Lễ hội Tết Việt 2024 vừa diễn ra tại công viên Lê Văn Tám (TP.HCM) vừa qua đạt nhiều thành công rực rỡ. Lễ hội đã thu hút 90.000 lượt khách trong và ngoài nước đến chơi Tết, qua đó mang lại doanh thu gần 50 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ lễ hội gian hàng tò he đầy màu sắc của nghệ nhân Lê Xuân Tùng và Lê Xuân Tung thu hút được nhiều khách nội địa và quốc tế. Những con tò he với hình dạng khác nhau đầy đặc biệt được tạo ra chưa đến 5 phút từ bàn tay khéo léo của hai nghệ nhân.
Trò chuyện với hai nghệ nhân, chúng tôi cảm mến tâm huyết của họ khi hơn 20 năm giữ lửa nghề truyền thống của gia đình, của một ngôi làng chất chứa bao kỷ niệm về tò he tuổi thơ.
Lớn lên cùng với tò he
Nghệ nhân Lê Xuân Tùng sinh ra tại làng Xuân La, huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ), nay là Hà Nội. Ngôi làng này khi xưa nổi tiếng là chiếc nôi của nghề tò he. Bởi vậy con nít trong làng khi ấy ai cũng được tiếp xúc và trao một tình yêu cùng những chiếc tò he với hình thù thú vị.
“Từ bé con nít trong làng bọn tôi đã được tiếp xúc với bột gạo. Chúng tôi nghịch những cục bột dư như món đồ chơi tuổi thơ. Tiếp xúc sớm như vậy cho nên từ lúc sáu, bảy tuổi là chúng tôi đã biết nặn tò he. Có thể nặn một hai hình đơn giản như chim bồ câu, con gà”, nghệ nhân chia sẻ.
Chắc hẳn vì đã quá quen thuộc với bột, quen tay với nghề nên với Xuân Tùng cách làm tò he rất đơn giản, chỉ cần một cây lược và cục sáp ong. Lược để tạo hình và sáp ong để bôi trơn, bột đỡ dính vào tay. Nghệ nhân chỉ cần tưởng tượng ra hình dạng vật muốn nặn, ngắt cục bột rồi nắn nắn, uốn uốn lên tâm tre là ra được thành phẩm.
Là một người trưởng thành nhưng Xuân Tùng vẫn phải xem phim hoạt hình, theo dõi xu hướng của thiếu nhi để tạo ra những tò he theo hình dáng nhân vật đang “hot trend”, thu hút các bạn nhỏ. Bên cạnh tò he hình rồng, phượng, tiên nữ truyền thống gian hàng của hai nghệ nhân còn xen lẫn các tò he công chúa, gấu trúc… đầy hiện đại và xinh đẹp.
Đam mê giữ lửa nghề
Nhiều nỗ lực được thực hiện để giữ lại màu sắc tò he trong những dịp lễ, Tết nhưng hiện nay tò he đang dần mất đi. Số ít người theo nghề vì thu nhập không đủ trang trải mưu sinh, khách hàng bị hấp dẫn bởi những đồ chơi hiện đại.
Theo hai nghệ nhân, những năm gần đây tò he đang dần mai một, trẻ nhỏ bị hấp dẫn bởi những đồ chơi nhựa có ánh đèn “chớp chớp” và âm thanh vui tai. Số ít người lớn mua tò he để tìm lại tuổi thơ của mình đã từng trải qua.
“Có thời gian tò he bị mai một rất nhiều. Chúng tôi hiện tại đang nỗ lực để giữ cho con tò he tồn tại bằng cách đổi mới hình dáng tò he và dùng bột tò he nặn chân dung khách. Du khách đến đây chúng tôi sẽ nặn chân dung theo phong cách chibi trong vòng 5 phút sẽ có thành phẩm”, nghệ nhân cho biết.
Năm 2020 hai nghệ nhân Xuân Tùng và Xuân Tung vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Hai nghệ nhân đầu tiên dùng bột tò he kết hợp với xích và ốc vít để biểu diễn vẽ tranh trên sân khấu”. Về ý tưởng kết hợp tò he với ốc vít do Xuân Tùng nghĩ ra, anh cho biết: “Những con ốc vít nó khô cứng như vậy mình thử kết hợp chất liệu bột dẻo xem thử có ra được bức tranh có hồn không. Sau thời gian mày mò Xuân Tùng và Xuân Tung cũng tìm ra cách kết hợp để cho ra bức tranh đủ hồn”.
Với mong muốn không chỉ giữ được nghề tò he là văn hoá lâu đời của dân tộc mà phải phát triển hơn nữa, Nghệ nhân Xuân Tùng còn mang tò he ra “khoe” với bạn bè quốc tế. Chính vì thế anh dành nhiều thời gian, công sức tham gia nhiều chương trình quốc tế. Xuân Tùng đã từng sang Đài Loan, NewZeland, Australia, Thái Lan… biểu diễn nặn tò he trước ánh mắt hiếu kỳ của cư dân nơi đây.
Đa số những nghệ nhân làm tò he thì không được đón Tết cùng với gia đình. Vì vào dịp này họ phải đến các lễ hội phục vụ người dân du xuân. Động lực theo nghề bao nhiêu năm trong họ chỉ đơn giản muốn giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, tiếp tục thổi lửa để lan truyền đến những thế hệ mai sau.
Bài: Y Thanh - Ảnh: NVCC
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/chang-nghe-nhan-tre-thoi-hon-doi-moi-to-he-ngay-tet-a3137.html