Tết với kiều bào xa xứ: Dù đi đâu, làm gì thì Tết Việt vẫn là điều thiêng liêng, đẹp đẽ

Dù phải đón Tết xa quê hương tận nửa vòng trái đất nhưng trong tâm trí của những người Việt xa xứ không thôi nhớ về ngày Tết cổ truyền. Họ đã và đang không ngừng nỗ lực gìn giữ nét văn hóa đẹp đẽ ấy theo cách của riêng mình.

Những ngày Tết đến xuân về, phố xá ngập tràn không khí rộn ràng khiến ai nấy cũng đều hào hứng trở về nhà để được quây quần bên mâm cơm gia đình. Thế nhưng, điều giản đơn ấy đôi khi lại thật xa xỉ với những người con đất Việt đang sống và lao động ở nước ngoài, vì những lý do khác nhau mà họ phải đón Tết xa nhà. Dù xa nhà nhưng ai cũng cố gắng chuẩn bị cho mình và gia đình một cái Tết thật đủ đầy, đầm ấm và hạnh phúc, đặc biệt là "chuẩn Tết quê hương" để có thể lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. 

toi-luon-co-giu-truyen-thong-don-tet-vi-voi-toi-du-di-dau-lam-gi-thi-tet-vietet-1706947568.jpg
Chị Paris Chung (người đầu tiên từ bên phải qua) diện chiếc áo dài vàng sặc sỡ để chụp ảnh Tết cùng những người bạn. Ảnh: NVCC

Đã 6 năm định cư ở Mỹ nhưng không khí Tết Việt đầm ấm vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của chị Paris Chung. Bởi chị luôn quan niệm rằng “dù có đi đâu và làm gì thì Tết Việt vẫn là một điều thiêng liêng mà tôi luôn muốn lưu giữ cho gia đình mình”.

Để gìn giữ nét đẹp truyền thống ngày Tết, đồng thời để lan tỏa bầu không khí sum vầy và rộn ràng trong những ngày đầu năm, cứ đúng vào ngày 30 và mùng 1 Tết hằng năm, chị Paris Chung đều cố gắng gác lại công việc của mình để nấu bữa cơm tất niên và tân niên cho gia đình.

03be4eb9-012a-47ff-a00d-14765d543a3a-1-1707140600.jpeg
Bàn trang trí Tết của chị Paris Chung đậm chất Việt. Ảnh: NVCC

Sau khi đã tận hưởng bữa cơm đoàn viên cùng gia đình nhỏ của mình, chị thường sẽ đến nhà thờ - nơi tổ chức lễ hội xuân với các hoạt động thú vị như tham gia gian hàng trò chơi dân gian, check-in không khí đầy sắc Tết ở các khu tiểu cảnh, hay thưởng thức các tiết mục ca hát chào đón xuân... “May mắn là tôi sống ở gần khu có nhiều người Việt nên không khí Tết tại đây rất rõ ràng và náo nhiệt. Đây cũng là dịp chúng tôi có thể gặp gỡ và cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Còn trẻ con thì có cơ hội được hiểu thêm về ý nghĩa của Tết Việt”, chị Paris Chung cho biết.

93b17fce-d8ad-45f4-a05d-b10283e30187-1707140621.jpeg
Không khí Tết rộn ràng ở nơi chị Paris Chung đang sống. Ảnh: NVCC

Cũng theo chị, có một số nhà thờ tại Mỹ còn tổ chức hội chợ bày bán những vật phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân từ trước đó nửa tháng. Không chỉ tại nhà thờ mà trong các khu chợ châu Á, tiểu thương cũng có đầy đủ các loại bánh mứt, hạt dưa, trái cây, hoa quả, dưa hấu… tạo nên một khung cảnh phiên chợ Tết nhộn nhịp, làm những người con xa xứ cứ ngỡ như được trở về quê hương.

Đặc biệt hơn, không chỉ chị Paris Chung mong mỏi được lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong ngày Tết mà cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng đang nỗ lực gìn giữ bằng những cách khác nhau. 

cbbea0a4-c420-4df9-97a7-d2ad9b091a3c-1706948240.jpeg
Các chị em phụ nữ tại đất Mỹ xúng xính bên tà áo dài truyền thống của Việt Nam. Ảnh: NVCC

“Những đứa trẻ bên Mỹ thường được ba mẹ sắm sửa cho những chiếc áo dài, dạy học thuộc các câu chúc Tết bằng tiếng Việt, nói cảm ơn khi nhận lì xì từ các ông bà anh chị lớn tuổi. Mặc dù bọn trẻ không nói tiếng Việt rành rọt nhưng vẫn đọc thuộc làu các bài chúc Tết nghe rất dễ thương”, chị Paris Chung hào hứng chia sẻ.

hon-cho-gia-dinh-1706948393.jpg
Anh Michael Tran chụp ảnh vui xuân cùng con trai. Ảnh: NVCC

Hay như tâm sự của anh Michael Tran - định cư ở Mỹ 30 năm, bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch bệnh Covid-19 vừa qua còn là cơ hội để chúng ta nhận ra rằng mình nên “sống chậm” lại và gắn kết với gia đình nhiều hơn, đặc biệt là trong dịp Tết đến xuân về ý nghĩa đoàn viên lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bản thân anh Michael Tran tuy không còn nhớ rõ không khí Tết Nguyên đán là như thế nào do đã rời xa quê hương Việt Nam từ lâu, thế nhưng điều này vẫn không thể ngăn cản mong muốn giới thiệu về truyền thống đón Tết Việt cho các con được hiểu thêm về cội nguồn dân tộc.

“Mỗi năm, tôi thường tổ chức hái lộc tại nhà để bạn bè có dịp được tụ họp và gửi nhau lời chúc năm mới thật nhiều may mắn. Lúc đó, các chị em phụ nữ mặc áo dài rất đẹp, ai nấy cũng đều trông rất rạng rỡ”, anh Michael Tran chia sẻ về cách đón Tết ở xứ người.

351db179-e903-485f-b567-331853277fa2-1707140794.jpeg
Cây quất gắn các lời chúc bình an ngày đầu năm mới treo đầy phong bao lì xì đỏ tươi tại nhà anh Michael Tran. Ảnh: NVCC

Theo anh Michael Tran, sau bữa cơm gia đình sum vầy tại gia sẽ đến tiết mục bạn nhỏ nào cũng háo hức - lì xì. Tiếp đến, mọi người sẽ cùng trò chuyện đầu năm và vui chơi với nhau đến hết tối mùng 1. Trong khi tại Việt Nam, mọi người sẽ được nghỉ ngơi vào những ngày đầu năm thì người Việt tại Mỹ lại tiếp tục đi làm bởi ngày Tết tại đây không được xem là ngày lễ, nên nếu Tết rơi vào dịp cuối tuần thì không khí sẽ vui hơn, còn không thì mọi người phải xin nghỉ phép hoặc dời sang cuối tuần để đón Tết.

Đó là truyền thống mọi năm tại nhà anh Michael Tran nhưng năm nay sẽ khác bởi anh muốn dành thời gian nhiều hơn cho gia đình: “Để các con tôi hiểu thêm về khoảnh khắc đêm giao thừa là thế nào, năm nay tôi sẽ không tổ chức tiệc tại nhà nữa, thay vào đó là tôi đưa gia đình ra khu Việt Nam Town để cùng ngắm màn pháo hoa. Sau đó, chúng tôi sẽ đi chùa để hái lộc đầu năm”, anh Michael Tran tâm sự.

9687edbd-a2af-4633-b43a-8dd2549eb8d5-1707140814.jpeg
Anh Michael Tran cùng con trai trong ngày Tết. Ảnh: NVCC

Tết Nguyên đán là dịp lễ trọng đại của người Việt Nam, mang nhiều ý nghĩa tinh thần và gắn kết gia đình. Đối với kiều bào ở nước ngoài, mỗi dịp xuân về là cơ hội quý báu để họ duy trì, gìn giữ và lan toả nét đẹp văn hoá truyền thống. Việc đón Tết Nguyên đán trên đất khách không chỉ là cơ hội để kết nối với nguồn cội văn hóa dân tộc mà còn là dịp để mọi người cùng nhau hồi tưởng, chia sẻ và tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ, làm cho khoảnh khắc đoàn viên trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Anh Thư

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/tet-voi-kieu-bao-xa-xu-du-di-dau-lam-gi-thi-tet-viet-van-la-dieu-thieng-lieng-dep-de-a3274.html