Làng gốm Bát Tràng nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Đây là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Cách trung tâm Thủ đô khoảng 15km, để đến đây tham quan du khách có thể lựa chọn đi xe bus, xe ô tô và xe máy.
Đến đây, du khách sẽ được tham quan, mua sắm, chiêm ngưỡng từ gốm gia dụng, gốm mỹ thuật, gốm xây dựng, đồ thờ tự đến sản phẩm gốm trang trí. Đặc biệt, tại đây có hoạt động trải nghiệm làm gốm, tô tượng vô cùng thú vị. Theo đó tại tầng G của bảo tàng là không gian để du khách trải nghiệm tự tay làm ra một sản phẩm gốm dưới sự hướng dẫn của nhân viên của trung tâm.
Làm gốm gồm 5 bước:
Thấu đất - khâu làm đất
Để làm được một sản phẩm gốm tốt cần chọn được nguyên liệu tốt nhất. Nguyên liệu để làm gốm chính là đất sét và cao lanh, được tinh luyện qua nhiều công đoạn như tưới nước, dùng mai thái mỏng, loại bỏ tạp chất, thái đi thái lại nhiều lần để tạo độ mỉn, dẻo.
Chuốt gốm - tạo hình gốm
Để tạo hình gốm người nghệ nhân thường dùng 3 phương pháp chính: Tạo hình gốm trên bàn xoay, tạo hình gốm bằng khuôn và nặn đắp gốm bằng tay. Tùy theo từng sản phẩm và sở thích cá nhân để có thể sử dụng phương pháp tạo hình khác nhau.
Tạo hình trên bàn xoay: Phương pháp này đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, điêu luyện. Đất được khoanh trũng ở giữa bàn xoay, hai tay vừa xoay bàn vừa chuốt kết hợp với chân đạp bàn nhịp nhàng. Các sản phẩm muốn kích thước to hay nhỏ, dày hay mỏng,... đều do bàn tay điều khiển.
Tạo hình bằng khuôn mẫu: Phương pháp này thường được dùng để sản xuất các loại sản phẩm có số lượng lớn như bát, đĩa,...
Tạo hình bằng phương pháp đắp nặn bằng tay: Sản phẩm của phương pháp này thường là các chi tiết nhỏ như đỉnh gốm, các con vật, linh thú,...
Trang trí
Khâu trang trí giúp sản phẩm gốm có tính thẩm mỹ cao hơn. Để trang trí gốm thường sử dụng các phương pháp vẽ tay, cắt gọt, khắc, in hoa văn.
Tráng men
Sau khâu trang trí, sản phẩm gốm sẽ được nung sơ rồi phủ lớp men và mang đi nung chính thức. Tùy vào kích thước của sản phẩm người thợ có thể lựa chọn phương pháp nhúng men, dội hoặc phung men.
Nung gốm
Đây là công đoạn quan trọng, quyết định sự thành công của một mẻ gốm. Để nung gốm người ta thường dùng củi, than cám hoặc gas. Thời gian và nhiệt độ nung tùy thuộc vào các sản phẩm, nguyên liệu làm gốm... Ví dụ gốm đất nung nhiệt độ từ 600 – 900 độ C, gốm sành nâu sẽ có nhiệt độ là 1100 – 1200 độ C, gốm sành xốp 1200 – 1250 độ C, gốm sành trắng 1250-1280 độ C. Tuy nhiên đây cũng chỉ là mức nhiệt độ tham khảo. Ở bước nào người làm gốm cũng phải tỉ mỉ, cẩn thận mới tạo nên được sản phẩm ưng ý.
Dù là ngày giữa tuần nhưng khu vực trải nghiệm làm gốm vẫn vô cùng đông đúc, tấp nập. Có rất nhiều bạn trẻ, du khách nước ngoài đến đây tham quan và thử tay nghề. Ngoài ra nhiều cơ sở mầm non tư thục cũng tổ chức dã ngoại tại bảo tàng gốm Bát Tràng với các hoạt động như tham quan, tập làm gốm, tô tượng.
Ở đây có sẵn bàn xoay, đất sét, các dụng cụ để làm gốm. Khi đến đây các bạn nhân viên sẽ hướng dẫn du khách lấy tạp dề để tránh bị bẩn quần áo khi nặn gốm. Tiếp đó sẽ lấy đất, chuẩn bị xô nước, chậu, dụng cụ tạo hình,... và hướng dẫn cụ thể du khách cách để làm nên một sản phẩm gốm. Nghe qua có vẻ khá đơn giản nhưng nhiều người không khỏi bối rối khi bắt tay vào làm. Dù có cố gắng thế nào đất sét vẫn không thể tạo hình được như mong muốn. Chính vì thế nhân viên luôn hỗ trợ kịp thời để hướng dẫn du khách có thể tạo hình được sản phẩm đơn giản.
Linh (21 tuổi) hào hứng khi được hỏi về trải nghiệm làm gốm. Dù lấm lem bùn đất nhưng được tự tay làm nên một sản phẩm gốm riêng là kỷ niệm khó quên: "Dù ở Hà Nội nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên mình đến bảo tàng gốm và trải nghiệm làm gốm. Hôm qua mình cùng bạn có đến nhưng bị quá giờ nên hôm nay đã đi rất sớm, quyết trải nghiệm bằng được làm gốm mới thôi.
Mình thấy trải nghiệm này rất thú vị. Ban đầu làm hơi khó khăn nhưng nhờ các bạn nhân viên hướng dẫn nên cũng nhanh hơn. Được tự tay làm nên một sản phẩm vui lắm, dù đơn giản, không đẹp như các thợ làm gốm nhưng mình cũng hạnh phúc lắm rồi".
Cũng giống như Linh, Giang (30 tuổi) cũng không giấu được sự hào hứng, thích thú khi làm thành công: "Nhìn có vẻ đơn giản, cứ đặt ngón tay ở giữa phần đất sét, xoay bàn xoay rồi vuốt đất nhưng khi làm mới thấy khó khăn. Mình chỉ làm một chiếc cốc rất đơn giản nhưng cũng mất mấy tiếng mới xong, còn nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của nhân viên nữa. Thế mới thấy người nghệ nhân làm nên các món đồ này không hề dễ dàng gì".
Trở lại thăm Bát Tràng lần thứ 2 nhưng Thủy (24 tuổi) vẫn vô cùng hào hứng: "Đến đây mình được tìm hiểu các loại gốm sứ, được trải nghiệm làm gốm, tô màu. Cầm trên tay sản phẩm mình làm rất thích, cảm giác bản thân có thành tựu".
Bài và ảnh: Đoàn Hòa
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/trai-nghiem-thu-vi-tai-bao-tang-gom-bat-trang-dip-nghi-le-a2588.html