Người thợ cuối cùng bên khung dệt “cổ lỗ sĩ”: Ngày làm được 320m, lay lắt sống qua ngày

Đất Sài Thành xưa từng có làng dệt Bảy Hiền nức tiếng Nam Kỳ lục tỉnh. Ngày nay ngôi làng chỉ còn lại vỏn vẹn 1 hộ ì ạch bên khung cửi gỗ mà thu nhập cũng chỉ vừa đủ sống.

Khu vực ngã tư Bảy Hiền, dọc các tuyến đường Võ Thành Trang, Nguyễn Bá Tòng, Năm Châu… thuộc địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM là nơi hiện diện của làng dệt truyền thống giữa lòng đô thị phồn hoa. Thế nhưng làng dệt Bảy Hiền từng nức tiếng gần xa ngày ấy giờ cũng chỉ còn một hộ gắn bó với cỗ máy dệt “cổ lỗ sĩ”. Nhịp lao động hối hả sáng tối cùng âm thanh xình xịch phát ra từ những cỗ máy dệt vải truyền thống giờ cũng chỉ còn là dĩ vãng...

86ee266ac4d8108649c919-1697102875.jpg
Cơ sở dệt trên đường Nguyễn Bá Tòng. 

Một thời huy hoàng giữa lòng phố thị phồn hoa 

Trước giải phóng, vào những năm 1950 - 1960, đất Quảng Nam bị chiến tranh tàn phá, thiên tai liên miên khiến người dân ăn không đủ no, làm không đủ sống. Một số người “dứt ruột” xuôi Nam về vùng đất Bàu Cát (quận Tân Bình). Họ tập trung lại với nhau thành một “xứ Quảng” thu nhỏ tại đất Sài thành. 

Ban đầu người dân mưu sinh bằng đủ các loại nghề từ chạy xích lô, bán mì Quảng, gánh hàng rong… Dần dần nhiều người muốn cái nghề “tạo tơ dệt lụa” được tiếp tục tại đất khách. Ban đầu lúc chưa có khung cửi họ phải tìm đến các thợ mộc đặt hàng, sử dụng loại khung truyền thống của vùng Quảng Nam. 

Khởi nghiệp thành công, việc sản xuất ăn nên làm ra giúp những hộ dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn. Nhiều xưởng dệt mọc lên giữa phố Sài Gòn sầm uất, đỉnh điểm có đến 1.700 hộ ì ạch sáng tối bên khung cửi. 

44f9cc5864e4b0bae9f5-1697103065.jpg
Người thợ túc trực bên khung dệt, tỉ mỉ canh từng đường tơ.

Thời hoàng kim độ những năm 80 - 90 của thế kỉ trước khi mà danh tiếng của làng dệt Bảy Hiền đã vang xa. Lúc ấy do chất liệu vải được nhập từ nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản nên rất được ưa chuộng. Những sản phẩm làm ra một phần xuất khẩu đi nước ngoài, phần còn lại bán cho tiểu thương người Hoa, đầu mối khu Chợ Lớn để nhuộm rồi đến tay người tiêu dùng. 

Bấy giờ làng dệt là nơi sản xuất vải lớn nhất cả nước. Gần 4.000 lao động thủ công ngày đêm túc trực mang đến 35 triệu mét vải mỗi năm. Đặc biệt làng từng đóng góp 75% GDP cho quận Tân Bình vào độ những năm 1980. Những gia đình mở xưởng đều sống sung túc, có họ cho con em học đại học và cả du học nước ngoài.  

Những nấc thang thăng trầm 

Sau năm 1993 đến độ năm 2001 trở về sau làng dệt Bảy Hiền dần mất đi vị thế trên thị trường. Hàng may mặc quốc tế đặc biệt là Trung Quốc tràn vào với giá rẻ, mẫu mã đa dạng thu hút người tiêu dùng. 

Nhiều hộ tại làng mạnh dạn thay khung dệt gỗ bằng máy kim, hơi nước, đổi mới cách sản xuất nhưng vẫn không tìm thấy lối ra. Nghề dệt với khung cửi truyền thống dần mai một, nhiều cơ sở bỏ sản xuất đóng cửa, thợ thủ công bỏ nghề. 

Theo bà Trương Thị Hoa (62 tuổi) chủ cơ sở sản xuất lâu đời cho biết một phần vì vải dệt ra chỉ thuần trắng, không có hoạ tiết nên không theo kịp thị trường. Cung vượt cầu, cạnh tranh tràn lan cũng khiến cái nghề truyền đời đang "chết" dần.

Ngoài ra, do sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại cũng khiến nghề dệt với khung gỗ truyền thống mai một đi. Bởi ngày nay có nhiều máy móc hiện đại hơn, cần rất ít nhân công để tạo ra sản phẩm, giá thành cũng rẻ hơn hẳn. Trong khi đó, với nghề dệt thủ công, các xưởng đều phải cần nhiều người đứng máy mà sản phẩm làm ra lại không nhiều. Công việc vất vả mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Thế cho nên việc giữ được làng nghề là rất khó. Đặc biệt là người trẻ chẳng mấy ai theo nghề này nữa.

404b2cddcc6f1831417e10-1697422724.jpg
Khung đệt chạy liên tục nhưng cái nghề đang dần mai một.

Người thợ cuối cùng bên khung cửi gỗ 

“Trên khắp con đường này hay cả cả quận này chỉ còn có một nhà của cô là còn giữ cái nghề này, còn khung dệt gỗ truyền thống”, cô Hoa chia sẻ. Theo nghề vào lúc 12 tuổi nhưng từ nhỏ cô Hoa đã lớn lên cạnh khung cửi. Theo câu nói của người xưa “buôn có bạn, bán có phường” nên trước kia khu quanh xóm nhà cô Hoa tập trung đông đồng nghiệp lắm, nhưng giờ chỉ còn lại mỗi nhà cô. 

Vào những năm trước nhà cô Hoa còn lại 20 chiếc khung dệt gỗ, nay chỉ độc 4 chiếc cuối cùng. “Chạy liên tục một ngày thì một máy được 80 mét, bốn máy vị chi là cũng được 320 mét, cũng đủ sống thôi”, cô Hoa bộc bạch. 

aa30b7f8694abd14e45b3-1697102874.jpg
Một tấm vải trải qua nhiều công đoạn.

Tuổi cũng đã cao, hiện con trai cô Hoa là người nối nghiệp trong gia đình nhưng giá cả bấp bênh cũng làm anh mất lửa với nghề. Được biết gia đình đã chuyển đổi từ sản xuất vải đồng phục sang vải lót nhưng giá thành vẫn chỉ đủ di trì cuộc sống. 

Nghề nào cũng có cái khó riêng, dệt vải cũng vậy. Tuy đã tiên tiến hơn dệt tay ngày xưa nhưng người thợ luôn phải túc trực bên máy, canh từng đường chỉ nếu đứt phải nối lại ngay không sẽ hỏng cả tấm vải. Phải thực sự trân quý nghề lắm người ta mới có thể quen được tính đặc thù của công việc vất vả này.

Trong xã hội phát triển hiện đại thì một góc nhỏ nào đó tại thành phố hoa lệ vẫn có những con người nhiệt huyết với nghề truyền thống. Họ giữ, truyền lửa của mình để bảo tồn một truyền thống văn hoá dân tộc lâu đời cũng như cái nghề mà ông cha để lại. Làng dệt Bảy Hiền vẫn luôn là dấu ấn kinh tế - nét đẹp làng nghề Việt của người dân xứ Quảng tại đất Sài Thành. 
 

Bài và ảnh: Thanh Thuy - Lưu Duyên

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/nguoi-tho-cuoi-cung-ben-khung-det-co-lo-si-ngay-lam-duoc-320m-lay-lat-song-qua-ngay-a2192.html