Mô hình “Thành phố không ngủ” trên thế giới
Trên thế giới, du lịch về đêm là hoạt động không còn quá mới mẻ. Khái niệm về “thành phố không ngủ” đã được hình thành từ cuối những năm 1970, đặc biệt là tại khu vực châu Âu.
Đơn cử như chuỗi sự kiện văn hoá buổi tối mùa hè tại thủ đô Rome (Italy) vào năm 1977 là một trong những sáng kiến đầu tiên về thành phố hoạt động 24 giờ. Tại đây, các hoạt động dịch vụ như ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch... sẽ mở cửa hoặc diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Tại Liên minh châu Âu (EU), hầu như các thành phố lớn đều có hoạt động về đêm phong phú, đa dạng. Ngoài Rome, nhiều thành phố khác cũng trở thành điểm đến quen thuộc của du khách quốc tế như London, Paris, Lyon, Manchester, Barcelona, Venice...
Phần lớn các quốc gia phát triển đều coi kinh tế ban đêm là một phần của nền kinh tế. Theo đó, họ tập trung phát triển các dịch vụ từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc; mua sắm tại chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24; chương trình giải trí, sự kiện, lễ hội, điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm...
Kinh tế ban đêm không chỉ phục vụ người dân bản địa mà còn thu hút lượng lớn du khách. Vì thế các nước có ngành du lịch phát triển mạnh đều tăng cường đầu tư vào du lịch đêm. Năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 133,3 tỉ EUR (tương đương 157 tỷ USD), chiếm khoảng 20% tổng giá trị ngành Du lịch và đóng góp 9,7% vào GDP của Pháp. Trong báo cáo gần đây của London First và E&Y đã đưa ra ước tính, khu vực kinh tế ban đêm của London có thể đóng góp gần 30 tỷ bảng mỗi năm vào đầu năm 2030. Đối với Nhật Bản, du lịch cũng đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của đất nước này. Năm 2018, du lịch đêm đã đóng góp khoảng 1,1% vào GDP của Nhật Bản, tương đương với 2,3 nghìn tỷ JPY (tương đương 21 tỷ USD).
Ở Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Singapore đã phát triển tốt mô hình du lịch dựa trên các hoạt động tổ chức sự kiện đêm, thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế tới vui chơi, nghỉ dưỡng. Thống kê năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 1,9 nghìn tỷ Baht (tương đương 63 tỷ USD), chiếm khoảng 11% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp khoảng 2% vào GDP của Thái Lan. Cũng theo thống kê năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 82,2 tỉ Ringgit (tương đương 20 tỉ USD), chiếm khoảng 20% tổng giá trị ngành Du lịch và đóng góp hơn 5% vào GDP của Malaysia.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, việc đa dạng các hoạt động giải trí về đêm giúp tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch quốc gia. Điển hình như Singapore nổi tiếng về các sản phẩm du lịch đêm thu hút lượng lớn khách quốc tế như Marina Bay Sands, Sentosa Island, khu vực quầy bar Clarke Quay... đóng góp đáng kể vào doanh thu du lịch của Singapore.
Việt Nam chú trọng, đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch đêm
Mục tiêu của việc chú trọng đưa các loại hình hoạt động giải trí về đêm ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… nhằm mang đến loại hình du lịch đa dạng, đặc sắc, bền vững. Đồng thời, có chất lượng và giá trị cao để khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam. Từ đó làm đòn bẩy tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế.
Điều này cũng góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Hiện nay ở nước ta, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi có loại hình hoạt động giải trí về đêm diễn ra nhộn nhịp nhất, thu hút bạn bè quốc tế.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện có những khu phố ẩm thực sôi động về đêm như: phố tây Bùi Viện, khu ẩm thực chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Q.10), phố ẩm thực Vĩnh Khánh (Q.4)... Bên cạnh những khu phố ẩm thực được bày bán tập trung thì các tour khám phá trung tâm thành phố: trải nghiệm đi thuyền ăn tối trên sông Sài Gòn, đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc... cũng là một trong những hoạt động thu hút khách du lịch khi đến TP Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội cũng có những khu phố đêm tấp nập du khách như “ngã tư quốc tế” phố Tạ Hiện, phố đi bộ Hồ Gươm, khu ẩm thực chợ đêm Đồng Xuân. Những nơi này không chỉ thu hút khách nội địa mà còn hấp dẫn du khách quốc tế đến vui chơi trải nghiệm nét ẩm thực Hà thành bên cạnh việc tham quan các di tích Thủ đô.
Đà Nẵng cũng phát triển khu phố đêm Phan Tứ, chợ đêm Đà Nẵng, phố cổ Hội An. Còn tại Nha Trang có chợ đêm Nha Trang Trần Phú, chợ đêm Tuệ Tĩnh,... luôn tấp nập, nhộn nhịp đón chào du khách thập phương ghé thăm, ăn uống vô cùng vui nhộn vào mỗi tối.
Từ những thế mạnh sẵn có ở các thành phố lớn của Việt Nam, Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm được Bộ VHTT&DL đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 12 tỉnh, thành có tối thiểu 1 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Mục tiêu xa hơn đến năm 2030, nước ta mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu; Phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông. Hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm rất riêng của Việt Nam.
Nhìn chung, khai thác sản phẩm du lịch ban đêm vẫn còn là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam ta. Các cơ quan liên quan vẫn rất cần khuyến khích phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm hấp dẫn, sáng tạo, đi đúng xu hướng thị trường và đáp ứng nhu cầu đa dạng của số đông du khách.
Ngân Trần - Tổng hợp
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/giu-chan-du-khach-khi-den-viet-nam-xay-dung-thanh-pho-khong-ngu-a2038.html