Về cung An Định xứ Huế khám phá "một thời vàng son" của triều Nguyễn
Bên bờ sông An Cựu thơ mộng có một công trình mang đậm dấu ấn lịch sử mà những ai yêu thích tìm hiểu về văn hóa triều Nguyễn không thể bỏ qua, đó chính là cung An Định - một viên ngọc trăm tuổi giữa lòng xứ Huế.
Tọa lạc tại số 97 đường Phan Đình Phùng, TP Huế, cung An Định được nhiều người biết đến là công trình diễm lệ gắn liền với các vị vua cuối triều Nguyễn như vua Khải Định, vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long. Đồng thời nơi đây cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Theo tìm hiểu, ban đầu cung An Định có tên gọi là phủ An Định - phủ gỗ nằm bên bờ sông An Cựu do vua Đồng Khánh ban cho thái tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo (sau là vua Khải Định) làm cung riêng sinh sống vào năm 1902. Đến năm 1917, sau khi đăng cơ, vua Khải Định bắt đầu cho cải tạo lại phủ thành một tòa lâu đài cổ kính và tráng lệ nhất Việt Nam lúc bấy giờ với cái tên cung An Định. Năm 1922, cung An Định được truyền lại cho hoàng tử Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại sau này).
Toàn bộ công trình được xây dựng với diện tích hơn 23.000m2, quay mặt hướng Nam phía bờ sông An Cựu. Trước đây, cung có khoảng 10 công trình lớn nhỏ như: bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, hồ nước… Nhưng do sự tàn phá của chiến tranh và dòng thời gian nên hiện cung chỉ còn lại ba công trình khá nguyên vẹn là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.