Phục hồi ngành du lịch: Cần tầm nhìn quốc gia

Hiệu quả của ngành du lịch không chỉ nằm ở số lượng du khách mà ở mức chi tiêu thẩm thấu đến nền kinh tế địa phương, cư dân được hưởng lợi bền vững. Để ngành du lịch phát triển bền vững không thể thiếu sự kiến tạo ở tầm quốc gia.

Với các cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, du lịch Việt Nam có thể xây dựng vị thế cạnh tranh tốt hơn trong khu vực nhưng cần tầm nhìn và chiến lược phát triển dài hạn từ Chính phủ.

10 năm trước Phú Quốc thức giấc, hòn đảo hoang sơ biến thành một đại công trường xây dựng với nhiều dự án bất động sản được triển khai rầm rộ. Khi ấy đảo Ngọc được kỳ vọng trở thành một điểm đến thu hút du khách quốc tế tương tự như vị thế Bali của Indonesia.

Một Việt kiều, chủ một khu nghỉ dưỡng năm sao thời điểm đó bày tỏ với người viết khá nhiều trăn trở. Theo ông, Phú Quốc dường như thiếu một tầm nhìn dài hạn để hướng tới một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Đầu tiên là vấn đề quy hoạch, những vị trí đẹp nhất nên dành phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp năm sao, ít đẹp hơn là bốn sao và theo thứ tự giảm dần.

Đất đai được đấu giá công khai và số tiền thu về được tái đầu tư cho hạ tầng. Chính quyền mở rộng sân bay, xây dựng cầu đường, xây nhà máy xử lý rác, nước thải, hệ thống năng lượng tái tạo. Việc nên làm là xây dựng một con đường ven biển vòng quanh đảo để trên đường tới cơ sở lưu trú, du khách có ngay một trải nghiệm tuyệt vời với tầm nhìn thoáng đãng ra một bên là biển xanh thẳm, một bên là các khu nghỉ dưỡng xinh xắn.

Thiên nhiên cần được gìn giữ tối đa, các giá trị truyền thống nên bảo tồn, cần giữ nét nguyên vẹn của làng chài, các nhà thùng nước mắm truyền thống, trang trại trồng tiêu…

Nhưng trong thực tế, sự phát triển của Phú Quốc lại rẽ theo hướng chúng ta đang chứng kiến. Hàng trăm dự án bất động sản mọc lên khiến Phú Quốc như một bức tranh đẹp nhưng với những nét cọ không đồng nhất. Làn sóng phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã đẩy đất đai lên cơn sốt.

Có những thời điểm sức nóng của bất động sản biến Phú Quốc thành một địa chỉ thu hút giới đầu cơ kéo giá đất tăng từng ngày, thậm chí từng giờ. Ở đỉnh cơn sốt có thể dễ dàng tính toán việc đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú hay kinh doanh dịch vụ không thể tạo ra lợi nhuận bền vững.

Là hòn đảo nằm biệt lập, nơi cách đất liền gần nhất khoảng 45km, có ba cách di chuyển đến Phú Quốc là đường hàng không, bằng phà hoặc tàu cao tốc. Theo số liệu của UBND thành phố Phú Quốc, toàn đảo có hơn 800 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với khoảng 30 ngàn phòng khách sạn, trong đó hơn 16 ngàn phòng chuẩn 5 sao.

Vào thời gian cao điểm như dịp lễ tết, Phú Quốc được tăng cường  khoảng 140 chuyến bay, 40 chuyến tàu cao tốc và phà. Trong khi ở những ngày thường số lượt di chuyển chỉ bằng khoảng 1/3.

Tính nhanh, năng lực cung ứng các cơ sở lưu trú của Phú Quốc đã và đang vượt xa công suất vận chuyển du khách từ các phương tiện giao thông từ đất liền tới đảo. Hiệu quả kinh doanh của các cơ sở lưu trú, dịch vụ chỉ trông chờ vào các dịp lễ, tết hoặc đặt một mức giá bán rất cao.

Dịp Quốc khánh vừa qua, Phú Quốc đón hơn 19 ngàn lượt khách lưu trú, giảm gần 40% so với cùng kỳ, công suất phòng chỉ đạt khoảng 27%. Trong cuộc họp giữa các doanh nghiệp lữ hành và chính quyền vào trung tuần tháng 10.2023, các đơn vị khai thác du lịch chỉ ra các nguyên nhân: Phú Quốc đã mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có, cảnh quan thiên nhiên dần biến mất, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu của một điểm đến du lịch, giá vé máy bay đắt đỏ và chi phí ăn uống, dịch vụ tăng cao…

Việt Nam không chỉ có Phú Quốc mà có nhiều điểm đến du lịch tiềm năng khác. CEO một công ty lữ hành quốc tế mới đây đã kể lại với người viết, mùa hè năm nay khi đưa Tim Cook bay đi ngắm cảnh vịnh Hạ Long, trước khung cảnh hùng vĩ nên thơ, vị CEO của Apple thốt lên: “Tôi đã đi nhiều nơi nhưng vịnh Hạ Long là nơi đẹp nhất thế giới.”

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch biển khi thiên nhiên ưu đãi một đường bờ biển dài hơn 3.000km, nắng ấm dọc theo chiều dài đất nước với rừng cây xanh và cảnh quan hùng vĩ. Việt Nam tự hào có hơn 125 bãi biển và nằm trong danh sách 12 quốc gia hàng đầu cho những vịnh đẹp nhất trên thế giới.

Tạp chí du lịch nổi tiếng The Travel năm 2022 đã công bố danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới trong đó có chúng ta. Việt Nam có tám di sản thiên nhiên và văn hóa, tám khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, là một trong số ít quốc gia có nhiều di sản nhất thế giới được tổ chức này công nhận. Chiều sâu của du lịch Việt Nam còn đến từ bản sắc văn hóa đa dạng của 54 dân tộc, hệ thống làng nghề, các đình chùa, danh lam thắng cảnh trải rộng từ bắc tới nam…

Quy mô thị trường du lịch toàn cầu năm 2022 đạt 4.600 tỉ đô la Mỹ. Khi ngành du lịch toàn cầu hồi phục sau đại dịch, nhiều khu vực trên thế giới trở thành điểm nóng của xung đột quân sự khiến Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đang nổi lên thành điểm đến an toàn hàng đầu với chi phí phải chăng.

Đỉnh cao doanh thu ngành du lịch Việt Nam đạt 9,2% GDP vào năm 2019, tương đương 35 tỉ đô la Mỹ. Con số tương ứng tại Thái Lan là 20%. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của du lịch Việt Nam ít nhất có thể tăng lên gấp đôi. Ngành công nghiệp không khói này là mũi nhọn cần khuyến khích phát triển bởi tính chất lan tỏa: mang ngoại tệ về cho đất nước, toàn bộ chuỗi giá trị nằm lại nền kinh tế nội địa, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm tại chỗ…

Trong 11 năm hoạt động tại Việt Nam, Forbes Việt Nam đã thực hiện sáu chuyên đề du lịch (ba năm gián đoạn vì COVID-19) chúng tôi đã phỏng vấn, trao đổi với hàng trăm công ty trong ngành với một câu hỏi lớn: Làm thế nào để du lịch Việt Nam khởi sắc, phát triển bền vững tương xứng với các tiềm năng sẵn có? Câu trả lời phần lớn tương đồng: Sự sáng tạo sản phẩm du lịch nằm trong tay doanh nghiệp nhưng sự phát triển của toàn ngành cần một tầm nhìn và quyết tâm mang tầm vóc quốc gia. Cụ thể:

Trong giai đoạn hiện tại, trước mắt các doanh nghiệp du lịch rất cần sự hỗ trợ về chính sách để tiếp cận nguồn vốn. Theo quy định, hiện các doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận mới được tiếp cận vốn ngân hàng. Điều này bảo vệ hệ thống tín dụng nhưng trong thực tế, giai đoạn 2020-2022, tất cả các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành đều thua lỗ nặng nề. Do thiếu vốn khiến đà phục hồi của ngành du lịch bị chặn đứng.

Xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sự phát triển phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác: hạ tầng sân bay, cơ sở lưu trú, dịch vụ vận tải, dịch vụ ăn uống, giải trí… Có thể thấy tác động của hạ tầng giao thông giúp du lịch Mũi Né phục hồi ấn tượng sau khi cao tốc TP.HCM – Phan Thiết thông suốt, rút ngắn thời gian di chuyển bằng xe hơi từ hơn bốn tiếng xuống còn hai tiếng.

Ngược lại, sự phát triển của Phú Quốc tập trung nhiều vào các cơ sở lưu trú nhưng bỏ qua nhiều yếu tố phát triển bền vững đang khiến số lượng du khách suy giảm. Việc chính phủ thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng mạnh mẽ được kỳ vọng tạo đà cho du lịch Việt Nam cất cánh trong vài năm tới.

Xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở quy mô quốc tế. Trong khu vực, Thái Lan là hình mẫu phát triển dịch vụ du lịch có nhiều điểm sáng để học hỏi. Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, quốc gia này đã tiến hành các chương trình xúc tiến du lịch ra quốc tế khiến nhiều người nước ngoài xem xứ sở chùa Vàng là nơi phải ghé thăm ít nhất một lần trong đời.

Các hãng lữ hành nhận xét du lịch Việt Nam còn có nhiều câu chuyện hơn để có thể kể với du khách quốc tế: danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, sự đa dạng văn hóa, sự đa dạng trong ẩm thực, điểm đến hòa bình, an toàn… Việc quảng bá du lịch ở quy mô quốc tế cần tiến hành mạnh mẽ, bền bỉ và sáng tạo.

Chính sách nhập cảnh và visa thông thoáng. Trong khu vực, sau đại dịch, du lịch Indonesia nổi lên với sự phục hồi ấn tượng. Một trong các chính sách thu hút du khách quốc tế của xứ vạn đảo là mở rộng cấp thị thực nhập cảnh cho công dân 72 nước, cấp thị thực năm năm cho khách nước ngoài lưu trú tại đây mà không phải trả thuế với điều kiện họ không kiếm tiền trong lãnh thổ Indonesia. Dù đây chỉ là một nút thắt mang tính kỹ thuật nhưng trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế trong khu vực điều này có thể trở thành rào cản thu hút du khách.

Phát triển nhân sự cho ngành du lịch. Du lịch là ngành đặc thù chất lượng sản phẩm được tạo ra bởi con người, cần thời gian rất dài mới phát triển được đội ngũ du lịch như hiện tại. Trong đại dịch COVID-19, nhân sự ngành du lịch đã bị tổn thương, sự phát triển của ngành luôn cần bổ sung và nâng cao chất lượng nhân sự.

Phát triển sản phẩm du lịch theo chiều sâu, nâng chất lượng thay vì hướng đến số lượng. Việt Nam xây dựng nhiều cơ sở lưu trú nhưng thiếu chiều sâu về các sản phẩm du lịch để du khách trải nghiệm, mua sắm, giải trí. Thước đo “chất lượng” ngành công nghiệp du lịch nằm ở mức chi tiêu của du khách, độ dài của thời gian lưu trú.

Hiệu quả của ngành du lịch không nằm ở số lượng du khách mà mức chi tiêu thẩm thấu đến nền kinh tế địa phương. Chỉ khi nào cư dân địa phương được hưởng lợi bền vững từ sự xuất hiện của du khách thì tư duy kinh doanh ngắn hạn ở các điểm đến mới thay đổi. Ngành du lịch phát triển bền vững không thể thiếu sự kiến tạo ở cấp độ quốc gia.

—————————-

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 123, tháng 11.2023, chuyên đề “Phát triển ngành du lịch”

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/phuc-hoi-nganh-du-lich-can-tam-nhin-quoc-gia-a2522.html