Ẩm thực của Cao Bằng không chỉ ngon mà nó còn mang "màu sắc" của con người và văn hóa vùng Đông Bắc.
Nhắc tới những đặc sản của Cao Bằng, không thể không kể đến vịt quay 7 vị. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi ăn này được người dân địa phương sử dụng tới 7 loại gia vị trong quá trình tẩm ướp gồm gừng, tỏi, hành khô, hạt tiêu, mật ong, đậu hũ, quả mắc mật khô.
Để làm ra món vịt quay 7 vị, ngay từ khâu chuẩn bị đã khá công phu.Loại vịt dùng để chế biến phải dùng vịt thả đồng, vịt vừa phải, chắc thịt, sáng lông, nặng khoảng 1,8 kg, 2 kg được làm sạch, nhúng qua nước sôi cho lớp da căng bóng. Tiếp đó, công đoạn quan trọng nhất chính là tẩm ướp gia vị. Các loại gia vị nêu trên được băm nhuyễn, xào với dầu cho dậy mùi rồi cho mắm muối và nước vào đảo đều. Hỗn hợp này sẽ được nhồi vào bụng vịt, buộc chặt 2 đầu để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt.
Tiếp đến là khâu ướp vịt- là phần quan trọng nhất. Mắm, muối hoà lẫn trong nước 7 vị (7 vị đó có lẽ là bí quyết riêng của người Tày sống ở miền đông tỉnh Cao Bằng, bởi chỉ cần đi sang miền Tây, món vịt đã không còn mang cái vị lạ hấp dẫn ấy nữa) rút từ từ vào bụng vịt để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt. Một chiếc lạt tre dẻo, chẻ mỏng và chuốt nhọn đầu dựng làm kim, khâu bụng vịt, giữ cho nước không chảy ra ngoài.
Vịt được thổi phồng và chần qua nước sôi một lần nữa, sau đó rưới mật ong và quét dấm lên khắp thân, khiến cho thịt vịt vừa mềm, vừa có vị đậm của mật ngọt, lại không bị khô da khi nướng trên than hồng. Nước dùng trong bụng vịt được đổ riêng ra bát, dùng luôn làm nước chấm hoặc tưới lên đĩa thịt. Được thưởng thức món vịt 7 vị của vùng đất này bạn phải nhai thật chậm để cảm nhận hết vị ngon của miếng thịt vịt mềm, vị ngọt của mật ong rừng hòa cùng vị cay cay, thơm nồng của các loại gia vị.
Bánh áp chao (hay còn gọi bánh vịt chao)- bởi áp chao là âm Hán Việt phiên âm có nghĩa là vịt chao, bánh có vẻ ngoài giống bánh rán nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt thái miếng. Cũng bởi nguyên liệu độc đáo này mà bánh áp chao Cao Bằng có hương vị đặc trưng riêng, khác hẳn so với các món bánh rán nhân mặn làm từ thịt lợn xay và mộc nhĩ, miến.
Nguyên liệu làm bánh áp chao ở Cao Bằng không quá cầu kì, chỉ gồm bột gạo nếp, bột gạo tẻ và nhân thịt. Tuy nhiên cần phải kỹ càng chọn lựa để cho ra được chiếc bánh chuẩn vị nhất. Gạo phải chọn loại gạo ngon như gạo nếp gieo trồng ở Trùng Khánh, Bảo Lạc và gạo tẻ Đoàn kết ở Trà Lĩnh, hạt gạo phải tròn mẩy thì nghiền bột làm bánh mới thơm.
Ngoài ra, một nguyên liệu không kém phần quan trọng tạo nên hương vị thơm ngon của bánh áp chao chính là đỗ tương lòng vàng óng của vùng Quảng Uyên, hạt to vừa phải. Gạo và đỗ tương ngâm thật kĩ, khi thấy hạt nở mềm thì đem xay thành bột rồi trộn đều với nhau. Thời gian ủ khoảng 3-4 tiếng để bột nở đều thì khi rán, bánh sẽ phồng lên trông đẹp mắt. Trước khi ủ bột, người khéo tay còn trộn thêm khoai môn nạo hoặc thái sợi để hỗn hợp bột thêm sánh mịn, đảm bảo độ mềm dẻo, thơm ngon của bánh.
Đặc biệt vào tiết trời se se lạnh của những ngày đông, thưởng thức món bánh áp chao, thực khách như được sưởi ấm về tâm hồn và cơ thể bởi cái độ "giòn rụm" và nóng hổi của từng chiếc bánh, ăn kèm với cái vị cay cay pha lẫn chút hơi chua của nước chấm đặc biệt cùng các ngâm chua ăn kèm khiến thực khách cảm giác ấm áp hơn khi ăn vào những ngày đông.
Còn có tên gọi khác là Pẻng Rày, bánh trứng kiến là món ăn nổi tiếng ở Cao Bằng nhưng không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức bởi món bánh này mỗi năm chỉ có một lần, vào khoảng đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 5 dương lịch- vì đây là là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.
Như tên gọi của bánh, nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến (đen). Bánh được làm bằng bột nếp nương, nhân bánh là trứng kiến, được gói bằng lá non của cây vả- dùng làm lá gói bánh
Trứng kiến sau khi làm sạch được bắc lên chảo phi với hành khô. Một chiếc bánh ngon phải có nhân là trứng kiến nguyên chất, chỉ cần hành phi thêm chút mỡ và muối không trộn thêm các nguyên liệu khác. Tuy nhiên, để thêm hương vị, người làm có thể đã cho thêm thịt lợn xay, lạc rang giã nhỏ làm nhân và một ít lá kiệu thái nhỏ trộn thêm tạo vị đậm đà cho bánh. Phần vỏ bánh được gói từ bột gạo nếp nương đã được nhào nặn và cán mỏng. Sau đó, ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả, rắc nhân lên mặt bột bánh, cuối cùng là ốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó. Bánh được hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín.
Khi ăn bánh trứng kiến, mọi người bóc lớp lá vả gói ở ngoài nếu bánh có 2 lớp lá. Được gói bằng lá vả non, nên khi ăn bánh có 1 lớp lá có thể ăn được cả lá gói bánh.
Với người dân Cao Bằng, xôi trám là món ăn dân dã, truyền thống đã gắn bó với bao thế hệ. Khi sang thu, bà con nơi đây lại vào rừng hái quả trám về làm xôi.
Nguyên liệu chính của món ăn này gồm gạo nếp và quả trám đen (trám nếp và trám tẻ). Người dân bản địa hay chọn trám nếp để đồ xôi vì loại quả có vị ngọt, bùi, thịt mềm chứ không cứng và giòn như trám tẻ. Thông thường, người ta hay chọn trám nếp để đồ xôi vì có vị bùi, ngọt, thịt mềm chứ không cứng và giòn như trám tẻ. Phải chọn loại trám nếp chín cây có màu tím thẫm, quả còn tươi, đỉnh cuống còn dính nhựa, da quả căng, bóng, mịn không bị rộp
Trước tiên, trám cần rửa thật sạch bằng nước ấm để ra hết chất nhựa. Sau đó, ta đổ nước ngập trám, đảo trám trên bếp đến khi nước nóng khoảng 70 độ C thì tắt bếp và ngâm từ 30 phút đến một tiếng đồng hồ. Trám sau khi om mềm, chín, ta dùng dao khoanh tròn rồi tách đôi quả trám Gạo nếp hương sau khi vo sạch và ngâm từ 8-10 tiếng, người ta cho vào chõ, trộn với cùng với trám, nấu trong khoảng 30 phút là chín tới. Khi ra thành phẩm xôi trông có màu tím nhạt và mùi thơm đặc biệt trong vô cùng "kích thích" thị giác và khứu giác người ăn và để tăng thêm phần ngon miệng có thể ăn kèm với vừng đen hoặc lạp xưởng Cao Bằng.
Hy vọng qua bài này sẽ giúp những ai đang có ý đinh du lịch Cao Bằng sẽ có hiểu biết thêm về ẩm thực nơi đây để có thể tìm thưởng thức Và ngoài các món ăn kể trên, du khách có thể tìm mua ở Cao Bằng một số đặc sản khác để về làm quà cho bạn bè, người thân như thạch đen, miến dong đen, rau bò khai (rau dạ hiến), hạt dẻ Trùng Khánh, bánh khảo,…
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/top-4-dac-san-khien-bao-du-khach-nao-long-khi-du-lich-cao-bang-a324.html