Nỗi niềm người “giữ lửa” nghề làm lồng đèn truyền thống: Dù khó khăn vẫn nỗ lực bảo tồn

Hiện nay, giữa muôn vàn lồng đèn điện tử với nhiều mẫu mã, nghề lồng đèn giấy kiếng tưởng đã mai một. Nhưng không, hiện vẫn còn nhiều nghệ nhân, bạn trẻ cần mẫn "giữ lửa" nghề bằng cả sự đam mê.

Nhắc đến Tết Trung thu là nhớ đến cảnh nhà nhà rủ nhau đi mua những chiếc đèn lồng. Có người dùng để làm quà cho con trẻ, cũng có người mua để tặng cho bạn bè, người thân... hay trang trí làm đẹp cho ngôi nhà.

toan-canh-anh-1695284832.jpg
Có chiếc lồng đèn, tết Trung thu mới được xem là trọn vẹn. Ảnh: N.V.C.C

Đèn lồng truyền thống - biểu tượng của Tết đoàn viên

Cứ vào dịp Trung thu, hình ảnh đẹp của văn hóa Việt Nam lại được tỏa sáng qua việc trang trí đèn lồng rực rỡ khắp phố phường. Trong bức tranh lễ hội này, không thể thiếu chiếc đèn lồng truyền thống, một biểu tượng vô cùng quý báu của Trung thu và văn hoá Việt từ xa xưa. Đèn lồng truyền thống cũng có nhiều hình dáng, kích thước và sắc màu đa dạng. Tuy nhiên, không có loại đèn lồng nào lại khiến người ta nhớ và yêu thích hơn loại đèn lồng ông sao. Trong trí nhớ tuổi thơ, đó chính là biểu tượng gắn liền với niềm vui của các em nhỏ.

Để tạo ra một chiếc đèn lồng, người thợ không chỉ kiên nhẫn, tỉ mỉ mà còn phải thật khéo tay. Việc làm đèn lồng thường bắt đầu với việc tạo khung tre và sau đó cẩn thận bọc giấy quanh khung. Nhưng cho dù đó là bước nào, nếu không có sự khéo léo và tinh tế, mọi công sức sẽ trở nên vô ích.

long-den-con-1695348020.jpg
Chiếc lồng đèn được làm thủ công. Ảnh: N.V.C.C

Trong những năm gần đây, đèn lồng đã có sự biến đổi đa dạng về kiểu dáng và chất liệu. Những chiếc đèn lồng chạy bằng pin hoặc làm từ nhựa đã xuất hiện tạo nên sự phong phú cho thị trường. Điều này khiến cho nhiều người nghĩ rằng nghề làm đèn lồng truyền thống đã bị lãng quên. Tuy nhiên thực tế vẫn tồn tại những người thợ đam mê, luôn nỗ lực để bảo tồn và phát triển nghề làm đèn lồng truyền thống. Họ không chỉ nâng cao tay nghề mà còn sáng tạo ra những chiếc đèn lồng độc đáo, thu hút ánh nhìn của mọi người.

Những người “giữ lửa” nghề làm lồng đèn truyền thống

Nghề làm đèn lồng truyền thống đã có tuổi đời hàng trăm năm nay. Phần lớn những người thợ làm đèn lồng được truyền nghề từ cha ông. Ở nhiều địa phương, đây còn được xem là công việc chủ chốt của họ, như xóm lồng đèn Phú Bình, quận 11, TP.HCM. 

Đến thăm xóm làm lồng đèn Phú Bình vào một buổi sáng đầy nắng, tôi cảm nhận được sự bận rộn của những nghệ nhân tại đây. Là một trong những hộ gia đình còn giữ nghề cho đến ngày hôm nay, hơn 40 năm qua, hai anh em nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành và Nguyễn Trọng Bình đều miệt mài trên những thân tre, vẽ từng nét màu để hoàn thiện chiếc lồng đèn.

chu-thanh-1695285017.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành trong khâu vẽ lồng đèn. Ảnh: Quang Huy

Theo nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình chia sẻ: “Ngày xưa ông bà ta chỉ làm các con giống là nhiều nhất, nhưng thời đại hiện tại phát triển nên mình theo chiều hướng mở rộng hơn, sáng tạo nhiều mẫu mã mới để đáp ứng thị hiếu người dùng".

Được biết, thời gian làm nên chiếc đèn lồng truyền thống tuỳ thuộc vào độ khó của từng mẫu mã. “Có mẫu chỉ cần 10 phút, nhưng cũng có mẫu phải vẽ nửa ngày mới xong. Chính vì vậy, giá thành của sản phẩm lồng đèn cũng khác nhau, dao động từ 20.000 - 200.000 đồng. Đặc biệt, có sản phẩm lên đến vài triệu đồng tùy theo kích cỡ và mẫu mã khách hàng đặt” - ông Nguyễn Trọng Thành chia sẻ.

long-den-con-cua-1695285203.jpg
Lồng đèn truyền thống được làm từ nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành. Ảnh: N.V.C.C

Nói về khó khăn khi những chiếc lồng đèn điện tử tràn ngập trên trên thị trường, ông Bình cho biết: “Lồng đèn điện tử đang bắt đầu theo mẫu mã các lồng đèn xưa, họ lấy những mẫu của mình để làm ra lại lồng đèn điện tử, hàng không phải thủ công. Nhưng chính điều đó thể hiện được lồng đèn truyền thống của mình có sự sáng tạo rất nhiều, đã đáp ứng nhu cầu thị trường”. 

Với ông Bình, cho dù cuộc sống hiện đại có khiến cho nghề làm lồng đèn truyền thống mai một đi thì ông vẫn phải cố gắng duy trì và không ngừng sáng tạo để đưa ra thị trường thêm nhiều mẫu mã mới, đẹp mắt hơn. Hơn hết với gia đình ông Bình, lưu truyền nghề làm lồng đèn không chỉ vì mưu sinh mà còn là đam mê của cả cuộc đời họ. 

294758407-11144448830643Những món đồ chơi trung thu truyền thống. Ảnh: N.V.C.C8-4715859243322285354-n-1695285276.jpg
 

Ngoài những nghệ nhân ở xóm làm lồng đèn Phú Bình, hiện nay vẫn còn nhiều bạn trẻ tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống bằng tình yêu và niềm tự hào nghề truyền thống của cha ông. 

Không xuất thân trong gia đình làm nghề thủ công, nhưng lại có tình yêu đặc biệt dành cho lồng đèn, chị Nguyễn Thị Kim Thủy cùng các bạn sinh viên trường Đại học Kiến Trúc đã sáng lập xưởng thủ công "Khởi đăng tác khí" với mong muốn được chung tay giữ gìn, phát huy những giá trị Việt. 

toan-canh-long-den-1695285364.jpg
Nhiều mẫu mã lồng đèn Trung thu truyền thống được kiến tạo đẹp mắt tại xưởng của chị Thuỷ. Ảnh: N.V.C.C

Chị Thủy cho biết quá trình làm nên những chiếc lồng đèn đặc biệt này bắt đầu từ việc uốn thanh trúc thẳng bằng nhiệt để tạo các đường cong và lắp ráp thành hình dáng cơ bản. Sau khi hoàn thiện khung tiếp tục dán giấy kiếng lên bề mặt. Cuối cùng, phải tạo các họa tiết trang trí trên lồng đèn. Mỗi công đoạn, dù nhỏ, đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, thông qua bàn tay khéo léo của người thợ. Để hoàn thành một sản phẩm có khi mất 30 giờ làm việc.

chan-dung-nhan-vat-1695348784.jpg
Chị Nguyễn Thị Kim Thủy khéo léo trong các công đoạn. Ảnh: N.V.C.C

Mặc cho khó khăn, công việc này đã mang lại thu nhập đáng kể cho hai vợ chồng. Giá của từng sản phẩm có khoảng từ vài trăm nghìn đến 7 triệu đồng. Giá thấp nhất thường áp dụng cho các mẫu lồng đèn vọng nguyệt, đèn cá chép, hoặc đèn hình cua, tùy thuộc vào hình dáng và độ tinh xảo, trung bình là 4 triệu đồng.

Riêng hành trình tái tạo những chiếc đèn truyền thống luôn đầy khó khăn. Những giai đoạn ban đầu thách thức với sự bỡ ngỡ, thiếu tư liệu hình ảnh và thông tin hiếm hoi do thời gian. Phải từng bước mày mò, từ hình dáng đến chất liệu, cách thực hiện, để tìm ra phương pháp phù hợp nhất. Đôi khi, chị Thủy và chồng đã gặp xung đột trong quá trình quyết định cách tạo ra những chiếc lồng đèn vừa hiệu quả, vừa đảm bảo tính cổ điển bên trong vẫn được bảo tồn.

ruoc-den-1695285553.jpg
Những chiếc lồng đèn truyền thống khi đưa ra thị trường luôn nhận được những lời khen ngợi vì độ tinh xảo, khéo léo. Ảnh: N.V.C.C

Cuộc sống hiện đại ngày nay, mặc sự hiện diện đa dạng của các mẫu lồng đèn điện tử, những chiếc lồng đèn truyền thống vẫn luôn được trân trọng và bảo tồn, dù đã trôi qua bao năm tháng. Đặc biệt, những nghệ nhân và nhiều bạn trẻ bằng tình yêu và niềm tự hào văn hoá Việt, vẫn đang hằng ngày phát huy và giữ lửa nghề làm lồng đèn truyền thống.

Quan trọng hơn hết là đối với nhiều người, chiếc lồng đèn giấy kiếng vẫn là nét đẹp văn hoá khó có thể thay thế. Minh chứng là hình ảnh những chiếc lồng đèn ông sao, đèn kéo quân, cá chép... vẫn đang hiện diện khắp phố phường mỗi dịp Trung thu về. 

Quang Huy

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-giu-lua-nghe-lam-long-den-truyen-thong-a1993.html