Đất Sài Gòn xưa ven đường Võ Văn Kiệt (Quận 8, TP Hồ Chí Minh) là nơi tập trung nhiều hộ sản xuất đồ gốm lâu đời. Vì lẽ “buôn có bạn, bán có phường” nên họ mở nhiều cơ sở làm chén, đĩa, bình sứ, lò đất san sát nhau. Sau này quy hoạch lại, những con đường thẳng tắp, các tòa nhà nối đuôi nhau mọc lên, khu làng gốm bị giải toả.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, từng mở cơ sở tại đây cho biết: “Khu Xóm Lò Gốm nằm gần chân cầu Lò Gốm xưa đông đúc lắm, người ta tập trung từng hộ sản xuất. Xưa tôi còn bé khi đi học về rất thích ra đây lấy đất nặng đồ hàng.”
Sau khi giải tỏa nhiều hộ đổi nghề, số khác di dời cơ sở nối tiếp cái nghề - cái nghiệp đã truyền bao đời. Cơ sở sản xuất bếp lò đất của xưởng ông Sáu Mạnh tọa lạc tại ấp 1 xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP.HCM là nơi hiếm hoi còn giữ nghề tạo “Ông Táo” của khu xóm nhộn nhịp khi xưa.
Một thời để nhớ
Một thời Xóm Lò Gốm vang danh tại Hòn ngọc Viễn Đông, là thương hiệu có tiếng mà thương nhân gần xa ùn ùn kéo đến. Theo lời kể của ông Mạnh không biết rõ cái nghề này từ bao giờ, chỉ nghe ông cha kể lại lúc xưa khi người Tiều đến mảnh đất này họ lấy nghề làm gốm làm kế sinh nhai.
Dân mình học theo, tự mở các cơ sở san sát nhau. Có người làm đĩa, làm bình sứ, nặn bếp lò… Gia đình ông Mạnh khi đó mở lò gạch, truyền từ đời ông nội đến cha của ông. Đến năm 1980 chuyển sang làm lò Táo Quân, đây cũng là khoảng thời gian ông Mạnh chính thức nối nghiệp nặn đất.
Sau hơn 20 năm vào nghề, đến năm 2005 vùng đất Xóm Lò Gốm quy hoạch xưởng Sáu Mạnh dời về Bình Chánh tiếp nối cái nghề bao đời. “Tôi dời về đây cũng được 18 năm rồi, nhân công từ vài chục người giờ chỉ còn lại 3 thợ, toàn là anh em gắn bó hơn 10 năm cả”, ông Mạnh bùi ngùi.
Hơn 20 công đoạn để cho ra bếp lò hoàn chỉnh
Một cái bếp lò thân quen, đơn giản nhưng lại phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là trộn đất, rồi đến tạo khuôn, đắp lò… Theo người thợ lâu năm đất và tro trấu được trộn tỉ lệ thích hợp thì thành phẩm mới trơn láng, khi nung không dễ nức.
Giữa cái nắng trưa ôi ả, âm thanh ken két, ình ình của máy trộn kéo dài không dứt. Đối với người thợ nơi đây họ đã nằm lòng thanh âm ấy như người dân chài quen tiếng sóng vỗ. Mỗi khi máy dừng lại người thờ hào hứng xoay quanh mẻ đất mới tinh còn vương mùi bùn.
Kế tiếp nhân công sẽ chia nhau ra nặn đất, làm lò, tạo chân… Thành phẩm được lấy ra hơi nắng. Sau một ngày cứng lại được gắn 3 chân rồi tiếp tục phơi. Trước khi vào lò nung bếp được phơi từ 3 -5 ngày, để bếp khô, cứng đều còn cần ủ bạc lên trên.
Cắt gọt là phần quan trọng không thể thiếu. Không phải người thợ nào cũng làm được công đoạn này, chỉ những “người nhà nghề” có kinh nghiệm lâu năm mới đảm đương được công việc ấy. “Nhìn đơn giản nhưng phải canh tỉ mỉ và gọt đều tay thì bếp lò mới vuông vức được”, ông Hoa người thợ với hơn 14 năm kinh nghiệm cho hay.
Sản phẩm sau khi hoàn thiện về mọi mặt sẽ được đem vào lò nung. Để tiết kiệm chi phí lò nung nhà ông Mạnh một tháng sẽ đỏ lửa hai lần, một lần sẽ sếp 8 hàng, 9 dây là đầy. Nhiên liệu ông chọn là trấu vì giá thành rẻ và có thể tận dụng tro để tiếp tục sản xuất.
Mỗi khi cột khói đen tuyền nghi ngút xông thẳng vào trời xanh người dân xung quanh biết ngay nhà ông Mạnh đang nung lò. Để chiếc bếp có màu nâu vàng rực rỡ thì phải nung liên tục trong 30 giờ.
Hiện xưởng gốm Sáu Mạnh chỉ còn lại 3 người thợ và 3 nhân công phụ việc. Mỗi thợ sẽ tạo được khoảng 30 sản phẩm một ngày. Từ lúc trộn đất đến thành phẩm có thể tới tay người tiêu dùng thì khoảng 3 tuần.
Nguy cơ thất truyền không người nối nghiệp
Tất cả các nghề đều bình đẳng, không nghề nào cao quý hơn nghề nào. Tuy nhiên giữa thành phố hoa lệ bật nhất Việt Nam, nhiều người ngại “lấm lem bùn đất”, họ đã quen với ánh đèn xa hoa hào nhoáng của phố thị.
Hiện tại đã ở tuổi 62 nhưng ông Sáu Mạnh vẫn chưa có người nối nghiệp. Nói về hai cậu con trai, ông Mạnh bật cười kể: “Hồi tụi nó còn đi học lâu lâu có về phụ tôi, như trẻ con ham thích thú vui thôi chứ cũng không có đam mê với nghề. Giờ đứa nào cũng có gia đình, có nghề nghiệp riêng sao bảo về đây nặn đất được.”
“Giờ tôi còn khoẻ mạnh, còn yêu nghề thì vẫn còn làm. Tới đâu tính tới đó”, Sáu Mạnh bộc bạch. Cái nghề cũng không khá giả mấy, vẫn đủ di trì cuộc sống nhưng đã gắn bó hơn 40 năm thì nó không còn là yêu nghề, nặn đất với ông giống mạch máu chảy qua từng thớ thịt.
Làng nghề chân truyền nặn lò đất không rực rỡ như chiếc lư đồng ánh vàng trong nắng. Nó cũng chẳng thoảng hương quế khâu bên gió của mùi bột nhang. Làm gốm là phải đen màu đất, nặng mùi bùn. Ấy vậy mà đâu đó vẫn có những nghệ nhân nhiệt huyết với nghề, trân trọng - giữ gìn cái nôi mưu sinh mà ông cha truyền lại bao đời.
Bài và ảnh: Y Thanh - Lưu Duyên
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/nguy-co-that-truyen-nghe-nan-bep-tao-quan-tram-nam-tai-dat-sai-thanh-a2240.html