Giữa tháng 10/2023, Việt Nam vinh dự khi làng Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023. Để được xướng tên ở hạng mục này, làng Tân Hóa đã vượt qua 260 làng đến từ 60 quốc gia khác. Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất nhằm mục đích gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm, lối sống cộng đồng ở nông thôn.
Tính đến nay, có hơn 70 ngôi làng trên thế giới được UNWTO công nhận là Làng du lịch tốt nhất. Từ đây làng du lịch trở thành một xu hướng mới mẻ, đưa du khách đến với những vùng nông thôn cùng trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương một cách chân thực, đa dạng.
Không nằm ngoài xu hướng phát triển du lịch thế giới, Việt Nam cũng đang chú trọng, phát triển làng du lịch. Ngoài Tân Hóa, một số làng nghề truyền thống, có những giá trị văn hóa nổi bật cũng được bảo tồn, phát triển.
Thách thức khi phát triển làng du lịch
Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, hối hả, người ta đã quá quen với những tòa nhà chọc trời, với những chỗ ở đầy đủ tiện nghi, thì nhu cầu đi lại, du lịch, trải nghiệm bắt đầu chuyển hướng. Du khách bắt đầu muốn tìm về với thiên nhiên, với những gì gần gũi, gợi nhớ ký ức tuổi thơ bên gia đình. Từng căn nhà cũ lợp ngói âm dương, từng bếp lửa nồng đượm, từng con đường làng quanh co nhưng sạch sẽ, mát mẻ dưới rặng tre... cũng khiến người ta thích thú, vấn vương. Từ đó, du lịch làng, nông thôn bắt đầu được chú ý. Làng du lịch thường không dựa vào danh lam thắng cảnh, di sản thế giới mà đơn thuần dựa vào tài nguyên, bản sắc, tính độc đáo "duy nhất" của ngôi làng đó.
Xét về khía cạnh kinh tế, có cung ắt có cầu. Tuy nhiên, làng du lịch không phải là điều đơn giản bởi 2 yếu tố: Thứ nhất sản phẩm du lịch làm nổi bật được vẻ đẹp của làng, để mỗi một điểm đến, một món ăn, mỗi hoạt động ở đó thể hiện được linh hồn, nét độc đáo của ngôi làng. Thứ hai là chạm vào cảm xúc của du khách, dịch vụ phải được nâng cấp để có thể thấy được thiện chí, sự thoải mái, mong muốn quay lại nhiều lần hơn.
Điều này có nghĩa muốn xây dựng làng du lịch phải phục hồi hệ sinh thái của điểm đến. Người làm du lịch đòi hỏi năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế để duy trì và bảo tồn nét văn hóa riêng biệt của từng làng. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy của người dân địa phương. Làng du lịch không chỉ cần sự định hướng của cơ quản quản lý, sự tâm huyết của người làm du lịch mà cần sự chung tay của người dân địa phương, cùng nhau xây dựng một môi trường sống văn minh, hòa đồng, đậm đà bản sắc dân tộc.
Làm thế nào để phát triển làng du lịch?
Mặc dù có những thách thức nhưng các chuyên gia du lịch đều khẳng định du lịch làng có nhiều cơ hội phát triển. Khi được hỏi về nhận xét các xu hướng du lịch nổi bật ở Việt Nam trong năm 2024, ông Phạm Hà - CEO LuxGroup khẳng định sau dịch Covid-19, xu hướng đi du lịch của con người thay đổi. Người ta muốn tìm về với mẹ thiên nhiên, tìm về với tâm - thân - tuệ (tức là thân khỏe mạnh, tâm yêu thương và tuệ giải phóng). Chính vì thế, làng du lịch là một trong những lựa chọn của du khách.
Để phát triển làng du lịch, các sản phẩm du lịch cần đáp ứng được những mong muốn sau:
Hướng đến thiên nhiên và sự phát triển bền vững
Sở thích du lịch của du khách vài năm trở lại đây có sự thay đổi đáng kể. Thay vì người ta thích những thứ "có sẵn hay không" chuyển sang những thứ "có tốt hay không" và "có đẹp hay không". Những khung cảnh yên bình, nhẹ nhàng ở vùng nông thôn dường như rất khó để có thể ghi lại bằng điện thoại, máy ảnh hay từ ngữ. Thay vào đó du khách sẽ tập trung vào cảm nhận của mình: mắt nhìn thấy cảnh đẹp, tai nghe những thanh âm bình dị và tim cảm nhận sự bình yên.
Đến những ngôi làng, du khách có thể tản bộ hay đạp xe trên con đường quanh co nhưng sạch sẽ. Phóng tầm mắt ra xa là cánh đồng lúa trải dài xanh mướt, là ngọn núi, là dòng suối chảy róc rách... Nhìn lên là bầu trời trong xanh, yên bình. Phía sau lũy tre làng là ngôi nhà được lợp ngói âm dương, bức tường đắp bằng bùn đất hay tường đá xếp chồng lên nhau độc đáo... Chính những điều này khiến chuyến đi của họ trở nên đáng giá.
Chạm vào cảm xúc để khiến du khách quay trở lại
Vẻ đẹp thật sự mà du khách cảm nhận được khi đến với du lịch làng không phải từ vẻ đẹp bên ngoài, từ những công trình được xây dựng bằng bê tông, cốt thép. Một cuộc khảo sát ở Trung Quốc cho thấy phần lớn du khách không cho rằng du lịch cao cấp là ưu tiên hàng đầu nữa. Mục đích du lịch của họ chuyển từ "ngắm nhìn" sang "trải nghiệm". Chính vì thế, việc mang đến cho du khách sự chân thành, thoải mái với trải nghiệm đó được coi là chìa khóa để làng du lịch phát triển.
Cảm xúc là một mắt xích vô cùng quan trọng đối với du khách và những người làm du lịch. Sẽ chẳng ai muốn trở lại một nơi để lại ấn tượng xấu, khung cảnh ô nhiễm, con người khó gần... Thay vào đó, họ sẽ trở lại nơi có con người thân thiện, vui tính, đồ ăn ngon, khung cảnh bình yên. Ở Trung Quốc có một số địa phương có cách đối xử với du khách vô cùng ấn tượng. Ví dụ nếu du khách mang theo bình giữ nhiệt, họ có thể lấy trà ấm miễn phí ở các điểm công cộng. Hoặc các nhà hàng, cơ sở lưu trú cũng đào tạo nhân lực một cách bài bản, chỉn chu, đối xử với du khách như những người thân mang đến cảm giác ấm áp, chân thành.
Có thể thấy làng du lịch đang trở thành một hướng đi triển vọng góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch địa phương. Thực tế cũng cho thấy, khi biết khéo léo kết hợp và phát triển thì làng du lịch sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đánh thức các tiềm năng của địa phương.
Đoàn Hòa
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/lang-du-lich-dua-vao-dau-de-canh-tranh-tro-thanh-lua-chon-hang-dau-cua-du-khach-a2696.html