.500-2.600 MHz để phục vụ thương mại hóa công nghệ di động 5G vào ngày 8/3/2024. Từ đây, tổng số trạm BTS (trạm thu phát sóng cơ sở) của CTR năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng 70% so với cùng kỳ. Được hưởng lợi từ việc tắt dần sóng 2G và triển khai 5G, doanh thu mảng hạ tầng cho thuê của CTR có thể tăng 53%. Về dài hạn, SSI kỳ vọng mức đóng góp lợi nhuận từ mảng này cao hơn.

Cùng với đó, giá trị hợp đồng xây dựng dân dụng của CTR được ký trong quý 4/2023 cao hơn dự kiến (chiếm hơn 40% giá trị hợp đồng trong năm 2023). SSI điều chỉnh lại ước tính tăng trưởng doanh thu cho mảng xây dựng năm 2024 của CTR (từ 6% lên 17% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ được dự báo sẽ tăng 16,4%.

Ngoài ra, theo Quy hoạch phát triển điện VIII đã được phê duyệt, Chính phủ có kế hoạch phát triển khoảng 2.600 MW công suất điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu trong năm 2030 (dành cho người tiêu dùng hộ gia đình và doanh nghiệp). Bộ Công Thương hiện đang xây dựng cơ chế hỗ trợ nguồn điện này. Nếu cơ chế này được thông qua, SSI cho rằng mảng giải pháp tích hợp (giải pháp năng lượng mặt trời) của CTR sẽ được hưởng lợi (chiếm 9%-12% lợi nhuận gộp).

Về rủi ro đầu tư, SSI nhận định việc trì hoãn thương mại hóa 5G và/hoặc tắt sóng 2G có thể ảnh hưởng kém tích cực đến xây dựng trạm BTS, triển vọng tăng trưởng của các mảng vận hành khai thác và xây dựng hạ tầng viễn thông của CTR. Đơn vị phân tích cũng lưu ý mảng cho thuê hạ tầng của CTR (bao gồm cả BTS) có biên lợi nhuận cao nhất. Bất kỳ khoản chậm thanh toán nào từ khách hàng cũng có thể gây ra rủi ro.

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/dinh-no-xau-tu-flc-faros-va-2-cong-ty-nha-novaland-viettel-construction-phai-trich-lap-du-phong-ca-tram-ty-a3799.html