Ẩm thực Việt Nam vẫn đang dừng lại ở mức “hữu xạ tự nhiên hương”

Đó là chia sẻ của Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương khi nói về ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế.

Nói đến Việt Nam, ẩm thực chính là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện được toàn bộ văn hóa ẩm thực thông qua cách chế biến và bày trí món ăn, thực khách sẽ cảm nhận được giá trị lịch sử lâu đời ở từng vùng miền. Từ phố cổ thơ mộng đến những làng quê yên bình, mỗi món ăn đều kể lên được một câu chuyện về quê hương, về những con người chân phương của Việt Nam.

Đa dạng từ khẩu vị, phong phú ở nguyên liệu

Bao đời nay ẩm thực Việt Nam luôn để lại ấn tượng trong mắt du khách quốc tế về sự phong phú và đa dạng về văn hóa ẩm thực, từ hương vị, là sự kết tinh của văn hóa và thổ nhưỡng từng vùng miền. Ở Hà Nội, giữa tiết trời se lạnh, thực khách sẽ được sưởi ấm khi ăn tô phở bò, nếm muỗng nước dùng ngọt thanh vị xương hầm.

Hay đến với miền Trung, ta có thể thưởng thức trọn hương vị mặn mà, bùi béo của bánh căn, bánh bèo, bánh bột lộc và vị tươi mới của hàng trăm loại hải sản vùng duyên hải. Về miền Nam, không thể bỏ qua món canh chua hài hòa vị ngọt của thơm và các loại rau gia vị cùng khoanh cá lóc tươi ngon beo béo. Hay món cá kho tộ sền sệt đậm đà được ăn kèm các loại rau tươi xanh.

thongmedia-2241-17028856497102009917932-1702942168.jpg
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương chia sẻ về sự đặc sắc của ẩm thực Việt Nam. 

"Việt Nam là đất nước có nền ẩm thực ngon trên thế giới. Cả 3 miền Bắc – Trung – Nam đều có khẩu vị khác nhau. Mỗi vùng miền có những món ăn tuy giống nhau cách chế biến nhưng nguyên liệu, gia vị lại có vị khác. Có lẽ vì nước ta trải dài trên nhiều vĩ độ, địa hình đa dạng và văn hóa đặc trưng. Từ yếu tố đó, ông bà ta biết cân bằng dinh dưỡng, sức khỏe để làm nên món ăn đậm chất", nghệ nhân Bùi Thị Sương chia sẻ.

Ẩm thực Việt Nam vẫn cần có chiến lược quảng bá để lan tỏa giá trị nhiều hơn nữa

Với văn hóa ẩm thực đa dạng, nhiều thức ngon vật lạ độc đáo, dù vậy các chuyên gia vẫn cho rằng ẩm thực Việt cần được chủ động quảng bá đến bạn bè quốc tế, thay vì chỉ để cho 'hữu xạ tự nhiên hương'.

Là nghệ nhân ẩm thực đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đồng hành lan toả ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế, cô Bùi Thị Sương cho biết: “Khi khách nước ngoài đến Việt Nam họ ngạc nhiên vì họ đến TP.HCM ăn thấy khác, về miền Tây khẩu vị cũng khác, ra Đà Nẵng - Hội An khác và đến Hà Nội cũng khác. Nhiều người làm nghiên cứu ẩm thực ở Mỹ và các nước châu Âu vỡ òa khi thưởng thức ẩm thực Việt Nam. Họ cho rằng ít có quốc gia nào sở hữu nền ẩm thực đặc sặc và cân bằng dinh dưỡng như Việt Nam.

Nguyên liệu rất là tươi sống, phong phú các loại rau, đặc biệt nhất là rau gia vị tươi của Việt Nam. Điều khiến món ăn Việt Nam hấp dẫn và đặc biệt là cách cân bằng dinh dưỡng, ngay cả trong khẩu phần ăn hàng ngày của gia đình Việt Nam. Chúng ta sẽ thấy được hàm lượng động, thực vật luôn có sự cân bằng”.

r-1702942447.jpg
Món mì Quảng miền Trung.

Siêu mẫu Vũ Thu Phương - người đã nhiều năm kinh doanh ngành hàng F&B cũng bày tỏ sự tự hào về ẩm thực Việt Nam, nhưng cô cũng cho biết sự phát triển rộng rãi về ẩm thực Việt Nam trên thế giới chưa thực sự rõ nét. Trong khi giá trị về độ ngon, đầy đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn và sự đa dạng đặc sắc của từng vùng miền thì ẩm thực Việt Nam có dư địa rất lớn.

Theo nghệ nhân Bùi Thị Sương các  nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, họ đã có chiến lược tầm quốc gia về việc quảng bá ẩm thực đến khách quốc tế. Ở nước ta, việc quảng bá ẩm thực Việt Nam còn nhỏ lẻ và tự phát mà chưa có những chiến lược thực sự mang tầm quốc gia.

Từ những chia sẻ trên, chúng ta thấy được văn hoá ẩm thực Việt Nam có sức hấp dẫn nhất định với khách nước ngoài, góp phần không nhỏ thu hút du lịch. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để khâu quảng bá hiệu quả và thu hút hơn nữa chứ không chỉ chờ vào sự "hữu xạ tự nhiên hương". Mặt khác, những món ăn truyền thống cần phải được nâng cấp cả về chất lượng và hình thức để hấp dẫn hơn với khách du lịch quốc tế mỗi khi đến Việt Nam.
 

Ngân Trần

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/am-thuc-viet-nam-van-dang-dung-lai-o-muc-huu-xa-tu-nhien-huong-a2767.html