Phóng viên (PV): Trong quá trình làm giáo dục, điều gì giúp thầy luôn yêu thích và gắn bó với nghề?
PGS.TS Lê Trung Thành: Từ năm 1989, sau khi tốt nghiệp, tôi đã chọn ở lại trường và làm việc từ đó đến nay. Trong giai đoạn Đổi mới của Việt Nam, tôi tiên phong phụ trách những hoạt động đào tạo, tư vấn và bồi dưỡng ngắn hạn cho các doanh nghiệp nước ngoài, các tổng công ty lớn của nhà nước, đào tạo từ xa, E-learing và công tác đào tạo Sau đại học của Trường Đai học Kinh tế Quốc dân. Tôi đã hỗ trợ đào tạo được khoảng 9.000 thạc sĩ trên tổng số 19.000 và 800 tiến sĩ trên tổng số khoảng 1.800 tiến sĩ ra trường trong giai đoạn phụ trách đào tạo sau đại học. Sau đó, tôi về công tác tại Viện Đào tạo Quốc tế. Đó là một hành trình dài.
Trong thời gian tới theo lộ trình phát triển của nhà trường, Viện Đào tạo Quốc tế sẽ hướng tới trở thành Trường Đào tạo Quốc tế thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân. Mục tiêu của Trường Quốc tế là tiếp tục liên kết giáo dục với các tổ chức đào tạo thuộc nhiều quốc gia đa dạng trên thế giới nhằm cập nhật và làm phong phú thêm các chương trình đào tạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học. Đây tiếp tục là thử thách không hề nhỏ. Động lực để tôi luôn yêu thích và gắn bó với ngành giáo dục là khi gặp lại những cựu sinh viên, họ thành công và chia sẻ những thành tựu của mình với tôi cùng các bạn học viên, sinh viên khóa sau. Họ cảm ơn vì những giúp đỡ của tôi. Đấy là điều hạnh phúc nhất.
PV: Theo thầy, yếu tố nào giúp các sinh viên khi ra trường đạt được công việc và thu nhập mong muốn?
PGS.TS Lê Trung Thành: Trước khi trả lời câu hỏi về yếu tố thì chúng ta đều biết mỗi con người đều có những năng lực nhất định và những tiềm năng riêng biệt. Người này có thể tốt hơn người khác ở một chuyên môn nào đó. Tại Việt Nam, công tác định hướng phát triển nghề nghiệp từ bậc phổ thông vẫn làm chưa tốt. Do vậy, rất nhiều bạn trẻ khi chọn đại học thì không biết mình muốn gì và ngành nào phù hợp với mình. Nhiều bạn học xong rồi lại thấy không đúng với mong muốn, năng lực, sở trường của mình.
Các sinh viên cần phải nhìn nhận bản thân có năng lực và sở trường gì, ngành nghề nào phù hợp trước khi tìm kiếm một công việc tốt nhất phù hợp với năng lực của bản thân. Chính vì thế khẩu hiệu của ISME là “Khám phá và khẳng định chính mình”. Khám phá bản thân trước khi đầu tư sâu trí tuệ, thời gian và công sức của mình vào một ngành. Khi mình chọn đúng niềm đam mê rồi thì việc học cũng trở nên say mê hơn. Các bạn sẽ chủ động trao đổi với thầy cô, tự lên mạng để học… kiến thức của bạn sẽ đi rất là xa chứ không phải chỉ gói gọn lại trong những chương trình đào tạo, những bài giảng trên lớp. Như vậy thành công sẽ theo thời gian tự đến. Lúc này, việc học tập hay làm việc trở nên nhẹ nhàng và hăng say hơn.
PV: Viện Đào tạo Quốc tế đã tiếp nhận và áp dụng các nội dung đào tạo của nước ngoài như thế nào để phù hợp với môi trường nội địa?
PGS.TS Lê Trung Thành: Một trong những định hướng quan trọng nhất của Viện là hợp tác với các chương trình đào tạo uy tín của quốc tế, đưa các chương trình này về Việt Nam. Đầu tiên chúng tôi phải lựa chọn các chương trình phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Khi đất nước ngày càng phát triển, doanh nghiệp cần những kỹ năng, kiến thức mới, người lao động càng phải đáp ứng đủ những mong muốn này. Bằng cấp tại Viện Đào tạo Quốc tế cũng tương đương với bằng cấp tại các nền giáo dục chất lượng cao trên thế giới, giúp các sinh viên vững vàng trong chuyên môn nghề nghiệp.
Thứ hai, du học sinh khi về nước sẽ khó thích nghi với môi trường làm việc nội địa. Phong cách làm việc ở các quốc gia khác nhau, du học sinh cần hòa nhập lại từ đầu nên mất rất nhiều thời gian. Việc du học tại chỗ, học tập giáo án quốc tế, làm việc cùng các giảng viên ngoại quốc, cùng các chương trình thực tế tại Việt nam giúp các bạn vừa biết được phong cách làm việc đa quốc gia, đa văn hóa, vừa hiểu nền kinh tế nội địa, cách các công ty, cơ quan trong nước hoạt động. Trong quá trình học tập, sinh viên cũng được kết nối với mạng lưới doanh nghiệp trong nước và đến các tập đoàn đa quốc gia thực tập để tạo thêm quan hệ.
Cuối cùng, khi đi du học ở một nước, các bạn sẽ hiểu sâu về văn hóa nước đó. Nhưng khi học tập tại Viện Đào tạo Quốc tế, các bạn có cơ hội tiếp cận nhiều nền văn hóa và cách thức làm việc đa dạng. Các giáo án đào tạo cũng trở nên phong phú với việc tích hợp tình huống từ nhiều quốc gia khác nhau. Ví dụ như Chương trình Cử nhân Quốc tế IBD@NEU với mô hình ba năm học tập trong nước và một năm sang nước ngoài đảm bảo sinh viên có trải nghiệm trong môi trường đa văn hóa và rèn luyện tính thích nghi với sự thay đổi. Thời kỳ hiện đại, các tập đoàn đều đa quốc gia, nên việc sinh viên hiểu các làm việc với nhiều nền văn hóa cũng giúp ích rất nhiều. Bên cạnh đó, chi phí du học tại chỗ cũng tiết hơn đi du học trong bốn năm, đây cũng là điểm mạnh mà nhiều phụ huynh cân nhắc khi đầu tư cho con mình.
PV: Việc vừa hiểu văn hóa quốc tế, vừa có nền tảng về văn hóa Việt Nam có giúp các bạn thành công hơn trong công việc không?
PGS.TS Lê Trung Thành: Nói về văn hóa sẽ có ba cấp độ gồm văn hóa của quốc gia, văn hóa của tổ chức, doanh nghiệp và văn hóa của nhóm làm việc. Ví dụ như các bạn làm về ngành du lịch cần hiểu rõ văn hóa quốc gia, hiểu khách hàng đến từ những đất nước nào và Viêt Nam có những cảnh đẹp, nét đẹp văn hóa nào để phục vụ du khách. Khi làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam hay ra nước ngoài làm việc, các bạn cũng cần hiểu văn hóa để giúp việc kinh doanh, quản trị được tốt hơn.
Các công ty đến từ những quốc gia khác nhau cũng sẽ có phong cách làm việc khác nhau. Như các tập đoàn từ Mỹ sẽ có phong cách làm việc khác với các quốc gia từ Trung, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sinh viên cũng sẽ cần học môn “Văn hóa doanh nghiệp” để biêt cách làm việc với từ đơn vị. Xu hướng hiện nay là toàn cầu hóa, nhưng mỗi đơn vị cũng có nét riêng biệt, để thành công cần hiểu về họ. Khi học tập tại Viện Đào tạo Quốc tế, học viên được đi trải nghiệm rất nhiều doanh nghiệp để hiểu hơn về cách các công ty, tập đoàn đang vận hành, và mở mang cơ hội thực tập.
Trong một công ty cũng có nhiều nhóm làm việc khác nhau, nhiều người vị trí khác nhau, kinh nghiệm khác nhau. Người lao động cũng phải thích ứng cho phù hợp để xử lý tốt nhất. Có thể các trong trường hợp làm khác múi giờ hay làm việc trực tuyến với nhau nhiều hơn. Tất cả những cái trên, chương trình đào tạo đều cần chia sẻ với sinh viên, giúp sinh viên sẵn sàng trước khi gia nhập thị trường lao động. Trong các chương trình đại học của chúng tôi, các bạn sinh viên cũng cần làm việc với nhau rất nhiều để biết cách làm việc nhóm, tạo ra các ý tưởng khởi nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Ngay tại Viện Đào tạo Quốc tế cũng có văn hóa rất riêng. Các cựu học sinh luôn sẵn sàng quay trở lại để chia sẻ kinh nghiệm thực tế, cơ hội nghề nghiệp đến các bạn sinh viên. Đây là cơ hội rất quý báu để kết nối và tạo nên mạng lưới cùng giúp đỡ, phát triển.
PV: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, thầy có chia sẻ gì gửi đến những người đồng nghiệp đang làm trong ngành giáo dục?
PGS.TS Lê Trung Thành: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi nghĩ các thầy cô cũng luôn cần tự khám phá bản thân và đổi mới mình để có năng lực tốt nhất. Tôi xin chúc các đồng nghiệp luôn tự đổi mới để đạt được nhiều thành công trong quá trình công tác và đào tạo thế hệ tiếp theo.
PV: Xin chân thành cảm ơn thầy và đơn vị!
Hoàng Hà
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/pgsts-le-trung-thanh-kham-pha-ban-than-hieu-ve-van-hoa-giup-nguoi-tre-thanh-cong-hon-trong-su-nghiep-a2508.html