Cao Bằng là tỉnh miền núi Đông Bắc, phía tây giáp 2 tỉnh là Hà Giang và Tuyên Quang, phía nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn, phía đông bắc giáp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc theo đường biên giới dài 333km. Địa hình đồi núi trùng điệp tạo cho Cao Bằng nhiều điểm du lịch đẹp như thác Bản Giốc, hồ Thăng Hen, núi Thủng…
Mới đây trong hành trình xuyên Việt của mình, travel blogger Nguyễn Thanh Tính (biệt danh Tính Tung Tăng) cùng bạn mình đã có những trải nghiệm thú vị tại Cao Bằng.
Nếu bạn muốn đến Cao Bằng, hãy kham thảo lịch trình của Nguyễn Thanh Tính nhé:
Ngày 1:
Nơi ở: Thanh Tính lựa chọn Eco House Homestay.
Nhóm ăn sáng đơn giản với món xôi trám đặc trưng địa phương, 10.000 đồng/người.
Làng hương Phia Thắp: Nhóm chọn thuê xe máy để di chuyển đến các điểm tham quan vì vừa muốn đi vừa ngắm cảnh quan hai bên đường. Giá thuê xe là 150.000/ngày, tại homestay. Theo Tính, nếu không muốn đi xe máy có thể lựa chọn đi xe ô tô đều dễ dàng vì đường rộng rãi, bằng phẳng.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình là làng hương Phia Thắp, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 35km, trên đường đến huyện Trùng Khánh. Từ QL3, đi thẳng, bạn sẽ thấy một ngôi làng nằm dưới chân núi Phà Hùng (núi To) ở xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên. Làng Phia Thắp yên bình, đậm nét văn hóa truyền thống với những ngôi nhà sàn đặc trưng của người dân tộc thiểu số. Hơn 50 hộ dân ở đây vẫn giữ nghề làm hương sạch, thủ công từ lâu đời.
Người dân thường thức dậy từ khi trời chưa sáng rõ, lên rừng chặt tre về chẻ rồi vót thành từng que nhỏ và tròn đều. Người thì đi hái lá cây bầu hắt về phơi khô, tán nhỏ để làm chất keo kết dính, người lại đi gom vỏ cây nghiến đỏ, cây mạy khảo hay mùn cưa để làm bột hương, tìm gỗ thông mục nghiền nát để tạo màu. Sau cùng, họ nhúng que hương vào chất keo dính rồi lăn qua hỗn hợp mùn cưa và trầm 4 lần.
Thác Bản Giốc: Tiếp đó, Thanh Tính cùng bạn di chuyển đến thác Bản Giốc, nằm ở Đàm Thủy, Cao Bằng, cách Hà Nội khoảng 335km và trung tâm TP. Cao Bằng 85km. Đây là một trong những thác nước nổi tiếng, thuộc loại đẹp nhất thế giới bởi sự hùng vĩ của dòng nước. Cảnh quan ở đây rất đẹp, cứ ngỡ đang lạc vào xứ thần tiên vậy.
Thanh Tính còn nhấn mạnh thêm rằng du khách nên đến thác Bản Giốc trong khoảng 10h30-13h vì đây là thời điểm thượng nguồn nên dòng thác chảy mạnh hơn.
Tại đây, Thanh Tính chụp ảnh, đi thuyền ở phần thác phía Việt Nam trong gần 2 tiếng. Vé vào cửa khu du lịch là 40.000 đồng/người, thuê thuyền ra gần thác là 50.000 đồng/người.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc: Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc cách thác Bản Giốc khoảng 700m, thuộc xã Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng.
Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tạiu biên cương Tổ quốc, rộng khoảng 3ha.
Ngôi chùa tựa lưng vào núi Phia Nhằn nên có thể nhìn ngắm toàn cảnh thác Bản Giốc hùng vĩ, núi non điệp trùng từ trên cao: "Mình không biết có được chạy xe lên chùa không nên quyết định đi bộ lên. Đường đi dốc và khá mệt, bạn nên mua chai nước mang theo uống", Thanh Tính nói.
Ngoài ra, gần thác Bản Giốc còn có động Ngườm Ngao, cách thác khoảng 3km, cũng là địa điểm thu hút sự chú ý của du khách. Ngườm Ngao trong tiếng Tày có nghĩa là "hang hổ".
Hồ Bản Viết: Đầu giờ chiều, Thanh Tính và nhóm di chuyển đến hồ Bản Viết, cách thác Bản Giốc 18km, thuộc khu vực 2 xóm Bản Viết, Tân Phong, xã Phong Châu. Anh cho biết nên đến đây vào sáng sớm hoặc chiều tối sẽ mát mẻ hơn.
Đây là một hồ nước nhân tạo có diện tích rộng đến 5ha, được chia thành 4 nhánh và nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi trùng điệp cùng thảm thực vật phong phú, đa dạng.
"Hồ đẹp nhất vào tầm cuối tháng 10 vì lúc này nhiều lá cây chuyển sang màu đỏ", Thanh Tính chia sẻ.
Để tiết kiệm thời gian nên nhóm của Thanh Tính ăn trưa món phở tại quán ven đường có giá 50.000 đồng/người.
Hồ Thăng Hen: Hồ Thăng Hen thuộc xã Quốc Toản, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng.
Vẻ đẹp như tranh vẽ tại hồ Thăng Hen khiến cả nhóm bạn thích thú, muốn ngắm nhìn mãi. Non xanh nước biếc rất hữu tình, những đám mây bay lơ lửng bao quanh núi làm cho nơi đây càng thêm bí ẩn. Thanh Tính còn tiết lộ rằng đến hồ lúc mưa nhưng chính cơn mưa đã tô điểm thêm cho nơi đây nét huyền ảo.
Núi Thủng (hay còn gọi là núi Mắt Thần): Núi Thủng cách hồ Thăng Hen tầm hơn 3km, nằm tại xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Đây là điểm đến nổi bật của công viên địa chất Cao Bằng và được nhiều người gọi là "tuyệt tình cốc" bởi vẻ đẹp tự nhiên, hiếm có.
Núi Thủng nằm xen kẽ với các núi đá trập trùng, bên dưới được bao bọc bởi những vạt cỏ xanh mướt tạo nên vẻ đẹp nên thơ, bình yên như tranh vẽ.
Thanh Tính và nhóm bạn quay lại homestay lúc 18h30 và đi ăn tối món chân gà nướng tại quán Hồ Điệp ở gầm cầu Bằng Giang, trung tâm thành phố Cao Bằng: “Chân gà thơm ngon ăn rất tròn vị”, Thanh Tính nhận xét.
Ngày 2:
Ăn sáng: Nhóm bạn ăn phở chua đặc sản Cao Bằng. Phở chua đậm đà vị thịt ba chỉ rán, vịt quay, nước sốt chua ngọt, bánh phở dẻo thơm có chút giòn rụm của sợi khoai chiên. Gợi ý du khách có thể thưởng thức phở chua Quyên trên phố Lý Thường Kiệt.
Khu du tích Pác Bó: Đây là Khu du tích lịch sử cách mạng Quốc gia, thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố 45km về phía bắc, là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh.
Tại đây Tính tham quan suối Lênin và hang Pác Pó. Nước suối trong xanh có thể nhìn thấy tận đáy, không gian yên bình giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
Sau khi tham quan ở đây, Thanh Tính và bạn quay lại homestay, trả phòng và đợi xe di chuyển về Hà Nội. Anh cho biết tùy vào điều kiện thời gian bạn có thể sắp xếp các điểm đến linh hoạt, phù hợp hơn.
Đoàn Hòa
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/cao-bang-ngay-mua-dep-nhu-tranh-a2140.html