Chùa Thầy
Nằm tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, chùa Thầy từ lâu đã được biết đến là ngôi cổ tự linh thiêng với phong cảnh hữu tình nên thơ. Cũng vì thế nơi đây luôn là địa điểm thu hút khách du lịch thập phương.
Theo nhiều tài liệu lịch sử, cách đây hơn ngàn năm trước, ban đầu chùa Thầy là một am nhỏ do thiền sư Từ Đạo Hạnh xây dựng và sáng lập. Đây là nơi mà thiền sư tu hành, bên cạnh đó ngài còn là thầy lang đã chữa bệnh và dạy học cho người dân, cũng là ông tổ của bộ môn múa rối nước. Đến thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), nhà vua đã xây dựng lại chùa Thầy.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh là người mở đường cho tín ngưỡng thờ Thánh Tổ, tín ngưỡng này có ảnh hưởng rất lớn vào thời Lý - Trần. Trải qua 7 lần đại trùng tu, ngôi chùa vẫn giữ được nhiều nét cổ kính khiến du khách không khỏi mê mẩn.
Quần thể di tích chùa Thầy gồm có: Chùa Thầy, Thủy đình, cầu Nhật Tiên, Nguyệt Tiên, Đền Tam Phủ, Tiền đường (chùa Hạ), Nhà cầu (ống muống), Thượng điện (chùa Trung), Điện Thánh (chùa Thượng), Hành lang - gác chuông, gác trống, hậu đường, Chùa Cao (Đỉnh Sơn tự), …
Chùa Tây Phương
Cách chùa Thầy khoảng 13km, chùa Tây Phương cũng là một ngôi cổ tự nổi tiếng linh thiêng và có vẻ đẹp độc đáo, nằm trên một ngọn núi cao khoảng hơn 100m ở xã Thạch Thất, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đến thăm ngôi chùa này du khách có dịp chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ kính, tận hưởng bầu không khí trong lành của núi rừng, rời xa thành phố với những bộn bề lo toan.
Theo các nhà nghiên cứu, vào năm Giáp Dần, dưới triều vua Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561), chùa Tây Phương đã được xây dựng với quy mô như ngày nay. Sau đó vào thời vua Lê Thần Tông, chúa Tây Vương Trịnh Tạc, vua Lê Hy Tông chùa được tu bổ và tạc thêm tượng.
Quần thể di tích chùa Tây Phương bao gồm nhiều hạng mục như: Tam quan hạ, Tam quan thượng, Nhà tổ, Nhà Mẫu, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện và Nhà khách. Điều làm nên sức hút của ngôi chùa này là sự cổ kính và những pho tượng Phật giáo được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ với niên đại hàng trăm năm.
Chùa Trấn Quốc
Nằm ở đảo Cá Vàng của Hồ Tây, tọa lạc trên đường Thanh Niên, chùa Trấn Quốc luôn là địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước bất kể là ngày thường, cuối tuần hay những dịp lễ Tết. Không phải tự nhiên mà nơi đây là một trong những công trình biểu tượng của Hà Nội, nằm trên một đảo nhỏ, nổi bật lên là ngôi chùa với màu vàng rực rỡ cùng những nét kiến trúc, tòa tháp được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ.
Vốn là một trong những địa điểm luôn có lượng khách du lịch lớn, đến từ nhiều quốc gia, tỉnh thành khác nhau nhưng bầu không khí ở chùa luôn giúp du khách cảm thấy an yên và thư thái nhờ những làn gió từ hồ Tây thổi vào. Địa thế này cũng làm nên điểm khác biệt, độc đáo của chùa Trấn Quốc.
Ghé thăm chùa Trấn Quốc, bạn sẽ thường bắt gặp hình ảnh những du khách mải miết ghi lại khung cảnh hay được nghe nhiều loại ngôn ngữ khác nhau khi những hướng dẫn viên thuyết minh về địa điểm.
Chùa Láng
Một ngôi chùa nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính khác đó là chùa Láng hay còn gọi là Chiêu Thiền tự, vào thời xưa nơi đây còn có danh xưng “Đệ nhất tùng lâm”. Theo các tài liệu lịch sử, chùa Láng được xây dựng vào thời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) ở xã Yên Lãng, huyện Vĩnh Thuận nay là phố Chùa Láng, quận Đống Đa. Tính đến nay ngôi chùa này đã có lịch gần 900 năm.
Ngôi chùa này nằm ở phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội, một cung đường luôn tấp nập xe cộ và có nhiều ngôi trường như: Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Trường THCS Láng Thượng, … nhưng vẫn giữ được vẻ thanh tịnh, yên tĩnh với khuôn viên rộng lớn, rợp bóng cây xanh. Đây cũng chính là những điều khiến chùa Láng trở nên đặc biệt và thu hút du khách ghé thăm.
Chùa Láng là nơi thờ Phật, thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông. Dù trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng ngôi chùa này vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống, cổ kính với những phần được chạm khắc tỉ mỉ và vô cùng, công phu, điêu luyện.
Bài và ảnh: Nhật Tân
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/dau-xuan-ghe-tham-nhung-ngoi-chua-tuyet-dep-co-kinh-bac-nhat-ha-noi-a3315.html