Nhộn nhịp lễ khai mạc Ngày hội Việt phục "Tóc xanh Vạt áo" lần thứ 4 năm 2024

Sau 3 kì tổ chức thành công, ngày hội Việt phục "Tóc xanh Vạt áo" lần thứ 4 năm 2024 chính thức quay trở lại với quy mô lớn nhất từ trước tới nay khi quy tụ 25 đơn vị văn hóa cùng hơn 30 gian hàng trải nghiệm.

Sáng 23/4, lễ khai mạc ngày hội Việt phục "Tóc xanh Vạt áo" lần thứ 4 năm 2024 nằm trong khuôn khổ Tuần lễ văn hoá "Sóng đôi" chính thức được diễn ra tại trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 25 đơn vị văn hóa cùng hơn 30 gian hàng trải nghiệm, hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm văn hóa lịch sử sống động cho các bạn trẻ.

20240101002351-img-8231-1-1711257295.jpg
Buổi khai mạc ngày hội Việt phục "Tóc xanh Vạt áo" lần thứ 4 năm 2024.

Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Lê Văn Quyết - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn trường, Trưởng khoa Lịch sử cho biết: “Sau ba kỳ tổ chức thành công, lễ hội đã thu hút hàng nghìn lượt khán giả tham gia và trải nghiệm. Đây cũng là sự kiện trọng điểm nằm trong khuôn khổ của tuần lễ văn hóa “Sóng Đôi” năm 2024, đánh dấu sự mở rộng về quy mô và chất lượng với sự tham dự của 30 đơn vị đại diện trải dài trên nhiều lĩnh vực. Các đơn vị tham gia đều có những lĩnh vực chuyên môn riêng, tạo nên bức tranh đa sắc màu trong cuộc công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Đồng thời, chương trình năm nay cũng hướng tới kỷ niệm 280 năm định chế áo dài - 10 năm nhìn lại phong trào Cổ Phong”.

Thông qua tuần lễ “Sóng đôi” 2024, ông Quyết cũng bày tỏ mong muốn chương trình có thể mang lại nhiều điều tích cực và truyền nhiều cảm hứng hơn cho các thế hệ trẻ về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

20240101001003-img-8216-1711257630.jpg
PGS.TS Lê Văn Quyết phát biểu tại Ngày hội "Tóc xanh Vạt áo" lần thứ 4.

Có mặt tại lễ khai mạc, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia nhận định: “Tôi cho rằng áo dài không chỉ là trang phục mà còn là niềm tự hào, là sự nhận diện và nó thể hiện tính thống nhất văn hóa của người Việt Nam. Đây là điều mà chúng tôi, những người làm văn hóa cho rằng chúng ta cần hết sức coi trọng. Và tôi rất vui khi 10 năm trở lại đây, phong trào cổ phục đi tìm lại văn hóa dân tộc ở ba miền, miền Bắc, miền Trung và miền Nam đều phát huy rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở TPHCM, trung tâm hàng đầu của đất nước về kinh tế chính trị và văn hóa - xã hội”.

20240101003827-img-8245-1-1711259067.jpg
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế (đứng vị trí trung tâm) trong lễ khai mạc ngày hội.

Mở màn cho ngày hội, các bạn trẻ đã được mãn nhãn với từng bộ Việt phục truyền thống thông qua các tiết mục đặc sắc như: Trình diễn Việt phục của các thương hiệu nổi tiếng; Trình diễn trang phục cổ truyền và nghệ thuật truyền thống Chăm Pa; Trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống Việt Nam (dân ca quan họ, cải lương, nhã nhạc cung đình Huế). 

20170101000113-img-8202-1-1711257934.jpg
Các tiết mục đặc sắc tại ngày hội thu hút nhiều sự chú ý.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ ngày hội còn diễn ra các buổi giao lưu, nơi các bạn trẻ có thể lắng nghe và hiểu thêm những câu chuyện của cha ông, qua đó góp phần khẳng định vị thế và vẻ đẹp của áo dài truyền thống trong dòng chảy thời trang đương đại như buổi talkshow “Thú chơi cổ ngoạn và cổ vật” với khách mời là Nhà sưu tầm cổ vật Lê Gia và Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc; workshop “Di sản đô thị Sài Gòn - Nam Bộ qua các bản đồ”; talkshow “280 năm định chế áo dài - 10 năm nhìn lại phong trào Cổ phong”.

Ngoài các tiết mục đặc sắc trên, các bạn trẻ còn có cơ hội được khoác lên mình những trang phục truyền thống và check-in tại hơn 30 gian hàng triển lãm với nhiều chủ đề khác nhau đến từ 25 đơn vị đồng hành như: Hoa Niên - Năm Tháng Tươi Đẹp; Vi Cự Việt Nhân Đình Làng Việt; Cổ vật Lê Gia; Việt Sử Liên Minh,… Bên cạnh những đơn vị tại miền Nam, "'Tóc xanh Vạt áo" mùa thứ 4 cũng đón tiếp các đơn vị tại Hà Nội, Huế và Nha Trang cùng vào giao lưu.

20240101010354-img-8264-1711258155.jpg
Các bạn trẻ hào hứng tìm hiểu các món đồ mang đậm nét văn hóa dân tộc tại gian hàng.

Có mặt tại ngày hội từ sớm, bạn Phạm Hiền cùng những người bạn hào hứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên chúng mình đến tham dự ngày hội Tóc xanh Vạt áo, có bạn thì đã đến nhiều lần rồi. Ngày đầu đi dạo hội, mình cảm thấy khá choáng ngợp, bởi mình không ngờ là Việt phục lại có nhiều bộ xinh đẹp như vậy. Trước đó mình chỉ nghĩ là có những chiếc áo dài hay là một vài trang phục hát tuồng thôi, nhưng bây giờ mình thấy tại đây rất đa dạng các loại trang phục dân tộc, đặc biệt là còn có trang phục của người Chăm nữa”.

“Vì mình đã đi những lần trước rồi nên mình thấy ngày hội năm nay có nhiều gian hàng hơn, mở rộng hơn, các hoạt động cũng nhiều hơn so với các năm trước. Về bố trí, mình thích cách BTC trưng bày gánh hát để quảng bá văn hóa dân tộc đến với các bạn trẻ, không chỉ thông qua Việt phục mà tại đây còn lồng ghép các nền văn hóa khác nhau, đó là điều làm mình ấn tượng”, bạn Diễm Huỳnh đi cùng cho hay.

20240101010635-img-8268-1-1711258006.jpg
Nhóm bạn Phạm Hiền hào hứng check-in tại ngày hội Việt phục.

Tương tự như nhóm bạn Hiền, đây cũng là lần đầu nhóm bạn Mẫn đến tham dự ngày hội. Các bạn có chung niềm đam mê với Việt phục và đều cảm thấy rất tự hào khi được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống xinh đẹp này. Đặc biệt là bạn Bảo, thay vì chọn chiếc áo dài nam, bạn lại chọn cho mình bộ trang phục thời Lê Trung Hưng gồm viên lĩnh, đạp lĩnh, đối khăm,... Theo Bảo, mỗi năm bạn chỉ mặc nó đúng 1 lần vào 30 Tết, nhưng năm nay có sự kiện “Tóc xanh Vạt áo” nên bạn quyết định mặc nó đến đây.

20240101012059-img-8282-1-optimized-1711258429.jpg
Nhóm bạn Mẫn rất yêu thích Việt phục, đặc biệt là Bảo (trái) đang trang phục thời Lê Trung Hưng.

Sau cùng, sự kiện "Tóc xanh vạt áo" lần thứ 4 sẽ chính thức được khép lại bằng đêm gala với những tiết mục trình diễn cổ phục đầy hoành tráng đến từ các người mẫu - diễn viên nổi tiếng. Đặc biệt không thể thiếu tiết mục sân khấu hóa “Chiếu chèo sân đình” chào đón đoàn nghệ nhân - nghệ sĩ từ miền Bắc trình diễn.

Một số hình ảnh tại ngày hội:

20240101004505-img-8250-1-optimized-1711259283.jpg
Đến với ngày hội, các bạn trẻ sẽ được thưởng thức những khúc cải lương đến từ nghệ sĩ trong gánh hát.
20240101005953-img-8255-1-1711260177.jpg
Hoạt động xem nhân tướng học và cho chữ cũng được các bạn trẻ quan tâm.
20240101011716-img-8278-optimized-1711260375.jpg
Không chỉ thu hút đông đảo các bạn trẻ, ngày hội còn nhận được sự quan tâm từ các vị phụ huynh.
20170101000829-img-8186-1711260602.jpg
Rất nhiều bạn sinh viện chọn khoác lên mình bộ áo dài truyền thống khi đến tham dự ngày hội.
20240101011643-img-8277-1711260731.jpgChăm
Bạn trẻ trải nghiệm trang phục dân tộc người Chăm tại gian Chiêm Thành Vương Cát.

 

Bài và ảnh: Anh Thư

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/nhon-nhip-le-khai-mac-ngay-hoi-viet-phuc-toc-xanh-vat-ao-lan-thu-4-nam-2024-a3755.html