Sở hữu tiềm năng và lợi thế vốn có từ phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, ngành du lịch An Giang đang cố gắng, nỗ lực phát triển nhanh chóng trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Từ đó, các sản phẩm du lịch cũng ngày một đa dạng hơn, dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa độc đáo trong từng điểm đến, tạo nên điểm nhấn nổi bật hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Song song đó, để đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách, tỉnh An Giang cùng các doanh nghiệp du lịch đã tích cực xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch tại các điểm đến nhằm gia tăng trải nghiệm hoặc tạo ra những phong cách du lịch mới…Trong đó, chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch; tăng chất lượng loại hình du lịch gắn với lễ hội văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc; chú trọng triển khai các hoạt động thể thao giải trí phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách khi đến An Giang.
Tiêu biểu có núi Cấm còn gọi là Thiên Cấm Sơn, sở hữu dáng vẻ hùng vĩ, huyền bí, khí hậu mát mẻ, phong cảnh hữu tình như một bức tranh sơn thủy làm xao xuyến tâm hồn du khách. Được ví như một phiên bản " Đà Lạt " của miền Tây, núi Cấm trở thành điểm tham quan, trải nghiệm, chiêm bái mê hoặc bậc nhất trong những điểm du lịch An Giang. Đặc biệt, nhận thấy những điều kiện thích hợp của Khu du lịch núi Cấm, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, Ban quản lý Khu du lịch núi Cấm đã triển khai những định hướng nhằm phát triển kinh tế ban đêm tại đây.
Các hoạt động này sẽ mang đến một diện mạo mới cho núi Cấm, giữ chân du khách lưu trú trên núi góp phần phát triển du lịch địa phương... Bên cạnh loại hình du lịch tâm linh là thế mạnh, du lịch theo mùa quan tham, trải nghiệm các vườn cây ăn trái… ở núi Cấm sẽ góp phần hướng tới mục tiêu đẩy mạnh việc phát triển các loại hình du lịch tại địa phương, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách quanh năm, mang đến những trải nghiệm mới về núi Cấm.
Hay, làng bè Châu Đốc nằm trải dài từ ngã ba sông Châu Đốc kéo dài lên phía đầu nguồn châu thổ sông Hậu và sông Châu Đốc của huyện An Phú. Đây là địa điểm du lịch độc đáo của tỉnh phát triển trong một vài năm trở lại đây. Với 161 bè cá được sơn các màu: đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím đã tạo nên chiếc "cầu vồng" đa sắc, mang dấu ấn độc đáo về góc nhìn cho du khách trên đoạn sông dài chừng 1km, thuộc địa phận thị trấn Đa Phước, huyện An Phú. Đây là sản phẩm du lịch mới của tỉnh An Giang hứa hẹn thu hút khách quốc tế và nội địa đến tìm hiểu, trải nghiệm đời sống sông nước và văn hoá cộng đồng người Chăm tại An Giang.
Với cung đường trên 1km nằm dọc theo khu vực cồn Tiên thuộc thị trấn Đa Phước. 161 bè cá đa sắc màu khu vực ngã ba sông nhìn từ nhiều hướng sẽ tạo nên một không gian rực sắc, vừa mang ý nghĩa văn hóa, vừa đem đến trải nghiệm ấn tượng, độc lạ dành cho du khách. Sau khi khoác lên mình "chiếc áo" mới, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cùng chính quyền địa phương TP. Châu Đốc, huyện An Phú vận động người dân đón khách tham quan, bổ sung dịch vụ ăn uống cho du khách trải nghiệm nuôi cá trên sông.
Đồng thời tìm hiểu cuộc sống trên bè của người dân miền sông nước, thưởng thức món ăn đặc trưng của tỉnh An Giang… Ngoài ra, du khách ghé thăm Làng Chăm Đa Phước, thánh đường Hồi Giáo, xem nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm, trải nghiệm cuộc sống với người dân nơi đây.
Tương tự, là một trong những khu sinh thái nổi tiếng nhất ĐBSCL, rừng tràm Trà Sư là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá xứ miệt vườn, sông nước miền Tây. Đến đây du khách mỗi lúc lại thêm ngỡ ngàng và thích thú vì được nhận ra bao điều kỳ diệu của thiên nhiên; được chinh phục cây cầu tre xuyên rừng dài nhất Việt Nam; khám phá thế giới thiên nhiên hoang dã đầy sắc màu của rừng tràm ngập nước với nhiều loại động, thực vật quý hiếm… tạo nên khung cảnh nên thơ, lãng mạn và bình yên.
Hiện nay, rừng tràm Trà Sư còn đẩy mạnh liên kết vùng, nghiên cứu nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu của du khách, liên tục làm mới cảnh quan, mang đến trải nghiệm tốt nhất nhằm tăng tỷ lệ khách quay trở lại. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn liền với nét đẹp văn hóa của người dân Nam bộ, như: du ngoạn rừng tràm trên tắc ráng, xuồng ba lá, câu cá, đạp xe vi vu xuyên rừng, thu vào tầm mắt toàn cảnh rừng tràm trên Đài Vọng Cảnh, tham gia các trò chơi dân gian đạp xe qua cầu khỉ...
Bên cạnh đó, để đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu du lịch của du khách, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực nâng cấp, bổ sung, xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch nhằm gia tăng những trải nghiệm mới hoặc tạo ra những phong cách du lịch mới. Điển hình như huyện miền núi Tri Tôn đang tập trung phát huy thế mạnh, tạo điểm nhấn để thu hút đông đảo du khách trong các ngày lễ, Tết. Trở thành nơi đầu tiên ở ĐBSCL tổ chức những loại hình thể thao mạo hiểm tưởng như xa lạ với người dân miền Tây, nay trở nên quen thuộc, như: dù lượn, diều lượn, máy bay mô hình, khinh khí cầu… đủ kích cỡ, màu sắc bay lượn trong không trung góp phần thu hút du khách.
Với những nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn, mang thương hiệu riêng, hy vọng du lịch An Giang sẽ tiếp tục trở thành điểm đến thực sự "An toàn – Thân thiện – Hấp dẫn" thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/an-giang-them-nhieu-san-pham-du-lich-moi-phuc-vu-du-khach-a2964.html