Travel blogger Bùi Ngọc Công - chủ nhân của Fanpage Blog của Rọt là cái tên quen thuộc trong cộng đồng mê du lịch, xê dịch. Với đam mê chụp ảnh, khám phá văn hóa lịch sử, bản sắc vùng miền, chàng trai sinh năm 1998 đã có những chuyến đi từ Bắc vào Nam vô cùng ấn tượng. Ở mỗi điểm đến, 9X đều dành thời gian để tìm hiểu, trải nghiệm nhằm mang đến những chia sẻ, hình ảnh, thước phim độc đáo nhất. Chính vì sự đầu tư chỉn chu, tâm huyết, đến hiện tại Blog của Rọt đã thu hút hàng trăm nghìn lượt yêu thích, theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội.
Từng có 4 năm theo học ngành Báo chí tại Đà Nẵng, Rọt bất ngờ chuyển hướng làm travel blogger thỏa mãn đam mê khám phá, để rồi rong ruổi qua từng bản làng, vùng đất tươi đẹp của Việt Nam. Gặp chàng trai xứ Quảng trong một buổi chiều thu Hà Nội, ấn tượng ban đầu chính là nụ cười hiền, sự hồn nhiên, vui tính và rất dễ gần. 9X thoải mái kể về những câu chuyện thời thơ ấu, về ngày xuống nhà ông ngoại đọc ké báo, về những tiết học Địa lý để rồi ước ao một lần được đến thăm Lăng Bác, ngắm Tháp Rùa hay chiêm ngưỡng ruộng bậc thang hùng vĩ. Chính những điều này đã thôi thúc Rọt trở thành một travel blogger và tận hưởng những tháng ngày tuổi trẻ tự do, đầy màu sắc.
PV: Chào bạn, vì sao lại là Blog của Rọt?
Blog của Rọt: Một lý do rất đơn giản vì tên ở nhà của mình là Rọt, tên khai sinh là Bùi Ngọc Công. Không chỉ người thân trong gia đình mà người ở quê, hàng xóm láng giềng đều gọi mình là Rọt. Hồi nhỏ mình không thích tên này vì có một người bạn thân cứ trêu chọc. Đến thời điểm lúc lập tài khoản trên mạng xã hội, mình đã nghĩ không biết nên lấy tên nào cho độc đáo, lạ gây tò mò và không có lý do gì để từ chối tên Rọt này (cười).
PV: Vì sao bạn quyết định trở thành travel blogger? Gia đình có ý kiến như thế nào khi bạn theo đuổi công việc này và từ Quảng Nam ra Hà Nội sinh sống làm việc?
Blog của Rọt: Thời điểm là sinh viên mình đi chơi khá nhiều vì ở Đà Nẵng có nhiều địa điểm đẹp. Lúc thực tập, mình chọn một tòa soạn ở Hà Nội, lúc ra đây thì vướng đợt dịch. Thời điểm đó làm việc online, mình tham gia một hội nhóm đi du lịch qua Internet trên mạng xã hội. Mình cũng đăng tải những hình ảnh mình chụp, chia sẻ về các chuyến đi và nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Mình có tìm kiếm và theo dõi những bạn travel blogger khác. Thật sự lúc đó mình không biết công việc này là gì, làm như thế nào. Sau khi lên mạng tìm hiểu và nhận thấy với định hướng này, tính chất công việc này... khả năng mình làm được. Vì thế mình quyết định sau khi hết Covid-19 sẽ đầu tư để đi theo con đường này.
Nói về quyết định ra Hà Nội làm việc và sinh sống, mình cũng gặp một số ý kiến vì mọi người ở quê, trong gia đình đều có xu hướng Nam tiến dễ hòa nhập hơn. Tuy nhiên thời điểm đó mẹ bảo mình cứ thử sức, nếu không trụ được Hà Nội thì về. Mình cũng chia sẻ thẳng thắn với mẹ rằng nếu nghe lời mẹ hoặc anh chị, lúc thất bại mình có thể đổ lỗi, trách móc mọi người. Chính vì thế việc quyết định theo lựa chọn của mình thì bản thân mình chẳng thể trách được ai cả.
PV: Lúc làm travel blogger, bạn thấy công việc này có gì khác so với những tưởng tượng, suy nghĩ của mình về nó?
Blog của Rọt: Mình nghĩ nó vẫn thế, không khác biệt quá nhiều. Các chuyến đi trước đây của mình đều có mục đích là trải nghiệm và chia sẻ, bây giờ vẫn vậy. Tuy nhiên khi làm travel blogger, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, mình đầu tư hình ảnh, nội dung nhiều hơn. Trước đây mình chỉ chụp ảnh bằng điện thoại, bây giờ có máy ảnh, flycam,... dựng video chỉn chu hơn, khai thác các câu chuyện mang tính bản sắc văn hóa, đặc trưng của từng địa phương để hấp dẫn, thu hút hơn.
PV: Rất nhiều người cho rằng travel blogger là được đi du lịch khắp nơi, trải nghiệm ẩm thực,... Đó có phải là tất cả?
Blog của Rọt: Điều này là đúng nhưng không phải là tất cả. Nếu người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ là các travel blogger dành khá nhiều thời gian để đi du lịch, chụp ảnh rồi đăng lên. Thế nhưng với mình, lúc làm sẽ phải có sự chuẩn bị, tìm hiểu xu hướng để đón đầu. Ví dụ chuẩn bị có mùa hoa mận ở Mộc Châu, mình sẽ đi sớm hơn một chút từ đó để chia sẻ kinh nghiệm về đi lại, chỗ lưu trú, ăn uống... cần lưu ý những gì.
Ngoài ra mình thích khám phá, tìm hiểu những địa điểm, bản làng ít người biết. Mình đầu tư thời gian, khai thác các câu chuyện văn hóa, lịch sử... mang tính bản sắc địa phương để nội dung có chiều sâu hơn, thu hút hơn. Để có được một bài đăng trên mạng xã hội sau khi đi về cần chọn lọc hình ảnh, suy nghĩ nội dung phù hợp. Thường trong quá trình trải nghiệm có ý tưởng nào mình đều ghi chú lại và sau khi trở về sẽ sắp xếp chúng thành một câu chuyện.
PV: Bạn còn nhớ chuyến đi xa đầu tiên của mình?
Blog của Rọt: Chuyến đi xa đầu tiên của mình là Hà Nội. Lúc còn là sinh viên mình có đi làm thêm nên tích lũy được ít tiền. Chính vì thế một ngày đẹp trời mình đặt vé đi Hà Nội và là chuyến đi không hề có kế hoạch, không dự tính điều gì, chỉ đi và đi.
Ngày 3/5/2018, mình có chuyến đi với những kỷ niệm khó quên như delay 2 tiếng và Hà Nội đón mình bằng cơn mưa tầm tã. Sau khi về khách sạn cất đồ thì mình đi ăn phở (cười), tiếp đó đi ra Hồ Gươm ngắm Tháp Rùa. Cảnh đêm Hà Nội đẹp vô cùng, đèn điện lung linh, không khí mát mẻ. Lần đầu tiên đến đây nhưng mình có cảm giác rất thân thuộc. Sau đó nhờ mạng xã hội mình quen một bạn và được dẫn đi chơi quanh Hà Nội, đi uống cà phê trứng... Loanh quanh ở phố cổ mình cảm thấy rất tò mò tại sao các con phố đều bắt đầu từ chữ Hàng như Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Nón... Sau 3 ngày 2 đêm ở Hà Nội, mình trở về Đà Nẵng.
PV: Tính đến thời điểm hiện tại bạn đã đi được bao nhiêu tỉnh thành của Việt Nam, địa điểm nào để lại ấn tượng sâu sắc hoặc kỷ niệm đáng nhớ nhất?
Blog của Rọt: Đến thời điểm hiện tại mình đã đi qua hơn 40 tỉnh thành của Việt Nam. Mình có một chuyến đi khá đáng nhớ nhưng lại là kỷ niệm không vui lắm. Đó là năm 2020, chuyến đi Mù Cang Chải với một bạn kết nối trên mạng xã hội. Lúc đến Đồi Móng Ngựa, trời vừa mưa xong, chưa làm đường nên thuê xe ôm chở lên. Vừa chơi được một lúc thì trời mưa và tối hẳn. Mình gọi bác xe ôm lên đón nhưng đường trơn, nhiều bùn lầy quá nên chỉ chở được 1/4 quãng đường, còn lại mình đi bộ xuống.
Vì lần đầu tiên xuống núi với con đường đầy bùn lầy, trơn trượt nên mình bị ngã mấy lần. Khi ngã lần 1, lần 2, mình còn vội vàng đứng lên vì sợ bẩn đồ nhưng ngã lần 3, lần 4, lần 5... thì mình không còn sức lực nữa. Lúc đi xuống và thấy đường quốc lộ, mình thấy như được sống lại. Và người bạn đồng hành vẫn đang đợi mình ở đó.
Lúc đi về khách sạn, bà chủ thấy quần áo của mình bẩn quá nhất quyết không cho đi vào. Mình phải tìm chỗ để rửa trước rồi mới được đi vào phòng. Cả buổi tối mình vừa giặt đồ, giặt giày, sấy khô và sáng mai lại đi chơi tiếp. Mình xác định rằng khi đã đi chơi sẽ luôn sẵn sàng đón nhận tất cả các trải nghiệm kể cả tốt hay xấu. Đương nhiên ai cũng mong muốn có chuyến đi tốt, còn nếu không tốt cũng đối diện thôi, từ đó có thêm kinh nghiệm, bài học để đối đầu với những tình huống tiêu cực.
Ngoài ra còn có chuyến đi một mình lần đầu tiên là Y Tý. Lúc lên đó cũng khá xa xôi, hẻo lánh nên thấy mình khá liều và lo. May mắn lên đó thấy cảnh quan đẹp quá nên cũng bớt lo lắng. Mình nghĩ rằng đi du lịch một mình hay du lịch cùng nhóm đề có điều thú vị riêng, tuy nhiên nếu đi một mình khi gặp điều không may dễ ảnh hưởng tâm lý. Vì thế mọi người nên đi theo nhóm, khoảng 4-6 người là phù hợp nhất.
Chuyến đi An Giang cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trước khi đi mình lên kế hoạch sẽ ghé thăm những địa điểm nào, đặc sản nào. Tuy nhiên khi đến An Giang và đi cùng một bạn là người ở đây, bạn ấy dẫn mình đi thăm làng Chăm Châu Phong – một địa điểm mình chưa hề nghe đến và cũng không có trong kế hoạch. Nơi đó có khoảng 30.000 người Chăm sinh sống và phải đi phà mới đến được. Ở đó mọi người mặc đồ truyền thống, 100% theo đạo Hồi. Ban đầu mình cũng khá lo lắng nhưng vì có bạn đi cùng nên đỡ hơn (cười). Mình đến thăm một ngôi nhà làm thổ cẩm, trong nhà có một nơi rất đẹp để khách du lịch chụp ảnh kỷ niệm. Trong làng còn có nhà thờ và dạy tiếng đồng bào cho trẻ em để bảo tồn văn hóa. Mọi người sống trong ngôi nhà sàn bằng gỗ hướng về phía Nam, có cầu thang là đặc trưng của người dân tộc Chăm.
Đến đó, mình thấy các em nhỏ đang chơi sỏi (hay còn gọi là thảy đá) liền sà vào chơi chung, cảm giác rất bình yên như được trở về với tuổi thơ. Đến gần trưa, người bạn dẫn đi ăn bánh bò, mình được lắng nghe câu chuyện của cặp vợ chồng nghèo, không có con, sống bằng nghề bán bánh bò. Nhìn nồi làm bánh đã rất cũ, lâu lắm chưa được nâng cấp của gia đình cô mình rất thương. May mắn sao cùng lúc đó có lãnh đạo địa phương đến và nói rằng sắp tới sẽ hỗ trợ cô nâng cấp lò bánh vừa để quảng bá hình ảnh địa phương, phát triển du lịch. Nghe đến đây mình rất vui, không phải là trường hợp của mình nhưng vui lây niềm vui của cô chú.
PV: Facebook, YouTube, TikTok... phát triển khiến nhà nhà, người người đua nhau làm travel blogger, bạn có lời khuyên gì?
Blog của Rọt: Mình nghĩ công việc làm này là làm tự do nhưng hãy tự đặt cho mình kỷ luật. Thứ hai cần đòi hỏi sự kiên trì, liên tục, lâu dài, không thể hôm nay mình đăng một bài mười ngày sau đăng một bài.
Thứ ba cần có dấu ấn cá nhân, đừng chỉ đi theo cái mà người khác đã làm và thành công. Mình có thể đi theo xu hướng đi du lịch, nấu ăn... nhưng phải có sự khác biệt sẽ khiến mọi người nhớ đến nhiều hơn. Công việc nào cũng sẽ có khó khăn, nếu tố may mắn cũng quan trọng, nếu có được thì tốt còn nếu không gặp được may mắn thì hãy cố gắng, nỗ lực. Nếu mình có đủ năng lực, đam mê thì sẽ thành công.
- Cảm ơn những chia sẻ của bạn!
Bài viết: Đoàn Hòa - Ảnh: Đoàn Hòa,