20/09/2023 08:01
20/09/2023 08:01
[Ảnh]-Chợ đồ cổ Sài Gòn ngày cuối tuần có gì độc đáo mà luôn nườm nượp người?
Hai ngày cuối tuần, nhiều người Sài Gòn lại tạm gác những bộn bề, lo toan trong cuộc sống mà tìm về khu chợ đồ cổ nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nơ Trang Long để sống trọn với những hoài niệm xưa cũ. Dần dà nơi đây đã trở thành nơi tụ họp quen thuộc của những người đam mê đồ cổ.
Chợ đồ cổ Sài Gòn chỉ mở vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, từ 6 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Mỗi khách đến tham quan sẽ mất một khoản phí là 40.000 đồng để mua vé vào cổng. Với tấm vé này khách sẽ được chọn một phần nước uống hoặc một phần ăn tùy chọn.
Tại đây, có hơn 30 gian hàng trải dài ngay lối đi vào và phủ kín khuôn viên. Lần đầu vào, khách sẽ bị choáng ngợp bởi sự đông đúc, nhưng điều đặc biệt ở đây là nhịp độ lại rất chậm rãi.
Hầu hết khách tới đây là bậc trung niên, họ có thể dành hàng giờ đồng hồ để nói với nhau về những món đồ cổ, những hồi ức xưa khắc ghi trong lòng.
Người mua thong thả, người bán cũng chẳng vội vàng, bởi nếu hôm nay không bán được thì để hôm sau, vì những người bày hàng ở đây không phải tốn chi phí thuê mặt bằng.
Không chỉ là điểm đến của những vị khách "lão làng", khu chợ này còn là điểm hẹn của một số bạn trẻ. "Đây cũng là lần đầu tiên bọn mình đến tiệm cà phê chợ đồ cổ, vừa vào tụi mình đã bị thu hút bởi những chuỗi ngọc tại gian hàng này, mang vào nhìn rất sang và đẹp" - bạn Thanh, ngụ quận Gò Vấp chia sẻ.
Ở phiên chợ này có đa dạng các loại mặt hàng xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới, mỗi gian hàng bán một mặt hàng riêng như đồ gốm, đồ đồng, tiền cổ, linh kiện xe đạp, đồ phong thủy...
Bật lửa Zippo và đồng xu cổ là mặt hàng thường được các "thợ săn" tìm kiếm nhiều nhất. Ông Thành - chủ gian hàng có 10 năm kinh nghiệm bán đồng xu cũ và bật lửa Zippo cho biết, để có chỗ bày bán thì người bán phải đến từ 6 giờ sáng sớm và tự mình tìm chỗ thích hợp.
Đồng hồ cũng là một trong những mặt hàng được cánh mày râu tìm đến nhiều nhất tại khu chợ.
Những chiếc đồng hồ lâu đời nhất có từ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, nhưng đa số là từ thập niên 40-50 của thế kỷ trước. Giá một chiếc đồng hồ từ 2-3 triệu đồng, cao nhất có thể lên tới mười mấy triệu.
Ngoài ra, những vật phẩm phong thủy, nhẫn đá quý cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia chơi hệ phong thủy.
Tại đây khách có thể tim thấy đồng hồ con gà, máy đánh chữ và điện thoại cổ - những món vật gần như đã bị lãng quên trong xã hội hiện đại ngày nay.
Những món đồ ghi dấu quá khứ được phân làm 4 loại: Đồ cũ có tuổi đời 50 năm đổ lại, đồ xưa có tuổi đời 100 năm đổ lại, đồ cổ có tuổi đời từ 100 năm trở lên và cổ vật có tuổi đời từ 500 năm trở lên.
Những đồ vật cổ như đèn dầu, đồ gốm sứ thường được các chủ cửa hàng kinh doanh hay người chơi đồ cổ mua về trang trí trong nhà.
Bên cạnh những gian hàng đồ đồng, đồ cổ, trong chợ còn có nhiều gian hàng bày bán các loại sản phẩm làm từ da cá sấu rất bắt mắt.
Ông Danh, 54 tuổi, chủ gian hàng bán linh kiện xe đạp cổ cho hay: "Tôi thích không khí của chợ vì tôi có thể vừa bán hàng vừa thưởng thức âm nhạc xưa, giúp giảm bớt căng thẳng tuổi già".
Ông Phương - chủ gian hàng bán đủ loại đồ cổ đang nâng niu chiếc nhẫn cổ như đứa con tinh thần của mình.
Ông Jon Allsop (quốc tịch Anh) đã ở Sài Gòn gần 10 năm. Trong một lần sang Việt Nam du lịch, ông Jon Allsop đã trúng tình yêu sét đánh với bà Tâm Linh, và hai người đã kết hôn. Cứ cuối tuần, cả hai sẽ chạy xe đến chợ đồ cổ để buôn bán, đồng thời họ cũng rao bán thông qua nền tảng mạng xã hội. Nổi bật nhất ở gian hàng của ông là những chiếc tẩu gỗ.
Ngoài mua bán ra thì ở phiên chợ cổ này còn có gian hàng nhận thay pin và sửa đồng hồ trả ngay cho khách.
Bên cạnh việc khám phá đồ cổ, các bạn có thể lên tầng hai để thưởng thức cà phê và ngắm toàn cảnh phiên chợ đồ cổ từ trên cao. Gần đây chợ cũng lắp thêm đèn lồng trên trần để tạo không khí Tết Trung thu.
Tấp nập người mua kẻ bán ở chợ đồ cổ vào 10 giờ sáng ngày cuối tuần.
Bài và ảnh: Anh Thư
Link nội dung:
https://vntravel.org.vn/anh-cho-do-co-sai-gon-ngay-cuoi-tuan-co-gi-doc-dao-ma-luon-nuom-nuop-nguoi-a1952.html