Thống kê cho thấy khoảng 50% doanh thu truyền thông (khoảng 4 tỷ USD) đang “chảy” vào nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội. Vậy làm thế nào để các cơ quan báo chí có thể trụ vững được trước cơn bão phân bổ ngân sách truyền thông như hiện nay?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, dòng tiền trên không gian mạng đến từ quảng cáo dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước bị chi phối bởi view (tạm dịch: lượt xem). View là quan trọng, bất kể là view gì? Chất lượng như thế nào?
Cũng theo Thứ trưởng, có rất nhiều tác nhân hưởng lợi không chính đáng từ nền kinh tế và hệ sinh thái, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp quảng cáo. Không thể để tiền của người dân chi trả cho những nội dung nhảm nhí, vi phạm pháp luật. Trong khi những nơi làm nội dung chính thống đang héo dần vì không có tiềm lực.
Còn theo ông Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Báo VietNamNet nhận định, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn, phải cắt giảm các loại chi phí, bao gồm cả chi phí marketing, quảng cáo. Trong khi đó, báo chí bị cạnh tranh gay gắt bới các kênh quảng cáo hiện đại.
Ông Nguyễn Bá cho biết, việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và báo chí tạo ra những giá trị, động lực lâu dài trong phát triển, lan tỏa giá trị mỗi bên. Nền tảng cho quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và báo chí chính là đạo đức - đạo đức báo chí và đạo đức doanh nghiệp, cùng với sự minh bạch và chủ động của mỗi bên. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp có thể tiếp tục mở rộng theo nhiều mô hình khác nhau, có thể kể đến như: hợp tác để tư vấn; hợp tác content marketing; tài trợ và đối tác; tổ chức sự kiện.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Quản lý bền vững Unilever Việt Nam, cho rằng bên cạnh việc doanh nghiệp phải đảm bảo sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh bền vững, cần lựa chọn báo lớn, uy tín để thực hiện truyền thông tốt hơn, đa dạng hơn.
Theo bà Phạm Thị Bích Huệ Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác Cảng quốc tế Long An, tỉnh Long An đánh giá cao mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp: "nếu trước đây Báo chí giám sát chúng tôi thì bây giờ Báo chí cũng là đối tượng bị chúng tôi giám sát. Bởi vì với xã hội bây giờ từ Facebook, Zalo…mọi người đều có khả năng làm báo. Và các thông tin đó luật hóa rất cụ thể, trách nhiệm rất rõ ràng thì việc vai trò độc tôn giám sát của báo chí lại đang bị giám sát ngược. Vì vậy chắc chắn phải thay đổi quan hệ, quan điểm của báo chí, nó phải là quan hệ cộng hưởng và tương trợ lẫn nhau".
Trong phiên thảo luận, Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng trong truyền thông quảng cáo, các nhãn hàng thường chạy theo lượng view chứ chưa quan tâm đến chất lượng view.
Thống kê chứng minh có đến 43% view trên mạng xã hội hiện nay là view xấu, view không có tác dụng nhưng các nhãn hàng lại chỉ chú trọng đến view. Bộ Thông tin và Truyền thông đang có chiến dịch, thông điệp làm nội dung sạch sống khỏe, làm nội dung sạch mới được sống. Bộ rất mong các đại lý quảng cáo, nhãn hàng ủng hộ chiến dịch này bằng việc ưu tiên quảng cáo ở những kênh thực hiện nội dung sạch.
Bộ sẽ giới thiệu tới các doanh nghiệp, nhãn hàng, đại lý quảng cáo danh sách những kênh nội dung sạch. Cùng với việc doanh nghiệp, đại lý quảng cáo thay đổi nhận thức và hành động, báo chí cũng buộc phải đổi mới, nhất là phải Chuyển đổi số để có thể đáp ứng được kỳ vọng, nhu cầu của khách hàng.
Thy Thêu
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/can-dinh-vi-lai-moi-quan-he-giua-bao-chi-va-doanh-nghiep-a3678.html