Một lần ghé thăm Hoàng Hạc Lâu

Hoàng Hạc Lâu là một điểm du lịch nổi tiếng mà hầu hết du khách đến thăm thành phố Vũ Hán đều nhất định ghé qua một lần. Đó là công trình đã trở nên nổi tiếng trong lịch sử thi ca của Trung Quốc qua bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” của nhà thơ Thôi Hiệu (đời Đường).

Tòa lầu được gắn với một truyền thuyết về vợ chồng chủ quán rượu tốt bụng, không lấy tiền rượu của một vị khách nghèo trong thời gian dài nên vị khách đã trả ơn bằng cách vẽ lên tường quán một con hạc màu vàng biết nhảy múa theo nhịp vỗ tay. Quán rượu nhờ thế ngày càng đông khách, giúp chủ quán trở nên giàu có.

hoanghaclau9-1708059236.JPG
Toàn cảnh Hoàng Hạc Lâu

Vào ngày gặp lại vị khách, chủ quán rất vui mừng ngỏ ý muốn phụng dưỡng ông nhưng vị khách đã từ chối, khi ông rút ra cây sáo, tấu lên khúc nhạc thì một đám mây trắng sà xuống vây quanh con hạc, vị khách nhảy lên lưng hạc, đám mây đưa ông và hạc bay lên tận trời xanh. Để cảm tạ và nhớ về vị khách, chủ quán đã cho xây một toà lầu và lấy tên là Hoàng Hạc Lâu.

hoanghaclau8-1708059236.JPG
Chim hạc là biểu tượng của Hoàng Hạc Lâu.

Do được xây dựng ở vị trí đẹp trên đỉnh núi Xà (She shan), nên đây đã trở thành nơi các nhà thơ, các tao nhân mặc khách thời cổ đại như Thôi Hiệu, Lý Bạch, Bạch Cư Dị… tới thưởng lãm cảnh đẹp và sáng tác những bài thơ bất hủ.

hoanghaclau6-1708059236.JPG
 
hoanghaclau7-1708059237.JPG
Cảnh quan thiên nhiên ấn tượng của Hoàng Hạc Lâu.

Trải qua rất nhiều lần trùng tu, tòa lầu hiện nay đã được cố định bằng các vật liệu hiện đại. Toà lầu có 5 tầng cao 51,4m với 56 mái ngói cong. Du khách sẽ được đưa lên tầng năm của toà lầu bằng thang máy, từ tầng lầu này sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ cây cầu Đại Trường Giang thẳng tắp dài 1670m bắc qua sông Trường Giang, và thưởng thức cảnh đẹp hiện đại dọc hai bên bờ sông. Khi dần đi cầu thang bộ xuống các tầng phía dưới, du khách sẽ được thưởng thức các bức họa vẽ lại sự tích tòa lầu cùng với mô hình tòa lầu qua các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh và hiện tại.

hoanghaclau1-1708059236.JPG
Chuông “Thiên hỉ cát tường”.

Trong khuôn viên, phía Nam của tòa lầu là chiếc chuông “Thiên hỉ cát tường”. Đây là chiếc chuông lớn nhất được đúc kể từ sau chiếc chuông Vĩnh Lạc đời Minh. Chuông đồng cao 5m với đường kính miệng chuông 3m, nặng 20 tấn ra đời đánh dấu thời điểm chuyển giao giữa thế kỷ 20 và 21.

hoanghaclau4-1708059236.JPG
Bức phù điêu “Cửu cửu quy hạc đồ”.

Phía cuối con đường, du khách sẽ còn được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc lớn thứ 2 trong quần thể này - bức phù điêu “Cửu cửu quy hạc đồ” (99 con hạc mềm mại uyển chuyển). Ngoài sự miêu tả vẻ đẹp của đàn hạc ra, bức phù điêu còn mang ý nghĩa thể hiện sự khát vọng một cuộc sống tươi đẹp trong mỗi con người từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai.

hoanghaclau3-1708059236.JPG
Hoàng Hạc Lâu là điểm du lịch nổi tiếng ở Vũ Hán.

Trái ngược với sự yên bình bên trong khu danh thắng, bên ngoài bức tường bao kia sẽ lại là một Vũ Hán hiện đại tấp nập người qua lại. Truyền thuyết rất nhân văn về cánh hạc đã giúp Hoàng Hạc Lâu trở thành hình ảnh đặc trưng của thành phố Vũ Hán và là điểm dừng chân của du khách yêu thích thơ văn và văn hóa Trung Hoa.

Bài và ảnh: Tuyết Nhung

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/mot-lan-ghe-tham-hoang-hac-lau-a3355.html