Tiềm năng dồi dào từ thị trường "ngách"
Vài năm trở lại đây, du lịch thể thao "nở rộ", được xem là "con gà đẻ trứng vàng" của nhiều quốc gia trên thế giới và là thị trường "ngách" giàu tiềm năng. Đây là loại hình du lịch mà khách tới điểm đến với mục đích chính là tham gia các hoạt động liên quan đến thể thao.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch thể thao là một trong những mảng phát triển nhanh nhất của ngành du lịch, giá trị ước tính 800 tỷ USD trên toàn cầu. Nhiều sự kiện thể thao, giải đấu quốc tế được nhiều quốc gia khai thác trở thành sản phẩm thu hút du khách.
Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng các sự kiện thể thao để quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước mình. Tiêu biểu có thể kể đến Qatar với World Cup 2022, Trung Quốc với sự kiện Olympic Bắc Kinh và Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 9 (9/2023), Singapore với giải đua xe Formula One thường niên...
Cụ thể, Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 được tổ chức tại Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) từ ngày 23/9/2023 - 8/10/2023. Ghi nhận đến ngày 20/9/2023, lượng đặt bàn ăn tại chỗ trong ngành dịch vụ ăn uống tại tỉnh này đã tăng 380% so với cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu từ các nền tảng ẩm thực trực tuyến như Meituan và Dianping. Trong thời gian diễn ra sự kiện, số lượng đặt phòng khách sạn tại đây tăng 4,4 lần và doanh số bán vé ngắm cảnh tăng 20%.
Không đứng ngoài xu thế này, Việt Nam cũng đang tận dụng nhiều lợi thế để phát triển du lịch thể thao, đồng thời xúc tiến, quảng bá điểm đến, thúc đẩy giao lưu văn hóa. Việt Nam có địa hình đa dạng từ đồi núi, sông ngòi dày đặc đến những bãi biển dài và đẹp. Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành tổ chức nhiều giải thể thao thu hút khách trong và ngoài nước tham gia. Trong đó có thể kể đến như Đà Lạt Ultra Trail; Marathon quốc tế Hội An; Giải đua xe mô-tô, ô-tô địa hình ở Hà Giang; Giải leo núi chinh phục đỉnh Fansipan; Lễ hội diều ở Vũng Tàu...
Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ số lượng các câu lạc bộ và các giải thể thao phong trào của nhiều môn thể thao như golf, chạy bộ, xe đạp, leo núi, sup – kayak, bơi, yoga… Trong số đó, chạy bộ thu hút hàng nghìn vận động viên trong và ngoài nước, cổ động viên đến tham gia, cổ vũ.
Ngoài ra, các chuyên gia du lịch cũng đánh giá du lịch golf ở Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để có thể trở thành “Thiên đường golf của Châu Á”. Năm 2021, theo kết quả công bố của World Golf Awards - giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực golf trên thế giới, thuộc hệ thống giải thưởng World Travel Awards, Việt Nam được công nhận là Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á.
Doanh nghiệp du lịch làm gì để đón xu thế?
Nhận thấy tiềm năng từ du lịch thể thao, nhiều doanh nghiệp du lịch đã tiến hành khai thác các tour chuyên đề, dành riêng cho loại hình du lịch này, như tổ chức tour cho du khách đến cổ vũ, tour cho khách tham gia các hoạt động thể thao golf, marathon, trekking...
Với đặc thù của tour thể thao, các doanh nghiệp cần có sự tính toán về lịch trình di chuyển, điều hành tour, tổ chức dẫn đoàn tham gia các sự kiện. Trước tiên cần nghiên cứu kỹ lưỡng sản phẩm du lịch, địa hình, hệ thống giao thông hạ tầng... để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của du khách. Đồng thời có sự kết hợp giữa tour du lịch thể thao với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, khám phá thiên nhiên... làm tăng trải nghiệm của du khách.
Doanh nghiệp cũng cần có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý du lịch đến địa phương, ban tổ chức sự kiện thể thao... để có sự thống nhất, chuyên nghiệp tạo ấn tượng tốt cho du khách trong và ngoài nước khi trải nghiệm du lịch thể thao.
Lam Giang
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/du-lich-the-thao-tiem-nang-doi-dao-tu-thi-truong-ngach-a3754.html