Theo báo cáo tài chính quý III/2023 tại các ngân hàng cho thấy, nợ xấu vẫn đang tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của VPBank tăng từ 3,88% cuối quý II/2023 lên 3,96% cuối quý III/2023, do chất lượng tài sản suy giảm.
Hình minh họa. |
Tương tự, chất lượng nợ của TPBank cũng đi xuống trong quý III/2023 khi nợ xấu tăng từ 1.357 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng, theo đó tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã tăng lên mức 3%.
Tính đến cuối quý III/2023, MSB cũng có tỷ lệ nợ xấu ở mức 3%, với 4.149 tỷ đồng nợ xấu, gấp đôi so với mức 2.057 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2022.
Ngoài ra, Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ hết hiệu lực có thể khiến nợ xấu cao hơn hiện tại. Nợ xấu cũ chưa được xử lý xong lại chồng chất thêm nợ xấu mới, gây áp lực đến tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại.
Chính vì vậy, các ngân hàng đang phải đẩy nhanh tốc độ xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Trong năm 2023, nhất là giai đoạn cuối năm, các nhà băng đang tăng tốc rao bán các loại tài sản thế chấp để thu hồi và xử lý nợ xấu.
Được biết, với tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay, thậm chí tỷ lệ này tại một vài nhà băng lên đến 80 đến 90%, nên bất động sản thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mãi nhiều nhất. Tuy nhiên, việc bán loại tài sản đảm bảo này lại đang gặp khó khăn trong thời gian gần đây do thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
Theo đánh giá của PSG.TS Nguyễn Hữu Huân, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục, nhưng mới chỉ ấm dần lên, chứ chưa thể hồi phục một cách nhanh chóng. Đồng thời, ông Huân nhấn mạnh, việc hồi phục của thị trường bất động sản cũng tùy thuộc vào từng phân khúc. Trong đó, các dự án ở ngoại thành, mang tính chất đầu cơ, bất động sản nghỉ dưỡng cấp cao... sẽ cần thêm nhiều thời gian mới hồi phục. Còn đối với phân khúc nhà phố hoặc căn hộ chung cư ở trung tâm nội thành tại TP.HCM, Hà Nội, thanh khoản cao, khả năng sẽ hồi phục nhanh hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), tình hình nợ xấu của các ngân hàng là đáng lo. Đặc biệt, sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực vào tháng 6/2024 có thể khiến nợ xấu cao hơn hiện tại.
Ngoài ra, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Chính vì vậy, nếu sang năm Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được thông qua, thì cũng phải cuối năm mới có hiệu lực.
Vì vậy, các ngân hàng sẽ rất khó để thu hồi nợ vay trong khoảng thời gian còn lại, kể cả với các khoản nợ có tài sản đảm bảo.
Với tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, rủi ro nợ xấu gia tăng cũng là vấn đề được ngành ngân hàng cần chú ý lúc này.
Theo Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).
Số liệu của NHNN đưa ra trước đó cũng thể hiện, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động đến cuối tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).
Theo NHNN, tiếp tục kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ kiểm tra, kiểm soát việc cấp tín dụng, sử dụng vốn, nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp nội bộ có nguy cơ rủi ro lớn.
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/httpskinhtechungkhoanvnno-xau-ngan-hang-se-dat-dinh-vao-dau-nam-2024-215589html-a2803.html