Hành trình trao gửi sự yêu thương của lão võ sư U80
Người mà chúng tôi nhắc đến trong bài viết này là võ sư Thanh Loan (sinh năm 1947). Ở tuổi U80 nhưng hiện hàng ngày cô vẫn cần mẫn trong bộ võ phục, để truyền thụ võ thuật của mình cho những học trò đặc biệt.
Cơ duyên để cô đến với lớp võ cũng hết sức tình cờ. Đó là vào năm 2005, khi được phân công giảng dạy bộ môn Aikido cho người khiếm thị, cô Loan ban đầu đã khá bối rối trước một “thách thức” khó nhằn. Thế nhưng, chỉ với một cái nắm tay và câu nói của bạn võ sinh “làm sao mà con có thể học được võ hả cô?” đã khiến cô quyết tâm hơn. Ngay từ khoảnh khắc ấy, cô Loan đã dùng cả khối óc và con tim để tìm tòi nghiên cứu các phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm giúp cho những võ sinh đặc biệt của mình được tiếp cận đến bộ môn Aikido.
“Hành trình yêu thương” này đã có một bước ngoặt vào một buổi chiều mưa. Cô Loan nhớ lại: “Hôm ấy là một chiều mưa, khi đã tan lớp, có một phụ huynh dắt đứa con bị bệnh Down đến xin được tham gia lớp. Lúc ấy tôi đã từ chối, vì trước giờ chưa từng dạy qua những em thuộc đối tượng này. Người mẹ lộ rõ gương mặt buồn bã, còn đứa trẻ thì đột nhiên rơi lệ. Đêm hôm ấy tôi đã mất ngủ, vì cứ nhớ đến biểu hiện gần như tuyệt vọng của hai mẹ con khi bị từ chối. Từ chính thời điểm đó, tôi và chồng (cố võ sư Đặng Văn Phát) đã quyết định xin phép Trung Tâm Thể Dục Thể Thao Quận 3 thể nghiệm mang môn võ Aikido đến các đối tượng đặc biệt”.
Chính từ lần quyết định ấy, vị lão võ sư với tấm lòng nhân ái, đã dang đôi tay ấm áp của mình để giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn. Nhờ có cô những con người đặc biệt ấy được hòa nhập với cuộc sống đời thường, điều mà trước đó không dễ gì làm được.
Phá bỏ rào cản “đặc biệt”
Những võ sinh trong lớp đều mắc chứng tự kỷ và Down, chính vì vậy phương pháp giảng dạy cũng cần phải phù hợp cho từng đối tượng cụ thể. Trong quá trình giảng dạy, vị võ sư U80 đã phải tìm hiểu và học hỏi khắp nơi về tâm lý và phương pháp giáo dục để áp dụng cho học trò của mình.
Để hướng dẫn cho những em võ sinh “đặc biệt” là cả một hành trình không mấy dễ dàng. Bởi lẽ, độ tiếp thu của những võ sinh kém may mắn này không cao. Các động tác dù là đơn giản nhất đối với người bình thường chỉ mất vài ngày có thể thuần thục thì với những võ sinh ấy, đơn vị thời gian có thể lên đến hàng tháng hoặc hàng năm trời. Vì thế trong lớp Aikido, không thiếu những học trò đã tập luyện hàng chục năm thậm chí gần 20 năm dưới vòng tay ấm áp của võ sư Thanh Loan.
Quan sát từ lớp võ, cô Loan và trợ giảng phải khá vất vả để miêu tả và thị phạm động tác cho từng bạn một. Chỉ với một động tác té ngã nhưng có khi vị võ sư lớn tuổi phải miêu tả và thị phạm đến hơn 10 lần. Hay đôi lúc có một số học trò đang tập lại “lang thang” nơi khác, khiến cô phải đi theo kéo vào lớp học.
Chia sẻ với Vietnam Travel, cô Loan tâm sự: “Dạy cho các đối tượng chuyên biệt là điều khó khăn, đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và phương pháp riêng. Trong đó mình phải tìm tòi và hiểu được thế giới quan của những em này, để có thể giao tiếp với các em. Đồng thời phải đặt tình thương yêu của mình vào mỗi đứa trẻ, xem chúng như những đứa con của mình. Có như vậy những học trò đó mới nghe lời và hiểu được mình”.
Với tình yêu thương vô bờ bến dành cho những học trò kém may mắn. Cô Loan và cố võ sư Đặng Văn Phát đã vượt qua những rào cản vô hình nhưng đầy thử thách, luôn kiên định, luôn cố gắng để có thể truyền tải không chỉ võ học mà còn là tình cảm, sự yêu thương đến các võ sinh đặc biệt.
Mang đến cho đời những quả ngọt
Hơn 20 năm đồng hành cũng những học trò đặc biệt này, cô Loan đã giúp cho nhiều mảnh đời kém may mắn có cơ hội hòa nhập với cuộc sống. Nhiều em ban đầu không thể cử động bình thường, nói chuyện khó khăn, song qua quá trình tập luyện, các em không chỉ có thể học được những thế võ tự vệ, mà từ đó còn có thể cải thiện tình trạng và hòa nhập với xã hội tốt hơn.
Theo ông P. (phụ huynh của em M.) chia sẻ: “Con tôi bị tự kỷ, trước đây khi chưa tham gia lớp võ này, bé khá nhút nhát. Nhưng từ khi tham gia học võ ở đây, bé đã cải thiện rõ, bé hoạt bát hơn hẳn cũng như có thể nói chuyện được với người khác và biểu lộ tình cảm”.
Cũng có con theo học tại lớp võ "đặc biệt" này, ông D. (phụ huynh của em H.) bộc bạch: “Tham gia lớp học này, con của tôi được rèn luyện về sức khỏe, cũng như được tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Nên tình trạng bệnh Down cũng vì vậy mà được cải thiện”.
Khi nói về dự định tương lai của lớp võ mình, lão võ sư chỉ có một mong ước, đó là có thể đào tạo tạo đội ngũ có thể thay thế mình, giúp duy trì và phát triển những lớp võ "đặc biệt" này trong tương lai.
Hành trình đồng hành cùng những “đồ đệ đặc biệt” tuy lắm vất vả và mất nhiều công sức, với giáo án dùng để dạy các em là tình yêu thương vô hạn. Dù tuổi đã cao, nhưng lão võ sư U80 này vẫn luôn cần mẫn gửi trao yêu thương, gieo vào các em một niềm hy vọng, tuy nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa.
Cô Loan còn hay gọi những học trò của mình với biệt danh là “những hạt mưa và hạt nắng tình cảm” vì tính khí thất thường của học trò mình, khi khóc khi cười bất chợt. Cô vẫn còn nhớ như in khi thầy Đặng Văn Phát vừa qua đời. Hôm ấy sau giờ tập, nhóm võ sinh tự động đồng thanh “con nhớ thầy” rồi bật khóc trước mặt cô, một khoảnh khắc mà cô không thể nào quên!
Phúc Nguyễn
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/lao-vo-su-u80-va-hanh-trinh-gan-20-nam-dong-hanh-voi-nhung-do-de-dac-biet-a2149.html