Lễ hội Văn hoá - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp 2023 là hoạt động thường niên của tỉnh Tiền Giang nói chung, huyện Cái Bè nói riêng. Đây là dịp thúc đẩy thương mại cũng như quảng bá du lịch huyện nhà đến với các tỉnh thành lân cận.
Tổ chức trong 2 ngày, 26 và 27/11, lễ hội đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Các hoạt động chính của lễ hội mang đậm nét văn hoá dân gian Nam Bộ như “Phiên chợ quê”, “Cuộc thi làm bánh dân gian”, “Cuộc thi chưng mâm ngũ quả”, “Tái hiện nghi thức cúng đình”,...
Nhớ hồn quê xưa
Chợ quê trong ký ức nhiều người là nơi gắn bó những kỷ niệm tuổi thơ, là gói xôi nóng trong tay mẹ, là giọt mồ hôi rơi trên gánh hàng rong… Đi chợ nhưng không hẳn là đi chợ, người ta đến đây để tìm lại không khí nhộn nhịp của phiên chợ đã vãn một thời.
Phiên chợ quê của lễ hội năm nay người bán người mua tấp nập. Nhiều mặt hàng nông sản bà con đem từ vườn xanh mướt, tươi mới. Các món ăn dân dã trên mâm cơm miền sông nước như mắm tôm đu đủ, nem chua, chả lụa,... cũng được bày bán trong phiên chợ.
Điểm đặc biệt thu hút du khách đến xem là hơn 20 món bánh dân gian được những người thợ tự tay chế biến trong lúc diễn ra phiên chợ. Nào là bánh xèo, bánh đúc, bánh lá, bánh bông cúc, bánh canh ngọt, bánh ít trần… Từng món đều được trang trí bắt mắt, đậm đà hương vị của quê hương xứ sở sông nước miền Tây.
“Mình thấy bánh ở đây rất đa dạng, mùi vị rất ngon đúng chuẩn vị quê, giá thành lại mềm. Đây là lần thứ ba mình tham gia lễ hội Làng cổ này, mình thấy rất thích phiên chợ cũng như háo hức chiêm ngưỡng những hoạt động của ngày hội”, một du khách cho biết.
Phiên chợ diễn ra từ sáng đến tối, giữa dòng người chen chúc nhau, trong tiếng nói cười, chào bán nhộn nhịp. Đặc biệt phiên chợ thu hút rất đông bạn trẻ đến thưởng lãm. Đây cũng là dịp để lan tỏa tình yêu quê hương xứ sở đến người trẻ, đồng thời gợi nhớ kỷ niệm cho người dân xa quê.
Tái hiện nghi thức cúng đình
Cái Bè là huyện nằm ở phía Tây tỉnh Tiền Giang, là cửa ngõ đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nơi hội tụ và giao lưu văn hóa giữa các tỉnh vùng sông nước Nam Bộ. Ngoài những thắng cảnh và cuộc sống sông nước nhộn nhịp, nghi thức và nhạc lễ trong cúng đình của người dân nơi đây cũng mang giá trị văn hóa độc đáo.
Trong thời phong kiến, nhạc lễ là âm nhạc chuyên dùng trong lễ nghi, thờ cúng. Đây là thể nhạc của những tập tục cổ truyền, tín ngưỡng dân gian người Việt. Thể nhạc này dùng các loại nhạc cụ dân gian để "gảy" lên những tâm tư, tình cảm của cộng đồng.
Nhạc lễ thường thấy trong các buổi tế lễ, cúng kính, ma chay, gồm 4 hình thức chính: quan (dùng trong những cuộc vui mừng, đón tiếp khách), hôn (dành cho đám cưới, hỏi), tang (dành cho ma chay), tế (dùng trong cúng tế thành hoàng và các nghi lễ ở đình).
Nghi thức cúng đình trong lễ hội Văn hoá - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp 2023 gồm 2 phần: thỉnh sắc và lễ tế. Ở phần thỉnh sắc, ban tổ chức thực hiện “nghinh thần”, diễu hành một đoạn 30m rồi về lại đình. Ở phần lễ, những người trong ban tế tự thực hiện đầy đủ nghi thức: Củ soát lễ vật; Khởi chinh khởi cổ; Nhạc sinh tựu vị và nhạc tấu; Nghi tuần hương, Nghi tuần rượu…
Theo ông Nghĩa, nghệ nhân nhạc lễ cổ truyền, đã chơi trống cho nghi thức này hơn 10 năm miêu tả những ngọn đèn dùng trong lễ tế có hình dáng khá đặc biệt, gọi là “đi đăng, đi đài”. Đây là loại đèn dầu có phần vòi dẫn lên tim hình công, phía trên thân đèn rộng, đặt một chiếc đĩa nhỏ và ly rượu. Nhạc cụ dùng trong lễ tế bao gồm trống, chiêng, đàn nhị, kèn mộc…
Phần lễ kéo dài hơn một giờ, sau khi kết thúc nhiều người đến thắp hương biểu thị lòng tôn kính thế hệ cha ông. Việc tái hiện nghi thức cúng đình theo thông lệ hàng năm của Đình Đông Hòa Hiệp còn là dịp để biểu thị ý thức tôn trọng văn hóa truyền thống, gợi nhớ về cội nguồn của dân tộc.
Các hoạt động đậm bản sắc văn hoá khác
Mâm ngũ quả là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt và có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng tùy vào từng vùng miền, địa phương mà cách chọn trái cây cho mâm ngũ quả cũng như cách trưng bày lại khác nhau.
Các đội thi của lễ hội lần này “vẽ” rồng, phượng hay mang cả bản đồ Việt Nam lên mâm quả. Các thí sinh sử dụng chất liệu trầu, cau sáng tạo nên hình ảnh long phượng đầy bắt mắt, uy nghi. Hoa quả trên mâm đều là đặc sản địa phương như nhãn Cổ Cồ, quýt Cái Bè, xoài Hoà Lộc…
Hoà mình vào không khí nhộn nhịp của lễ hội, cuộc thi trò chơi dân gian được nhiều người hưởng ứng, theo dõi. Du khách được dịp vui cười khoái chí sau những cú té của thí sinh trong trò nhảy bao bố, hay dáng vẻ loạng choạng mất phương hướng trong trò bịt mắt đập heo...
Bên cạnh tổ chức các cuộc thi, nghi thức lễ tế chương trình năm nay còn có không gian trưng bày những sản phẩm OCOP đặc sắc của từng địa phương. Từ đặc sản trái cây như sầu riêng, mít sấy đến những món bánh rế, bánh tét nhân thập cẩm… được sắp xếp tinh tế, bắt mắt.
Cuối chuỗi sự kiện là hoạt động giao lưu đờn ca tài tử, loại hình sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng đậm chất miền Tây. Những nghệ sĩ dùng tiếng ca thanh thoát của mình để bộc lộ tâm tư, tình cảm, gợi nhớ lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở và can trường của người dân Nam bộ.
Tiếng ca của người nghệ sĩ phối hợp với màn hoà tấu từ đàn nhị, đàn bầu, ghi ta giúp buổi biểu diễn thêm phần lắng đọng. Đây là loại hình sinh hoạt nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống xã hội người Việt, được cộng đồng cư dân ở vùng miệt vườn, sông nước Nam Bộ yêu thích, bảo tồn. Chính sự tự do tham gia thực hành, sáng tạo của bộ môn này đã góp phần tạo nên sự đa dạng của âm nhạc Việt Nam.
Bài và ảnh: Y Thanh
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/dam-da-ban-sac-van-hoa-dan-gian-trong-le-hoi-van-hoa-du-lich-lang-co-dong-hoa-hiep-2023-a2568.html