Thiếu tính hệ thống để tạo sản phẩm du lịch hoàn chỉnh
Sau đại dịch Covid-19, du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp, cộng đồng đã trở thành một hướng đi mới cho ngành du lịch, đi theo xu thế chung của thế giới là phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Đây cũng chính là việc thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
Theo đó, các dự án về phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng tại các địa phương được phát triển ngày một bài bản và chuyên nghiệp, có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Ở nhiều địa phương, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trở thành điểm đến nổi tiếng, được du khách trong nước và nước ngoài biết đến.
Chia sẻ về điều này, bà Trương Thị Bích Ngọc - giảng viên Khoa Thương mại Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, chuyên gia du lịch nông thôn cho biết, du lịch nông thôn đang trở thành một trào lưu, hầu như bất cứ tỉnh, thành nào cũng có và mục tiêu xây dựng là du lịch cộng đồng, du lịch xanh và định hướng từ năm 2023, các tỉnh, thành phố sẽ bắt đầu làm với mục tiêu này. Tuy nhiên, mỗi địa phương có mục đích, cách triển khai khác nhau, có thể từ các địa phương, từ các dự án có quỹ tài trợ từ nước ngoài, hoặc một chuyên đề nào đó được triển khai. Dường như Việt Nam đang ở bước đầu đồng bộ chương trình tại nhiều địa phương, cùng nhau chung tay thống nhất định hướng là du lịch xanh, du lịch bền vững.
Là người đang tham gia dự án Cải thiện sinh kế vùng ven đô Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội, trước đó là Phát triển du lịch cộng đồng tại Tri Tôn, An Giang; Phát triển du lịch bền vững tại Duy Tiên, Hà Nam, bà Trương Thị Bích Ngọc cho hay, ở Việt Nam tính vùng miền, tính đặc trưng có sự khác nhau rất rõ.
“Tôi thấy dự án Cải thiện sinh kế vùng ven đô Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội thiên về du lịch nông nghiệp rất rõ và là sinh kế cho người dân ở vùng đệm. Tại dự án sinh kế ở Giang Biên, tôi gặp 18 hộ dân và cảm thấy họ rất vui thích khi được giới thiệu về lịch sử hào hùng của vùng Giang Biên với khách du lịch.
Cái khó khi chúng tôi gặp gỡ 18 hộ dân là hầu hết các cô chú đều lớn tuổi, vì vậy nếu hướng dẫn theo một cách thông thường với tập tài liệu dày cộp trên tay, họ sẽ không thể nhớ và làm theo được. Vì vậy, chúng tôi đã ngồi bàn bạc và thay đổi cách tập huấn. Chúng tôi nói ngắn gọn, súc tích để bà con dễ hiểu, ví dụ nấu ăn là quy trình 6Đ, phục vụ lưu trú là 4S.
4S ở đây được hiểu là sẵn sàng, sạch sẽ, săn sóc, sắp xếp và đưa hình ảnh, thậm chí có hình cô chú trong đó, mọi người rất thích và hiểu, nhớ ngay những quy trình đó.
Còn dự án ở Duy Tiên, tỉnh Hà Nam lại thiên về danh nhân, lịch sử. Tôi khá bất ngờ bởi các hộ dân ở Duy Tiên có tính cộng đồng rất cao, những gì chúng tôi chỉ dẫn bà con đều làm đúng như vậy. Ngoài ra, bà con ở Duy Tiên còn rất am hiểu về văn hóa truyền thống, lịch sử nơi đây, đó là một lợi thế và là nguồn tài nguyên quý giá mà chúng tôi không cần phải tốn quá nhiều công sức để xây dựng mô hình.
Tại Tri Tôn (An Giang) là mô hình sản phẩm du lịch về dược liệu. Người dân Tri Tôn có một đặc trưng rất hay, đó là mỗi một xã có một phòng đông y được chính quyền địa phương quản lý. Những phòng đông y này có các bác sĩ đông y rất giỏi và chữa bệnh miễn phí cho bà con, tôi cho đó là một tài nguyên quý giá cần được xây dựng thành sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, khi làm việc với bà con ở đây lại khác với bà con miền Bắc. Người miền Nam tiếp thu nhanh nhưng cũng quên nhanh, không có sự quy củ, nề nếp và đôi lúc hơi khó khăn trong tính hệ thống. Ở đây tôi không chê trách mà chỉ là cách chúng tôi hiểu đặc tính để biết cách trao đổi, hướng dẫn cho bà con ở quy mô vừa với sức của bà con”, bà Bích Ngọc nói.
Không chỉ góp phần vào các dự án du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, giúp bà con sinh kế, tăng thêm thu nhập hay phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa, lịch sử, bà Bích Ngọc còn trăn trở với những hạn chế, thách thức mà ngành du lịch đang gặp phải.
Theo bà Bích Ngọc, ở góc độ phát triển sản phẩm du lịch, hạn chế cụ thể nhất là tính hệ thống để hỗ trợ nhau tạo ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hạn chế thứ hai là chưa thật sự thấu hiểu nhu cầu của khách hàng.
“Tôi ví dụ, nhiều sản phẩm như gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan được làm thủ công. Du khách nước ngoài muốn mua và mang về nước nhưng lại không biết làm cách nào mang về. Đa phần các cửa hàng, doanh nghiệp của Việt Nam mới chỉ nghĩ đến việc bán được sản phẩm mà chưa nghĩ đến cách vận chuyển, ship ra nước ngoài như thế nào. Trong khi nếu ở Thái Lan, bất cứ sản phẩm nào họ cũng có thể gửi, ship về tận nhà cho du khách dù ở đâu, châu Á hay châu Âu.
Bên cạnh đó là thiếu sự liên kết vùng miền, liên kết các ngành nghề, các doanh nghiệp với nhau. Nguyên nhân tiếp theo là nhiều địa phương cùng khai thác một tài nguyên du lịch nhưng lại không khai thác được khía cạnh khác biệt”, bà Bích Ngọc nói.
Cần 3 yếu tố kinh tế, văn hóa và môi trường phát triển song song
Được đào tạo bài bản khi có 5 năm học quản trị du lịch quốc tế và làm việc tại Úc, khi về nước bà Bích Ngọc làm công việc giảng dạy Khoa Thương mại Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và chuyển hướng sang du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Bà Bích Ngọc tâm sự, sau những năm tháng giảng dạy, tham gia một vài dự án và đặc biệt được trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ ý tưởng với các doanh nghiệp du lịch Việt, khảo sát tại Thái Lan đã cho bà cái nhìn khác về phát triển du lịch.
“Tôi được tham gia giảng dạy các bài học ở Thái Lan, tôi được tiếp xúc và xem cách người Thái dạy về du lịch, làm về du lịch, đó cũng là cách để mình học hỏi và xem xét.
Năm 2022, tôi đã sang Thái Lan 4 lần với mục tiêu vừa đi du lịch vừa khảo sát 10 trường học có liên quan đến ngành cung ứng dịch vụ lao động du lịch. Họ cho đi thực tế nên tôi đã học hỏi rất nhiều về cách làm du lịch của họ.
Và tôi chợt nhận ra, nếu làm du lịch, ai mới là chủ thể để du lịch có thể bền vững, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực? Người làm du lịch ư? Chắc chắn không phải rồi. Vậy thì là ai? Đó chính là cộng đồng tại địa phương, điểm đến đó mới là chủ thể.
Với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các địa phương chỉ là điểm để kinh doanh du lịch chứ không có sự kết nối các giá trị mà ở cộng đồng địa phương đó đang có, đó là lý do vì sao tôi đã nhìn nhận lại bản thân và chọn lại hướng đi. Hướng đi mà tôi muốn là phát huy và xây dựng du lịch dựa trên nền tảng cộng đồng địa phương, điều này mới tạo nên sự bền vững”, bà Bích Ngọc nói.
Theo bà Bích Ngọc, để du lịch phát triển bền vững cần có ba yếu tố gồm kinh tế, văn hóa và môi trường phát triển song song. “Trước đây phát triển du lịch ở góc độ kinh tế, du lịch tạo ra sinh kế, tạo ra thu nhập tốt hơn cho cộng đồng địa phương. Thế nhưng sau vài năm, sau khi khai thác quá đà, cạn kiệt về kinh tế, không còn gì để khai thác tiếp thì mọi người có vẻ lúng túng, không biết nên làm gì mới?
Lúc đó mọi người mới quay sang tìm hiểu đến văn hóa, đến môi trường để tạo ra cái mới để khai thác. Tuy nhiên, sự phát triển này lại không song song nên dẫn tới, cứ phát triển môi trường thì lại làm ảnh hưởng xấu đến văn hóa hay kinh tế và ngược lại, điều này dẫn đến không mang lại giá trị chung, bền vững cho du lịch.
Chính vì vậy mà để hiểu đúng về phát triển du lịch bền vững thì cần phát triển cả ba yếu tố cùng lúc, đồng thời, đó là hiểu được đặc tính tại cộng đồng địa phương và đặc tính của khách du lịch mà mình hướng tới và bên cạnh đó là chính sách của cơ quan quản lý nhà nước, sự góp sức của các chuyên gia”, bà lý giải.
Nói về giải pháp tháo gỡ những hạn chế này, bà Bích Ngọc cho biết: “Để có giải pháp cho những khó khăn và thách thức này, theo tôi nên có chiến lược và truyền thông một cách bài bản, có kế hoạch đề ra deadline cụ thể. Với chiến lược thì cần có cách làm để tiếp cận được với khách hàng một cách hiệu quả nhất. Ví dụ với loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp, chúng ta cần nắm rõ và phân loại khách hàng nào sẽ đi tour du lịch nông nghiệp, sau đó xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp đúng với sở thích, nhu cầu của khách du lịch.
Ngoài ra, là chính sách từ trên đưa xuống, cơ quan quản lý địa phương và các bên liên quan cùng vào cuộc để vận hành đồng bộ mô hình du lịch nông nghiệp.
Tiếp đến là xác định được nguồn tài nguyên nông nghiệp tại địa phương đó là gì. Ví dụ khi nói đến nông sản quả vải thiều mọi người nghĩ ngay đến Lục Ngạn, Bắc Giang, nói đến nhãn lồng là nghĩ ngay đến Hưng Yên…
Điều tiếp theo là chúng ta cần đưa ra chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đó. Và cuối cùng là có quy trình chuẩn để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, làm sao để bán hàng và tạo được điểm chạm cho du khách”.
Huy Hoàng
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/phat-trien-du-lich-ben-vung-can-ca-ba-yeu-to-kinh-te-van-hoa-va-moi-truong-a3627.html