Nằm sát bên thị xã Phonsavan, tỉnh Xiêng Khoảng của Lào, Cánh Đồng Chum (hay còn gọi là Thồng Háy Hín trong tiếng Lào) không chỉ là một vùng di tích văn hóa lịch sử, mà còn là biểu tượng đậm nét của sự phồn thịnh và đa dạng văn hóa của quốc gia này. Được UNESCO công nhận vào ngày 14/05/2019, Cánh Đồng Chum là di sản văn hóa thế giới thứ ba của Lào.
Với hơn 2.000 chiếc chum bằng đá, từ khoảng 500 TCN đến 500 SCN, Cánh Đồng Chum là một bảo tàng ngoài trời kỳ diệu của nền văn hóa tiền sử. Những chiếc chum đá này phân bố rải rác tại nhiều điểm trong tỉnh Xiêng Khoảng, nhưng chỉ có ba điểm xung quanh thị xã Phonsavan mở cửa cho du khách khám phá. Tại những điểm này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khoảng 250 chiếc chum ở điểm thứ nhất, 100 chiếc ở điểm thứ hai, và hơn 100 chiếc ở điểm thứ ba. Các khu vực khác vẫn đang chờ được khám phá sâu hơn do vẫn còn nhiều bom mìn chưa được vô hiệu hoá.
Những chiếc chum có chiều cao trung bình từ 1 đến 2 mét, với một số chiếc lên đến 3,5 mét và nặng hàng chục tấn. Dù hình dạng và kích thước đa dạng, đa phần chum không có nắp, một phần lồi lên mặt đất và một phần chìm dưới lòng đất, với miệng hình elip, vuông, tròn và nhiều hình dạng khác nhau. Chiếc chum lớn nhất có bán kính khoảng 2,5 mét, cao 2,75 mét và nặng vài tấn.
Một điều đặc biệt là xung quanh khu vực này không có dấu vết của núi đá. Người xưa đã làm ra những chiếc chum đá khổng lồ này ở đâu và vận chuyển chúng ra sao tới Xiêng Khoảng vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, từ việc chum được tạo ra để đựng rượu dùng trong các nghi lễ mừng chiến thắng trong triều đại của vua Khun Cheung đến việc chúng được dùng để tích nước do khan hiếm nước ở Xiêng Khoảng trong mùa khô...
Có ý kiến cho rằng những chiếc chum này có thể liên quan đến nghi thức an táng thời tiền sử. Vì có nhiều hài cốt, đồ bồi táng và gốm sứ đã được phát hiện xung quanh những chiếc chum đá này. Cụ thể, từ năm 1930, một chuyên gia người Pháp kết luận rằng chum đá liên quan đến nghi thức an táng thời tiền sử, đến những cuộc khai quật gần đây của các nhà khảo cổ Lào và Nhật, đã củng cố thêm giả thuyết này. Tuy nhiên, cho đến nay tất cả cũng chỉ nằm ở mức phỏng đoán, vẫn chưa có thống nhất cuối cùng.
Cánh Đồng Chum nằm ở vị trí chiến lược, là điểm giao nhau giữa hệ thống sông Mekong và sông Hồng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và trao đổi văn hóa. Sự phân bố của các chum đá khắp Xiêng Khoảng cũng được coi là chứng cớ rõ ràng nhất cho việc nơi này từng là trung tâm của các tuyến đường buôn bán và trao đổi, đồng thời là biểu tượng của nền văn minh đồ sắt.
Kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, chính phủ Lào đã tập trung vào việc quảng bá và tuyên truyền Cánh Đồng Chum, thu hút ngày càng nhiều du khách đến thăm quan và trải nghiệm văn hóa độc đáo của đất nước triệu voi. Điều này không chỉ giúp phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần tăng cường sự nhận thức về giá trị văn hóa và lịch sử của quốc gia này trên trường quốc tế.
A.Lam
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/ki-bi-canh-dong-chum-di-san-van-hoa-the-gioi-noi-dat-nuoc-trieu-voi-a3787.html