Doanh nghiệp đua huy động hàng nghìn tỷ từ chứng khoán

Nhóm doanh nghiệp chứng khoán và bất động sản, xây dựng dẫn đầu làn sóng tăng vốn này.

Thị trường vốn truyền thống đang gặp nhiều thách thức. Kênh trái phiếu, tín dụng ngân hàng vẫn khó tiếp cận dù một số chính sách đã được nới lỏng và lãi suất điều chỉnh giảm. 

Trong bối cảnh thiếu hụt dòng tiền, việc huy động vốn từ kênh chứng khoán đang trở thành "cứu cánh" cho các doanh nghiệp để có ngân sách đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bổ sung nguồn lực nền tảng cho những kế hoạch trong tương lai.

Công ty chứng khoán "dồn dập" tăng vốn khủng

Đáng chú ý là nhóm doanh nghiệp chứng khoán. Từ đầu quý III đến nay có ít nhất 8 công ty lên kế hoạch tăng vốn điều lệ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chứng khoán SSI (SSI) mới đây công bố sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành 453 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau khi thương vụ hoàn tất, vốn điều lệ của Chứng khoán SSI dự kiến tăng từ 15.011 tỷ đồng lên mức 19.544 tỷ đồng và tiếp tục dẫn đầu trong nhóm doanh nghiệp chứng khoán.

Ngoài ra, SSI cho biết sau khi hoàn tất sẽ tiếp tục phát hành hơn 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Nếu thành công, vốn điều lệ của SSI có thể lên mức gần 20.700 tỷ đồng.

Một thương vụ tăng vốn nổi bật khác là của Công ty CP Chứng khoán LPBank (LPBS). Doanh nghiệp dự kiến nâng vốn điều lệ gấp gần 16 lần thông qua việc chào bán 363,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nếu hoàn tất kế hoạch, vốn điều lệ của LPBS sẽ tăng từ 250 tỷ đồng lên tới 3.888 tỷ đồng.

Trước đó, đầu tháng 10, Chứng khoán HD (HDS) đã thông qua phương án chi tiết phát hành hơn 67,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giúp nâng vốn điều lệ từ 1.023 tỷ đồng lên gần 1.700 tỷ đồng.

Hay Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) công bố kế hoạch tăng vốn lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, trong khi Chứng khoán MB (MBS) cũng đã hoàn tất phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng vốn điều lệ lên hơn 4.370 tỷ đồng

Bên cạnh đó, Chứng khoán ACB (ACBS) cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.000 tỷ. Nguồn vốn góp đến từ ngân hàng mẹ - Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Hồi tháng 8, Chứng khoán VNDirect (VND) đã công bố nghị quyết triển khai chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành gần 61 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức. Nếu cả hai phương án trên đều thành công, vốn điều lệ của VND sẽ được nâng từ 12.178 tỷ lên gần 15.223 tỷ đồng.

Bất động sản, xây dựng cũng chạy đua

Không riêng nhóm ngành chứng khoán, nhóm doanh nghiệp bất động sản cũng nhập cuộc đua tăng vốn trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (HoSE: NVL) vừa lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh phương án phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ và 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 100%) đã được thông qua hồi tháng 3.

Hiện, vốn điều lệ của ông lớn Novaland đang ở mức 19.501 tỷ đồng. Nếu tất cả đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của NVL có thể tăng gấp 2,5 lần lên hơn 49.000 tỷ đồng. Khi đó, Novaland sẽ trở thành doanh nghiệp bất động sản niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Hay mới đây nhất, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) thông báo chào bán 101 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để thu về hơn 1.220 tỷ đồng. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ 21/12 đến 15/1/2024. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của Đất Xanh sẽ tăng lên hơn 7.000 tỷ đồng.

Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) đầu tháng này cũng vừa thông báo về việc chào bán 134 triệu cổ phiếu nhằm huy động hơn 1.300 tỷ đồngtừ cổ đông để thực hiện các dự án trọng điểm thời gian tới. 

Trước đó, cuối tháng 11, Công ty CP Tập đoàn C.E.O - CEO Group (HNX: CEO) công bố đã chào bán thành công 242,7 triệu cổ phiếu, đồng thời phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên. Như vậy, CEO đã huy động được gần 2.600 tỷ đồng, theo đó tăng vốn gấp đôi lên 5.146 tỷ đồng.

Nhiều công ty đang xoay xở mọi cách tìm nguồn vốn khác để ổn định hoạt động. Ảnh: Việt Linh.

doanh nghiep tang von anh 1

 

Nhiều công ty đang xoay xở mọi cách tìm nguồn vốn khác để ổn định hoạt động. Ảnh: Việt Linh. 

Doanh nghiệp xây dựng như Công ty CP Tập đoàn Hòa Bình (HoSE: HBC) hồi cuối tháng 11 cũng đưa ra kế hoạch phát hành 220 triệu cổ phiếu riêng lẻ, để huy động từ 2.640 tỷ đồng đến 3.190 tỷ đồng để thanh toán nợ vay ngân hàng. Đồng thời, nhà thầu này phát hành 32,5 triệu cổ phiếu để cấn trừ công nợ.

Trong khi đó, Công ty CP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (HoSE: TEG); Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao Thông Đèo Cả (HoSE: HHV)... công bố kế hoạch huy động hàng trăm tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong năm nay.

Có thể thấy hàng loạt doanh nghiệp đang chạy đua huy động vốn hàng nghìn tỷ từ thị trường chứng khoán trong giai đoạn "nước rút" cuối năm, nhằm góp phần giải bài toán "đói vốn" hiện hữu. 

Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao như bất động sản và xây dựng.

 

 

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/doanh-nghiep-dua-huy-dong-hang-nghin-ty-tu-chung-khoan-a2664.html