Bà Huỳnh Ngọc Vân: "Đối với tôi áo dài vốn là di sản mà toàn thể người Việt phải hiểu, phải yêu, góp phần vun đắp"

Chiếc áo dài từ xa xưa đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, là biểu tượng của vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Hơn hết, chiếc áo dài còn mang cả niềm tự hào của người Việt mà mỗi chúng ta phải gắn với trách nhiệm gìn giữ, lan toả...

Là một trong những người có uy tín trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là với trang phục áo dài truyền thống, bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài - đã đóng góp không nhỏ vào việc tạo ra một không gian bảo tồn và trưng bày đầy đủ và chất lượng về áo dài. Bảo tàng Áo dài do bà Vân điều hành không chỉ là nơi lưu giữ những bộ áo dài có giá trị lịch sử mà còn là trung tâm nghiên cứu, giáo dục và tạo ra những sự kiện văn hóa, giúp lan tỏa và tôn vinh giá trị của trang phục truyền thống này.

118472872-3270220543092019-5155570163831318306-n-1709457666.jpg
 

Bà trông đợi gì vào Lễ hội Áo dài lần thứ 10 năm 2024? 

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Tôi đã tham gia Lễ hội Áo dài từ lần thứ nhất, tôi lúc nào cũng trông đợi lễ hội này. Lễ hội lần thứ 10 năm nay tôi có một chút gì đó gọi là hồi tưởng lại lúc vừa tổ chức năm đầu tiên, lúc đó còn ít người biết đến, tổ chức rất là thận trọng và dè dặt. Còn bây giờ thì ai cũng biết đến Lễ hội Áo dài, số người tham gia không chỉ đông mà hình thức cũng ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng cũng ngày càng tốt hơn. 

Không biết năm nay Bảo tàng Áo dài có sự kiện gì mới để hưởng ứng Lễ hội Áo dài 2024?

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Đối với tôi đầu tiên mình phải làm cái gì đó bền vững không cần phải quá mới lạ. Nếu mình làm những cái mới mà năm nào cũng mới rồi rốt cuộc bị mất đi thì không bền vững. Cho nên Bảo tàng Áo dài lại tiếp tục đón khách đến, thuyết trình cho khách hiểu và lan tỏa tình yêu áo dài.  

1-1709298856.jpg
 

Hưởng ứng Lễ hội Áo dài lần thứ 10, lần này Bảo tàng Áo dài tổ chức rất nhiều hoạt động. Năm nay thành phố đề xuất một cuộc triển lãm của Bảo tàng Áo dài tại công viên Lam Sơn về lịch sử áo dài. Song song đó tại phố đi bộ Nguyễn Huệ có góc trải nghiệm bao gồm máy may, vải vóc và các phụ kiện liên quan đến áo dài.  

Vào ngày thơ (hoạt động thường niên của Bảo tàng Áo dài) bảo tàng nhận được 4 áo dài do các nhân vật đặc biệt gửi tặng, nhân dịp này đưa ra trưng bày và kể các câu chuyện của nhân vật. 

Bên cạnh đó, do Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật lại trùng với Lễ hội Áo dài, nên Bảo tàng Áo dài được mời tham dự cả hai sự kiện. Trong Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, bảo tàng cũng được mời triển lãm áo dài với tranh khắc gỗ Nhật Bản, áo dài với mặt nạ tuồng của Việt Nam. Cùng với đó là cho mượn áo dài để chụp hình cùng với Kimono và Yukata. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng giới thiệu một số loại hình văn hóa của Việt Nam như thơ lục bát, thắt lá dừa…  

Bà ấn tượng với điểm gì với mùa lễ hội năm nay? 

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Năm nay tại Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật sẽ diễn ra tiết mục "Áo dài học đường" do các nữ sinh trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn. Áo dài được chọn làm đồng phục của nữ sinh trên cả nước, mà lại là áo dài trắng đẹp vô cùng, lại lãng mạn và đi cùng với lịch sử của đất nước. Nữ sinh tham gia các phong trào đấu tranh để đòi hòa bình, đòi độc lập tự do. Rất nhiều câu chuyện của nữ sinh mặc áo dài tham gia các phong trào yêu nước cho nên cái áo dài trắng rất là đặc biệt. Tôi phải đấu tranh với bên phía Nhật Bản để đưa lên sân khấu câu chuyện "Áo dài học đường" vừa đẹp vừa lãng mạn, sâu sắc và cuối cùng cũng được thông qua. 

2-1709298856.jpg
 

Bà nghĩ như thế nào về việc đưa áo dài ra thế giới?   

Bà Huỳnh Ngọc Vân: Đối với tôi áo dài vốn là di sản của Việt Nam, mà trước khi muốn UNESCO công nhận thì toàn thể người Việt phải hiểu, phải yêu, góp phần vun đắp. 

Trước hết phải công nhận áo dài là quốc phục, có các hình thức gìn giữ nó trong người dân, sử dụng đúng nơi, đúng lúc, đúng hình dáng, kiểu dáng, chất liệu… thật tốt đến mức áo dài trở thành một niềm tự hào của đất nước, trong nhận thức của người già đến người trẻ, từ đàn ông đến phụ nữ. 

4-1709298856.jpg
 

Trong nước phải làm vẹn toàn thì mới tính đến chuyện đưa ra quốc tế. Tôn vinh áo dài tại hải ngoại chỉ là một mơ ước chưa được bám rễ sâu sắc vào trong cộng đồng của người Việt. Chúng ta phải làm thận trọng từng bước trong nước để người dân công nhận đó là một trang phục dân tộc, rồi đến quốc phục, đến sử dụng mọi lúc, mọi nơi kể cả kiểu dáng, chất liệu... Sau đó mới đến đề cao tôn vinh những người thợ, những người giữ được nghề may áo dài truyền thống, những lễ hội sử dụng áo dài truyền thống. Khi làm được những điều đó rồi thì UNESCO mới nhìn thấy, bởi vì họ cần sự tổng hợp là nó sống được trong cộng đồng chứ không phải chỉ đẹp trên bề mặt. 

Trước hết chúng ta cần làm từ những cái cơ bản nhất từ trong cộng đồng của chính người Việt Nam mình kể cả các dân tộc ít người. Họ có những trang phục khác nhưng họ vẫn công nhận khi bước ra thế giới chúng ta sẽ mặc áo dài. Giống như hoa hậu H'hen Niê đi thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, cô mặc áo dài may bằng vải của dân tộc Ê-đê. 

Chúng ta nên củng cố nền móng của áo dài trong nước thật vững chắc đi kèm với những giá trị văn hóa phi vật thể (như nghề may áo dài, các lễ hội áo dài) mới đi đến câu chuyện trình ra cho thế giới công nhận. 

Xin cảm ơn những chia sẻ đầy ý nghĩa của bà!

Y Thanh

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/ba-huynh-ngoc-van-doi-voi-toi-ao-dai-von-la-di-san-ma-toan-the-nguoi-viet-phai-hieu-phai-yeu-gop-phan-vun-dap-a3516.html