Xuyên suốt bốn ngày tổ chức từ 18/1 - 21/1, Lễ hội Tết Việt 2024 sẽ tập trung xoay quanh 5 hoạt động chính “xem Tết - chơi Tết - du Tết - ăn Tết - chợ Tết”. Trong đó, không gian “xem Tết” được xem là nơi thu hút người dân và du khách đến tham quan đông nhất. Bởi khi bước chân vào trong từng ngôi nhà đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam, du khách sẽ cảm thấy như được trở về chốn xưa với lối bài trí Tết cổ truyền gồm bàn thờ gia tiên, hoa trái, đặc biệt là không thể thiếu mâm cỗ Tết truyền thống.
Toàn cảnh gian nhà mô phỏng ngày Tết miền Nam, bao gồm bàn thờ ông bà tổ tiên, một mâm cỗ Tết Nam Bộ mang tên Sài Gòn kết nối gồm 16 món đặc trưng, bàn trầu cau và không thể thiếu món đặc trưng trong ngày Tết miền Nam đó là những lát bánh tét.
Miền Nam là vùng đất được mẹ thiên nhiên ban tặng cho nhiều đặc sản và trái cây phong phú, đa dạng. Người dân Nam Bộ phóng khoáng nên mâm cỗ ngày Tết miền Nam cũng ít câu nệ về hình thức, tuy nhiên ta có thể thấy mâm cỗ luôn đủ đầy các món ăn ngon.
Nhìn qua, ta có thể thấy những món ăn quen thuộc không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Nam Bộ như: Canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho trứng, gà luộc, chả giò, tôm khô củ kiệu, thịt luộc,... Ngoài ra, còn có các món ăn chơi như xôi gấc, bánh tằm khoai mì, bánh tét, bánh phát tài của người Hoa, món lạp xưởng bò đặc sản người Chăm,...
Với đôi bàn tay khéo léo của những đầu bếp trong Hội Đầu bếp trẻ Việt Nam, các món ăn đặc trưng trong mâm cỗ Tết Nam Bộ trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Qua đây, các đầu bếp cũng mong muốn được lan tỏa nét đẹp văn hóa ẩm thực ngày Tết để các bạn trẻ cũng như du khách được hiểu thêm về Nam Bộ thân thương.
Đến ngày Tết, trong các mâm thờ cúng dâng ông bà tổ tiên không thể thiếu trầu cau bởi người xưa quan niệm trầu cau là biểu hiện cho tình cảm nồng ấm, lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ đi trước, đồng thời “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ngoài ra, còn phải có món bánh tét mang ý nghĩa sum vầy, mang đậm giá trị tình thân.
Tại đây, du khách và người dân còn được giới thiệu các món ăn dân gian ngày Tết của từng địa phương như: Cháo môn lươn của Bình Dương, gỏi củ hủ dừa tôm thịt của Bến Tre, bánh canh Trảng Bàng của Tây Ninh,...
Ngoài ra, còn có những món ăn hấp dẫn thu hút nhiều sự quan tâm của du khách như: Bánh bèo bì, cơm tấm, bánh mì, bánh cuốn, nem chua, thịt luộc,...
Đến với không gian ngày Tết miền Trung, ta thấy được lối bày trí trên bàn thờ giản đơn với món bánh thuẫn, xôi, bánh in ngũ sắc, trầu cau,... Tong đó còn có món mứt phật thủ phải mất nửa tháng mới hoàn thành.
Với chủ đề "Long - Lân - Quy - Phụng", mâm cỗ Tết miền Trung được chế tác một cách rất công phu và tỉ mỉ, đồng thời mâm cỗ còn lan tỏa nét đẹp văn hóa "Uống nước nhớ nguồn", hãnh diện khi là "Con Rồng cháu Tiên". Mỗi linh vật là lời cầu chúc đến cho mọi người nhiều may mắn, công danh thăng tiến, làm ăn thuận lợi, tài lộc dồi dào, gia đình hạnh phúc an vui.
Được biết, người thực hiện mâm cỗ Tết miền Trung "Long - Lân - Quy - Phụng" là Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Hồ Tiếu Anh, cố vấn là Nghệ nhân văn hóa Ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh. Qua đây, cô Tiếu Anh bày tỏ mong muốn được lan tỏa cho thế hệ trẻ hình dung được mâm cỗ cổ truyền của người dân miền Trung tinh tế và kỳ công đến mức nào.
Lần này, cô Tiếu Anh chuẩn bị mâm cỗ Tết với 29 món ăn, trong đó phải kể đến 4 đại diện: Cơm Kim Quy, Gỏi Lân Tiến Vua, Chả Phụng ngũ sắc và cuối cùng là Vả Trộn Thanh Long. Tất cả đều được cắt tỉa rất tỉ mỉ.
Bên cạnh 4 linh vật đại diện cho mâm cỗ miền Trung, có thể kể đến các món ăn hấp dẫn khác trong ngày Tết như: Chả ram tôm đất, gà ninh hồng sâm, bắp bò rim quế, canh Hải Sâm, bánh hoa hồng,...
Có thể thấy, các món ăn có trong mâm cỗ Tết miền Trung có thiên hướng thanh đạm và tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, qua Lễ hội Tết Việt 2024, Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Hồ Tiếu Anh còn giới thiệu một số món ăn đặc sản của người miền Trung mà du khách nhất định phải thử như món cháo canh - Quảng Bình, bánh canh sẽ được nấu chung với chả cá, xương heo, tôm, cá lóc hoặc cua, ăn kèm với hành tây, rau mùi.
Hoặc du khách có thể thử trải nghiệm món gà nướng cơm lam - một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk.
Nếu có dịp ghé thăm Bình Định, du khách hãy thử trải nghiệm rượu bầu đá - loại rượu truyền thống đặc sản tại địa phương, khi uống ta có thể cảm nhận được mùi thơm cũng như cái cay nồng đậm khó tả. Ngoài ra, còn có món bánh ít lá gai, khác với những vùng miền khác, bánh ít tại địa phương sẽ được làm thủ công.
Đến với không gian ẩm thực miền Bắc, người dân và du khách sẽ được giới thiệu về nét đặc sắc có trong mâm cỗ cổ truyền của người Tràng An. Mâm cỗ Tràng An thường rất bài bản và giữ được nét cổ truyền của dân tộc.
Mâm cỗ ngày Tết của người Tràng An (Hà Nội xưa) với hơn 15 món truyền thống quen thuộc với những người dân đất Bắc có thể kể đến như: Món bánh chưng, niêu cá kho, canh măng gà luộc, giò lụa, dưa hành, xôi gấc,...
Đối với người Tràng An, cỗ Tết càng cầu kỳ, càng thể hiện được lòng thành kính đối với tổ tiên. Đặc biệt, mâm cỗ tại gian miền Bắc sẽ được thay đổi mỗi ngày, qua đó du khách sẽ được biết thêm về các món ăn đặc trưng ngày tết của người Tràng An.