Bánh cốm – Đặc sản mùa thu Hà Nội
Cốm- thứ quà của lúa non, khi đến Hà Nội mà không ăn bánh cốm, không mua hộp bánh cốm mang về làm quà thì chắc chắn bạn chưa thưởng thức hết ẩm thực phong nhã của Hà Nội. Là đặc sản không còn xa lạ của mùa thu chính là cốm. Cứ đến thời điểm mùa thu hoạch của cốm là khắp các con phố Hà Nội hay trên các trang mạng lại bắt đầu có các tiểu thương bán cốm, bánh cốm
Để làm ra cốm phải trải qua khá nhiều công đoạn từ chọn giống nếp cái hoa vàng, lúa làm cốm khi còn xanh gặt về, đồ chín, giã nhanh, đều tay, sàng sảy, ủ kín mới có được cái loại cốm dẻo và thơm. Còn màu xanh của bánh thì do hồ thêm nước lá cơm xôi. Cốm gói trong lá sen là để giữ ẩm và đượm lấy hương thơm ngát của lá sen tơ, làm tăng thêm vị cốm
Chỉ có ở Thủ đô, thực khách mới được ăn bánh cốm ngon, chính hiệu và nổi tiếng như thế. Ở Hà Nội có nhiều nơi làm bánh cốm ngon, nổi tiếng với mức giá chỉ từ 4.000 đồng/cái như làng Cốm Vòng, làng Cốm Mễ Trì, phố cổ Hà Nội,…Tất cả những nơi này đều là nơi làm bánh cốm truyền thống lâu đời và hương vị thơm ngon, đặc trưng của mùi cốm Thủ đô.
Bánh đa kê – ký ức theo những gánh hàng rong
Mùa đông Hà Nội đi dọc những con phố, tiếng gọi quen thuộc "Ai bánh đa kê nào" gợi lại cho người Hà Nội xưa những ký ức về một thức quà ăn vặt gắn bó với tuổi thơ thế hệ 7x, 8x. Những xe bán dạo, gánh hàng rong ấy đã tạo nên dáng hình Hà Nội truyền thống, tĩnh lặng, bình yên và đầy nét cổ kính.
Để làm món này thì cực kỳ đơn giản. Hạt kê phơi khô, làm sạch vỏ, ngâm với nước sạch (hoặc nước vôi) chừng một tiếng đồng hồ rồi cho vào nồi đun đến khi chín. Khi sên phải để lửa thật nhỏ để nồi không bị cháy, hạt kê nở vừa đủ, mềm nhưng không nát thì mới giữ được vị và mùi thơm đặc trưng. Đậu xanh ngâm nước rồi hấp cho đến khi bở tơi. Dừa bào sợi, sau đó lần lượt phết kê, đậu xanh và dừa lên mặt bánh đa, rắc thêm chút đường.
Về hình thức thì món ăn này không thuộc dạng bắt mắt, về nguyên liệu lại càng giản dị mộc mạc nhưng chính vì điều đó mà tạo nên một món ăn sáng thanh đạm, bình dân
Bánh đúc nóng Hà Nội
Nếu ở những tỉnh miền Trung, bánh đúc thường được gói trong bọc lá chuối, kết cấu tương tự với những loại bánh như bánh gio, bánh da lợn,… thì bánh đúc Hà Nội lại đặc biệt hơn cả.
Khác với bánh đúc truyền thống quánh đặc và mịn, bánh đúc nóng dẻo, khi múc lên sẽ thấy bánh chảy xuống. Bánh đúc ở đây là một bát nóng hổi, gồm phần bột bánh đúc được nấu chín nóng, thêm phần nước dùng vị mặn ngọt, ăn kèm thịt băm mộc nhĩ, hành phi, rau mùi,… Tất cả kết hợp lại tạo thành bát bánh đúc nóng hấp dẫn cho những ngày đông Hà Nội.
Thông thường để quấy bánh đúc nóng, người ta sẽ trộn lẫn hai loại bột là bột gạo tẻ và bột năng, mỗi nơi có một tỉ lệ khác nhau để phần bột được dẻo dai và không nồng gắt. Sau bước trộn bột là ray để lọc các phần vón cục. Bước này tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng vì phải ray thật kỹ thì khi quấy mới trong, mềm, dẻo và không có mùi bột khô vương lại. Phần khó nhất chính là quấy bột, dành cho những bàn tay nội trợ khéo léo đã thuần thục, quen động tác khuấy vòng tròn đều đặn và nhịp nhàng. Một nồi bánh đúc đạt tiêu chuẩn sẽ thơm mùi gạo mới, không khê, không vón hay bén nồi.
Cũng chẳng biết từ bao giờ, món bánh đúc nóng ra đời và lưu giữ một nét tinh hoa của ẩm thực phố phường Hà Nội, với cách chế biến và nguyên liệu độc đáo, tuỳ theo công thức riêng mà mỗi gia đình bán bánh đúc nóng là có một bí quyết gia truyền riêng, tạo nên nét đặc trưng đa dạng ẩm thực của Hà Nội.
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/3-loai-banh-truyen-thong-ha-noi-luu-giu-huong-vi-kho-phai-voi-bao-nguoi-a288.html