Nữ tình báo - Chuyện bây giờ mới kể

Sáng 20/10, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức chương trình giao lưu, gặp mặt các nữ chiến sĩ tình báo, quân báo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với những câu chuyện có thật.

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2023) và 78 năm Ngày Tình báo Quốc phòng Việt Nam (25/10/1945-25/10/2023), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức chương trình giao lưu "Nữ tình báo - Chuyện bây giờ mới kể".

Chương trình có sự góp mặt của các nhân chứng lịch sử như: bà Nguyễn Ngọc Huệ, trạm giao liên, Tình báo - Biệt động Sài Gòn; bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Ban Quân báo, Trinh sát - Biệt động Sài Gòn; ông Hồ Duy Hùng, Chiến sĩ Quân báo, Quân khu Sài Gòn - Gia Định; bà Phạm Thị Tư, Quân báo J90, Lực lượng Quân báo - Bộ Tư lệnh Sài Gòn.

2-1697817254.jpg
Các nhân chứng lịch sử giao lưu tại chương trình.

Từ những ngày đầu mới thành lập, lực lượng tình báo đã phát triển rộng khắp trên các chiến trường, nhất là các lĩnh vực, địa bàn chiến lược. Tuy lực lượng mỏng, kinh nghiệm công tác chưa nhiều, phương tiện làm việc còn thô sơ, nhưng Tình báo Quốc phòng, đặc biệt là những nữ tình báo, điệp báo đã anh dũng, không ngại khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đơn vị giao phó. 

Khi tham gia công tác tình báo-biệt động, phụ nữ không chỉ sẵn sàng hy sinh mà còn chấp nhận những nghịch cảnh vô cùng trớ trêu; để qua mặt địch. Họ sẵn sàng “vào vai với những thân phận khác nhau”; có khi là nhân viên quán phở, có khi là người giúp việc nhà, có lúc lại là người yêu… Nhưng dù ở vị trí nào, những nữ tình báo cũng cố gắng qua được cặp mắt tinh tường của địch. Không chỉ tham gia vận chuyển vũ khí, các nữ chiến sĩ còn làm công tác đưa quân vượt qua vòng tuyến địch để vào nội đô một cách an toàn với duy nhất một suy nghĩ “ra đi là không có ngày trở về”.

3-1697817343.jpg
Các nhân chứng lịch sử chụp hình lưu niệm cùng Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

Nhắc về những năm tháng “ẩn mình” hoạt động, bà Nguyễn Ngọc Huệ (trạm giao liên, Tình báo - Biệt động Sài Gòn) chia sẻ: “Mậu Thân năm 1968 tôi được phân công nhiệm vụ “vận chuyển vũ khí vào nội đô”. Có lần vận chuyển đạn cho súng AK, đạn để trong bộ ván gỗ, giữa hai lớp gạo ngụy trang, rất đẹp và bóng. Khi xe bò vừa kéo ra đến đường thì gặp ngay đám lính ở dưới càn lên. Xe bò dừng ngay ở chỗ nhà máy xay lúa, quân địch tới và săm soi bộ ván. Tôi bảo sợ pháo nổ sẽ làm hư nên chở về dưới ngoại gửi. Chỗ đó là ấp chiến lược không có pháo, không có máy bay bắn. 

Nghe vậy, quân địch không nghi ngờ mà còn hỗ trợ tôi vận chuyển bộ ván gỗ. Tôi còn lấy nón ra quạt (thực ra là ra ám hiệu an toàn) cho ông Năm Lai đánh xe bò từ đường vào đón bộ ván. Với sự nhanh trí của mình, tôi cùng các đồng đội đã vận chuyển trót lọt được 4 -5 chuyến, đưa vũ khí vào kho trong nội đô an toàn".

Với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã xây dựng được các cơ sở cách mạng ngay trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền. Thế hệ hôm nay cũng được gặp bà Phạm Thị Tư để lắng nghe bà chia sẻ câu chuyện thuở đó: “Tôi làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, tài liệu mật bằng phương tiện là ghe 2 đáy. Nhưng khi tôi cùng chị Kim Anh đang vận chuyển vũ khí, tài liệu cho Phòng tham mưu thì bị bọn địch tại cửa khẩu kêu lại. Chúng rất rành về thủ thuật vận chuyển bằng ghe hai đáy của ta, hễ gặp ghe thuyền chạy vô vàm Sở Thượng, hướng lên biên giới là chúng chặn lại hết. Nhìn ghe chúng tôi, hai thằng này đã sinh nghi, xét kỹ, quả đúng ghe hai đáy, sau một hồi lần mò thì chúng cũng phát hiện và bắt chúng tôi”.

5-1697817370.jpg
Thông tin về 4 nhân chứng lịch sử giao lưu tại chương trình

“Đến đầu năm 1972, tôi tiếp tục bám nội thành, xây dựng cơ sở, làm quân báo thu thập tin tức. Cuộc sống và công việc của tôi ở nội thành Sài Gòn như “Cuộc phiêu lưu trong lòng địch” vừa hoạt động, tôi vừa phải bươn chải kiếm việc làm để sinh sống và che mắt địch. Có thời điểm tôi làm mướn cho một tiệm phở ở đầu đường Phó Đức Chính, quận 1 Sài Gòn”, bà Phạm Thị Tư kể.

Ngoài ra, còn có cựu nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Châu, bà tham gia lực lượng trinh sát an ninh (giai đoạn 1969-1971) tại Bến Tre, từng trực tiếp đánh 17 trận. Trong đó có trận đánh vào sào huyệt địch ở Cà Mau, bà đã phát hiện và tháo gỡ mìn kịp thời để cứu hàng trăm đồng bào. 

Có thể nói, những cống hiến, hy sinh thầm lặng của những nữ chiến sĩ với những hoạt động khéo léo và đầy biến hóa của trong suốt những năm tháng hoạt động dưới vỏ bọc “kẻ thù” cung cấp nhiều tin tức, tài liệu mật liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu đã đưa nhiều chiến sĩ tình báo trở thành huyền thoại có một không hai trong lịch sử quân sự Việt Nam. Những chiến sĩ tình báo ấy luôn nguyện hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ. Sống và hoạt động ngay giữa trung tâm đầu não của địch cận kề với hàng trăm mối hiểm nguy, để đảm bảo an toàn cho tổ chức và người thân yêu. 

Cho đến nay, dù đã qua bao nhiêu năm tháng, câu chuyện về hoạt động tình báo qua lời kể của các tình báo viên, những nhân chứng lịch sử bằng xương bằng thịt vẫn vô cùng li kì và xúc động, giúp chúng ta thấu hiểu hơn về những đóng góp của phụ nữ trong lực lượng tình báo năm xưa. Hơn hết, họ đã khẳng định một điều rằng, phụ nữ Việt Nam luôn rất mạnh mẽ, can trường và dũng cảm.

Anh Thư

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/chuyen-bay-gio-moi-ke-cua-nhung-nu-tinh-bao-a2262.html