Theo công bố thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) cho biết, bà Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS, HOSE: SBT) đăng ký bán 15 triệu cổ phiếu SBT. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 14/3-12/4 theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của bà Ngọc giảm từ 11,06% vốn cổ phần (84,2 triệu cổ phiếu) xuống 9,09% vốn cổ phần (tương đương 69,2) triệu cổ phiếu.
Trên thị trường, cổ phiếu SBT diễn biến đi xuống trong giai đoạn từ tháng 9/2023 đến nay. Kết phiên giao dịch ngày 13/3, SBT dừng ở mốc 12.500 đồng/cp, giảm 25% trong vòng 6 tháng qua.
TTC AgriS hiện vẫn là cái tên duy nhất có thể mang đường thương hiệu Việt đi khắp các thị trường trên thế giới. Bên cạnh các sản phẩm đường, Công ty cũng đã thành công đưa các sản phẩm dinh dưỡng thiên nhiên thương hiệu TTC AgriS đến hơn 50 thị trường trên toàn cầu, trong đó có nhiều thị trường mới đầy tiềm năng như Nga, Macau,… và đặc biệt là các thị trường truyền thống khó tính như: Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore,… Trước những thuận lợi và triển vọng của ngành, cũng như việc nhanh chóng thành công mở rộng thị phần xuất khẩu, TTC AgriS kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng lợi nhuận ở mảng này khi sở hữu các lợi thế cạnh tranh lớn cùng với việc luôn chủ động tận dụng các cơ hội từ thị trường quốc tế. TTC AgriS đã nghiên cứu, đánh giá để đưa ra chiến lược phù hợp với từng thị trường tiếp cận, mang đến những tín hiệu khả quan về sản lượng xuất khẩu.
TTC AgriS đã phát triển thành công danh mục sản phẩm đa dạng với 88 sản phẩm đường, 19 sản phẩm cạnh Đường – sau Đường, 8 dòng sản phẩm nước uống và với sự xuất hiện mới của 47 sản phẩm từ Dừa (Nước dừa Cocoxim, Cốt dừa Momcooks,…) và 21 sản phẩm khác (Điện mặt trời, Chuối già Nam Mỹ Smiley, Chuối Dole xuất khẩu,…) thể hiện năng lực vững vàng tiếp tục hành trình mở rộng phân khúc khách hàng, chinh phục các thị trường tiêu dùng mới và khẳng định vị thế doanh nghiệp nông nghiệp đa quốc gia hàng đầu khu vực.
Kỳ vọng gì ở cổ phiếu SBT?
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC), TTC AgriS công bố doanh thu qúy II niên độ 2022-2023 là hơn 6.981 tỷ đồng (tăng 40% cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 122 tỷ đồng (giảm 49% so với cùng kỳ). Lũy kế 6 tháng/2022-2023, SBT ghi nhận doanh thu 12.305 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 384 tỷ đồng (giảm 12% so với cùng kỳ).
Doanh thu qúy II/2022-2023 tăng trưởng mạnh nhờ tăng sản lượng tiêu thụ qua các kênh bán hàng, trong đó, sản lượng kênh xuất khẩu tăng hơn 70% so với cùng kỳ, kênh công nghiệp B2B (mua bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) tăng 26% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tăng trưởng của TTC AgriS còn nhờ giá đường trong nước tăng theo giá đường thế giới và Việt Nam tiếp tục áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan và một số nước ASEAN khác.
Cụ thể, từ cuối năm 2021, Bộ Công Thương đã bắt đầu mạnh tay trong việc việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN (Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar). Tháng 8/2022, Việt Nam chính thức áp dụng mức thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65% đối với các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan và các nước có nguyên liệu đường xuất xứ từ Thái Lan, áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026.
TTC AgriS và các doanh nghiệp đường trong nước hưởng lợi từ các hành động quyết liệt này của Bộ Công Thương. Biên lợi nhuận gộp qúy II/2022-2023 giảm xuống mức 8,4% (cùng kỳ 13,3%) do nhiều lý do.
Thứ nhất là lạm phát khiến nhiều loại chi phí tăng. Giá thu mua mía tăng do diện tích trồng mía giảm. Ngoài ra, lợi nhuận giảm còn do doanh thu tài chính giảm 12% trong khi chi phí tài chính tăng 142% so với cùng kỳ. Điểm sáng là TTC AgriS quản lý chi phí khá tốt khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 9% và 16% so với cùng kỳ.
Giá đường đang tăng tích cực cho nguồn cung, cho thấy triển vọng suy giảm trong khi nhu cầu dự kiến tiếp tục gia tăng. Nguồn cung đường dự kiến sẽ còn thiếu đến tháng 4/2023 khi thế giới chỉ có thể trông chờ vào Brazil (chiếm 20% tổng xuất khẩu đường toàn cầu), chuẩn bị thu hoạch một vụ mùa lớn vào khoảng tháng 4. Các nước xuất khẩu đường lớn khác đều đang bị ảnh hưởng. Ấn Độ sẽ hạn chế xuất khẩu đường, trong khi sản lượng của châu Âu bị ảnh hưởng bởi hạn hán và hiện đang đối mặt với tình trạng bấp bênh sau lệnh cấm thuốc trừ sâu. Thêm vào đó, các nhà máy Ấn Độ đang chuyển hướng sử dụng nhiều mía hơn để sản xuất ethanol.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu đường cho các công ty thực phẩm. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, Trung Quốc có thể sẽ nhập khẩu 4,4 triệu tấn đường trong niên độ 2022 - 2023. Do Trung Quốc nhập khẩu đường 82% từ Brazil nên việc quốc gia này mở cửa có thể sẽ tiếp tục làm thiếu hụt nguồn cung cho thị trường quốc tế.
Ngành đường thế giới được dự báo sẽ thiếu hụt 685 nghìn tấn trong niên vụ 2022 - 2023, dự báo này vẫn chưa tính đến nhu cầu từ câu chuyện Trung Quốc mở cửa.
Do đó, TTC AgriS được dự báo sẽ được hưởng lợi rất lớn từ những yếu tố trên vì có những lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Theo FSC, mức giá dự phóng 12 tháng tới cho cổ phiếu SBT là 23.011 đồng/cổ phiếu. FSC cho rằng tại mức giá mục tiêu này, cổ phiếu SBT vẫn còn sức hấp dẫn khi nhìn sang triển vọng năm 2023 của doanh nghiệp.
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/chu-tich-huynh-bich-ngoc-rut-bot-von-khoi-thanh-thanh-cong-bien-hoa-a3651.html