Làng lụa Vạn Phúc xưa có tên là Vạn Bảo, sau đó mới đổi tên thành Vạn Phúc như bây giờ. Trải qua nhiều thế hệ gìn giữ và phát triển, làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống với phong cảnh yên bình, người dân hiền hòa. Đặc biệt, lụa Vạn Phúc luôn được người dân trong nước lẫn bạn bè quốc tế đánh giá cao bởi vừa đẹp vừa bền, hoa văn tinh tế, đa dạng, đơn giản.
Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, một người rất tâm huyết với nghề lụa truyền thống, cho biết: "Hiện tại ở làng có 246 máy dệt với khoảng 60 xưởng dệt. Để tạo ra được sản phẩm hoàn chỉnh người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn như tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, phơi căng... Đặc biệt ở công đoạn nào cũng phải cẩn thận, tỉ mỉ bởi chỉ cần lơ là sẽ ảnh hưởng đến công đoạn sau, khâu trước làm tốt thì khâu sau mới tốt được. Ngày xưa các cụ làm nghề dệt lụa có câu “Mình làm rối nó thì nó rối trả mình”, tức là mình làm không cẩn thận thì sản phẩm không đẹp, không hoàn hảo”.
Lụa Vạn Phúc có nhiều loại như lụa vân, lụa satan, lụa hoa... nhưng nổi tiếng nhất phải kể tới lụa vân bởi chất liệu mỏng, mịn, không nhăn, có cả hoa chìm và nổi... Với chất liệu tơ tằm mềm mịn, mùa hè mặc mát, mùa đông mặc ấm, lụa Vạn Phúc được nhiều khách hàng yêu thích, lựa chọn: "Ngày xưa ở Vạn Phúc có trồng dâu nuôi tằm để dệt lụa nhưng sau này ở đây không đủ điều kiện nữa vì đất bãi không phù hợp, làng đô thị hóa... Chính vì thế hiện tại chủ yếu nhập nguyên liệu nơi khác để sản xuất ra thành phẩm", ông Phạm Khắc Hà nói.
Là một người tâm huyết với nghề dệt lụa, ông Phạm Khắc Hà luôn đau đáu về việc quảng bá và truyền lửa nghề cho thế hệ trẻ. Chính vì thế chính quyền địa phương tổ chức nhiều sự kiện tại làng nghề: "Đến thời điểm này làng lụa Vạn Phúc đã tổ chức 3 tuần Văn hóa du lịch, thương mại làng nghề dệt lụa là năm 2011, năm 2018 và sau đó ảnh hưởng của dịch bệnh nên bị hoãn lại đến năm 2023 mới thực hiện lại. Chính quyền địa phương mong muốn để du khách thập phương biết đến làng nghề nhiều hơn, người dân địa phương lấy lại không khí sản xuất, kinh doanh sau dịch. Chính vì thế chủ đề của Tuần lễ Văn hóa năm nay là "Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập", tức là làng lụa Vạn Phúc sẵn sàng cùng các làng nghề truyền thống ở các địa phương tổ chức các tuần lễ thu hút du khách, xây dựng các tour du lịch ngắn ngày,... để quảng bá rộng rãi hơn nữa".
Với mục đích này, địa phương đã đứng ra tổ chức tuần Văn hóa, chuẩn bị cả về kinh phí, kế hoạch với nhiều hoạt động như cuộc thi của các nghệ nhân trong làng nghề, rước Thành Hoàng làng... Bên cạnh đó kêu gọi các hộ kinh doanh phải chú trọng chất lượng sản phẩm, đẹp, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Các cửa hàng đều niêm yết công khai xuất xứ, giá cả... để tránh hiểu nhầm. Đặc biệt không phải khách hàng nào cũng phân biệt được lụa, nhiều người thích lụa nhưng chưa hiểu rõ về lụa nên trong các trường hợp cần tư vấn, người bán hàng phải chia sẻ, giải thích rõ ràng, lấy chữ tín làm hàng đầu: "Hiện nay làng nghề có gần 200 hộ sản xuất và hơn 100 hộ vừa sản xuất vừa kinh doanh. Thời gian qua chúng tôi đã vận động chỉnh trang lại cửa hàng khang trang sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh cho các con phố, các cửa hàng hạn chế sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường.
Lụa Vạn Phúc ngày nay cạnh tranh với nhiều sản phẩm lụa trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên chúng tôi đặt mục tiêu phải gìn giữ được nét đẹp truyền thống. Lụa Vạn Phúc sử dụng các hoa văn để trang trí chứ không in hay vẽ. Từ năm 2016, chúng tôi dệt thương hiệu lụa vào biên vải, rất nhiều khách hàng đã đến đây và nói rằng tìm hiểu nhờ dòng chữ đó. Điều này chứng tỏ chúng tôi đang đi đúng hướng".
Không chỉ ông Phạm Khắc Hà, nhiều nghệ nhân, thợ của làng nghề cũng mong quảng bá rộng rãi hình cảnh của làng lụa Vạn Phúc để tiếp tục phát huy truyền thống làng nghề của ông cha để lại.
Đoàn Hòa
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/ve-van-phuc-nghe-chuyen-lang-nghe-det-lua-a2322.html