Mường Khương là huyện biên giới thuộc tỉnh Lào Cai có nhiều lợi thế về địa hình đồi núi trùng điệp, nhiều sông suối tạo các thác ghềnh cùng nhiều hệ thống hang động, thác nước như hang động Hàm Rồng, hang Na Măng,... với vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí. Ngoài ra "vùng đất thép" này còn là nơi sinh sống của 23 dân tộc nên có sự đa dạng, độc đáo về văn hóa, phong tục tập quán. Từ những điều kiện này, lãnh đạo huyện Mường Khương bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển du lịch. Tuy nhiên du lịch Mường Khương như một cô gái đang ngủ, chưa được khai thác, khám phá. Qua nhiều đề án, chỉ đạo của nhà nước và tỉnh, huyện bắt đầu chú trọng phát triển du lịch theo các hướng sau:
Du lịch gắn với văn hóa truyền thống
Mường Khương có 23 dân tộc, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 89,3% dân số. Trong đó dân tộc Mông chiếm 45,3%, dân tộc Nùng chiếm 23,5% còn lại là các dân tộc Dao, Giáy, Tày, Phù Lá, Pa Dí, Thái, Mường… Đặc biệt Mường Khương có dân tộc Bố Y là dân tộc rất ít người của cả nước (chiếm 2,89%).
Sự đa dạng các dân tộc thiểu số đã tạo nên sự độc đáo, phong phú về văn hóa. Các phong tục, tập quán đẹp của các dân tộc được duy trì và phát triển bền vững, tiêu biểu như lễ hội Gầu Tào của người Mông được tổ chức vào mùng 4-6 tháng giêng hằng năm đã thu hút khá lớn lượng du khách đến tham dự. Ngoài ra còn có Lễ Hội cúng rừng của người Thu Lao xã Tả Gia Khâu, lễ tạ ơn trâu của người Bố Y xã Thanh Bình...
Mường Khương có các bản làng giàu bản sắc văn hóa dân tộc, với kiến trúc nhà ở như nhà trình tường, ngói máng, tường xếp đá của người Mông, Nùng, ruộng bậc thang… đã tạo nên nét đặc sắc hấp dẫn riêng. Các làng nghề thủ công của dân tộc thiểu số như nghề dệt, thêu thổ cẩm của người Mông; dệt may trang phục truyền thống của người Pa Dí, Thu Lao, Nùng, Bố Y; nghề nấu rượu của dân tộc Mông, Pa Dí; Tranh cắt giấy “Chàng Slaw”, Mây tre đan của dân tộc Nùng Dín,… từng bước được bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Chợ phiên vùng cao là nơi hội tụ hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc các dân tộc với nhiều gian hàng bày bán trang phục thổ cẩm, đồ dùng truyền thống, sản phẩm nông sản, gia súc, văn hóa ẩm thực... cũng thu hút nhiều lượt khách du lịch khám phá.
Du lịch văn hóa tâm linh
Trên địa bàn huyện Mường Khương có nhiều điểm đến tâm linh như đền mẫu Sảng Chải, đền cây 2, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Tả Ngài Chồ, văn bia trấn ải Pha Long thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến chiêm bái.
Với mỗi điểm đến đều có những câu chuyện xúc động về tinh thần kiên cường bất khuất chống lại giặc ngoại xâm phương Bắc, tiểu phỉ, chiến tranh biên giới của quân và dân vùng biên giới. Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ đồn biên phòng Pha Long là nơi thờ 41 đồng chí, trong đó 27 đồng chí hy sinh trong cuộc chiến biên giới năm 19749, các đồng chí khác hy sinh trong quá trình tuần tra, công tác.
Ở Mường Khương, với địa hình núi đá đặc trưng, theo quan niệm của người Nùng, những măng đá có hình thù khác lạ thường được cho là những vị bụt tiên mang lại điềm lành cho người dân trong thôn nên họ thường phủ vải đỏ để thờ cúng. Tín ngưỡng thờ đá của người Nùng được lưu giữ từ đời này qua đời khác và trở thành nét độc đáo của người dân tộc Nùng nói riêng và người dân ở huyện Mường Khương nói chung. Đền Mẫu Sàng Chải là một trong những ngôi đền đặc trưng cho tín ngưỡng thờ đá. Ngôi đền tọa lạc trên núi Pháo Đài, lưng tựa núi, mặt hướng về thung lũng Mường Khương, xung quanh được bao bọc bởi núi rừng tạo nên phong cảnh hữu tình. Để tiện cho du khách đến tham quan, chiêm bái, huyện Mường Khương đã cho làm đường, xây bậc thuận tiện. Hiện tại ở đền mẫu Sàng Chải, người dân tổ chức lễ bái lớn vào ngày 19/9 âm lịch bởi theo quan niệm của người Nùng đây là ngày đẹp, số 1 và số 9 khi cộng lại là thành số 10, biểu tượng cho ngày sinh ngày đẻ, tình mẫu tử thiêng liêng. Số 1 mang ý nghĩa là mẹ, số 0 là người con và số 9 là mẹ mang thai 9 tháng.
Du lịch gắn với nông nghiệp
Mường Khương là huyện thuần nông với nhiều nông sản đặc trưng như chuối, dứa, chè, quýt... Hiện nay có hơn 1.500ha dứa, 600ha chuối, hơn 5.000ha chè và hàng trăm ha quýt cho ra các nông sản chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây cũng là lợi thế để Mường Khương phát triển du lịch nông nghiệp. Các vườn quýt đã bắt đầu triển khai dịch vụ vào vườn tham quan và hái quả ngay tại vườn với mức giá 20.000 đồng/lượt.
Các đồi chè xanh mướt, trải dài cũng được người dân chăm chút tạo nên những bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Du khách đến đây không chỉ được tham quan đồi chè mà còn được trải nghiệm hái chè, hòa mình với cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.
Du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên, hang động
Mường Khương có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp cùng nhiều hệ thống hang động, thác nước như hang động Hàm Rồng, hang Na Măng,... với vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí. Năm 2003, hang động Hàm Rồng đã được Bộ VHTTDL xếp hạng “Di tích danh thắng Quốc gia”; năm 2019 hang động Na Măng được xếp hạng “Danh lam thắng cảnh” cấp Quốc gia. Đây là cơ hội để khai thác sản phẩm sinh thái gắn liền với hang động, gần gũi với thiên nhiên như các tour trekking, leo núi, du lịch mạo hiểm khám phá hang động...
Đoàn Hòa
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/vung-dat-thep-muong-khuong-phat-trien-4-xu-huong-du-lich-a3241.html