Đầu năm 2023, Tạp chí Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam đóng góp 6 gương mặt quen thuộc gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Thời điểm đó, tài sản của nhóm tỷ phú Việt sụt giảm đáng kể, bốc hơi 8,6 tỷ USD và thu hẹp xuống còn 12,6 tỷ USD so với năm 2022. Tuy nhiên gần một năm qua, bức tranh kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi đã giúp nhiều tỷ phú lấy lại một phần những gì đã mất.
Năm sóng gió với người giàu nhất Việt Nam
Tính đến ngày 31/12, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam nhờ sở hữu khối tài sản trị giá 4,7 tỷ USD, tăng 400 triệu USD, tương đương 9% so với đầu năm. Vị trí của ông Vượng trong danh sách của Forbes cũng cải thiện 3 bậc lên thứ 633.
Dù gia tăng tài sản, 2023 vẫn là năm sóng gió với ông chủ Tập đoàn Vingroup. Không giống những người còn lại, giá trị tài sản ròng của ông Vượng biến động tương đối dữ dội suốt thời gian vừa qua.
Tháng 3, ông Vượng chuyển quyền sở hữu 50,77 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn thành lập CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh. Số cổ phiếu này tương đương 1,31% vốn điều lệ Vingroup, được định giá ở mức 2.850 tỷ đồng.
Sau giao dịch trên, tỷ lệ sở hữu trực tiếp tại Vingroup của ông Vượng giảm xuống còn 17,87%, tương ứng 691,27 triệu cổ phiếu. Dẫu vậy, tổng sở hữu của vị tỷ phú và các cá nhân, tổ chức liên quan tại Vingroup vẫn xấp xỉ 63%.
Sự kiện cổ phiếu của hãng xe điện VinFast giao dịch trên sàn Nasdaq (Mỹ) thông qua thương vụ SPAC vào ngày 15/8 cũng tác động không nhỏ đến tài sản của cá nhân này.
Giai đoạn đầu chưa điều chỉnh phương pháp thống kê, việc giá cổ phiếu VinFast tăng vọt lên 70 USD/đơn vị khiến Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông Vượng có thời điểm áp sát mức 56 tỷ USD. Con số khổng lồ này đưa ông trở thành người giàu thứ 23 thế giới, đồng thời là người giàu thứ 3 châu Á chỉ xếp sau tỷ phú Mukesh Ambani và Chung Thiểm Thiểm.
Song, việc thay đổi tính toán của Forbes, trong đó có việc định giá lại VinFast như một công ty chưa niêm yết, nhanh chóng đẩy giá trị tài sản của vị tỷ phú Việt xuống còn 6,7 tỷ USD vào cuối tháng 8.
Trên thực tế, sự kiện VinFast niêm yết tại Mỹ đã tạo động lực không nhỏ cho các cổ phiếu thuộc “họ Vin” tăng trưởng trong nước. Giai đoạn nửa đầu tháng 8, thị giá cổ phiếu VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes) và VRE (Vincom Retail) đều đạt mức cao nhất kể từ giữa năm 2022.
Tuy nhiên, đà tăng của nhóm cổ phiếu “họ Vin” không duy trì được lâu và lao dốc ngay sau đó. Bất chấp việc chỉ số VN-Index tăng hơn 12% trong năm vừa qua, thị giá của VIC, VHM, VRE lại có diễn biến ngược chiều, giảm lần lượt 17%, 10% và 11,4%.
Tài sản Chủ tịch Hòa Phát tăng mạnh
Xếp sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong danh sách của Forbes là CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo. Năm vừa qua, “madame Thảo” có thêm 200 triệu USD, qua đó nâng tổng tài sản ròng lên con số 2,4 tỷ USD.
Trong cơ cấu tài sản, bà Thảo đang nắm 47,47 triệu cổ phiếu VJC (tương ứng 8,76% vốn) và 93,62 triệu cổ phiếu HDB (tương ứng 3,72% vốn). Do đó, ngay cả khi thị giá VJC giảm, tài sản của nữ tỷ phú Việt vẫn được cải thiện nhờ giá cổ phiếu HDB tăng 54% năm nay.
Trong khi đó, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long là tỷ phú gia tăng tài sản nhiều nhất năm nay. So với đầu năm, tài sản của ông Long đã tăng thêm 500 triệu USD lên 2,3 tỷ USD, tương đương 27%.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HPG kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023 ở mức 27.950 đồng/đơn vị, tăng 55,2%. Vốn hóa doanh nghiệp theo đó dừng lại ở mức 162.523 tỷ đồng.
Đáng nói, ông Trần Đình Long từng có thời điểm rời khỏi danh sách tỷ phú vào cuối năm ngoái. Giai đoạn 11/3-9/11/2022 khi cổ phiếu HPG giảm một mạch từ 47.600 đồng/đơn vị xuống còn 13.000 đồng, tương đương mức giảm 73%. Biến động này thậm chí đẩy Hòa Phát ra khỏi top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sàn HoSE.
Tỷ phú duy nhất không ghi nhận bất kỳ thay đổi nào về tài sản năm 2023 là Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương. Tương tự đầu năm, tài sản của ông Dương và gia đình vẫn được ước tính vào khoảng 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, thứ hạng trong danh sách tỷ phú thế giới của ông chủ Thaco đã bị đẩy lùi từ 1.905 xuống thứ 2.025.
Trong khi đó, 2 tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đều ghi nhận tình trạng sụt giảm tài sản so với đầu năm, lần lượt còn 1,4 tỷ USD và 1 tỷ USD.
Điểm chung của 2 tỷ phú này là cùng sở hữu lượng lớn cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan. Mã chứng khoán này vừa kết thúc năm 2023 ở mốc 67.000 đồng/cổ phiếu, giảm 28% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do tin đồn cổ đông đến từ Hàn Quốc SK Group muốn bán cổ phần tại tập đoàn.
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/tai-san-6-ty-phu-viet-nam-bien-dong-ra-sao-nam-2023-a2931.html