1. Hủ tiếu Mỹ Tho
Đến Mỹ Tho mà chưa nếm qua món hủ tiếu trứ danh thì quả là một thiếu sót rất lớn. Đây là món ăn do người Hoa mang sang, nhưng đã được biến tấu theo hương vị Việt cho phù hợp với khẩu vị người Việt. Hủ tiếu Mỹ Tho có phần topping khá giống với hủ tiếu Nam Vang, gồm thịt, xí quách (xương), thịt nạc (heo), lòng heo, trứng cút, tôm… ăn kèm với giá, các loại rau và nước tương hoặc nước mắm.
Điều đặc biệt của hủ tiếu Mỹ Tho nằm ở sợi hủ tiếu. Được làm từ loại gạo của vùng miền Tây sông nước, sợi hủ tiếu Mỹ Tho thường nhỏ, dai, có vị chua nhẹ và đặc biệt là ít nở hơn các loại hủ tiếu khác.
Hủ tiếu Mỹ Tho là món ăn đặc trưng của vùng đất Mỹ Tho với hương vị đặc trưng và đậm đà, làm bao thực khách phải "lưu luyến" khi dừng chân nếm thử món ăn này.
2. Bánh vá
Bánh vá có hình dáng trông vừa giống bánh tôm Hồ Tây (miền Bắc) vừa giống bánh khọt của miền Nam. Nhưng bánh vá của Mỹ Tho khác biệt từ nguyên liệu đến hương vị.
Bánh vá được tạo ra từ những nguyên liệu dân dã và gần gũi với người dân Nam Bộ như thịt heo nạc, tôm đất, giá, nấm mèo, đậu phộng, bột gạo, bột năng, đậu xanh... Từng ấy thứ kết hợp với nhau và chiên giòn rất khéo léo, ăn cùng các loại rau sống và nước mắm pha chuẩn vị miền Tây làm cho người ăn phải tấm tắc khen ngợi món bánh đặc sắc.
Nếu có ghé TP.Mỹ Tho xinh đẹp thì du khách nên thử món bánh giòn rụm mang hương vị Nam Bộ - được mệnh danh là đặc sản của nơi này.
3. Cháo cá lóc rau đắng
Nếu muốn thử một món ăn vừa thanh đạm vừa đặc trưng của miền Tây thì cháo cá lóc rau đắng là món ăn nên thưởng thức. Chỉ với hai nguyên liệu chính là cá lóc và rau đắng, nhưng qua cách chế biến độc đáo, món cháo cá lóc rau đắng đã trờ thành đặc sản của Mỹ Tho.
Cá dùng để nấu cháo thường là cá lóc đồng có thịt thơm, dai. Cá được lọc hết xương, tẩm ướp kỹ rồi mang hấp. Cháo được nấu bằng gạo tẻ, ninh thật nhừ. Cháo cá lóc rau đắng có một điều đặc biệt là rau đắng vốn dĩ khi ăn rất đắng nhưng khi ăn cùng với cháo cá lóc thì lại ngon ngọt lạ thường.
Khi ăn cháo cá rau đắng, bạn chỉ cần để rau đắng vào và cháo nóng sẽ làm rau chín đến độ vừa phải, rau vẫn giữ được vị giòn, xanh tươi cùng vị ngọt của cá thì ngon hết sẩy. Một bát cháo cá rau đắng nóng hổi và thanh đạm sẽ làm du khách nhớ mãi hương vị đặc biệt, chỉ muốn quay lại vùng đất này để thưởng thức thêm lần nữa.
4. Cơm tấm Mỹ Tho
Có thể bắt gặp rất nhiều quán cơm tấm từ thành phố đến khắp các tỉnh khác, nhưng cơm tấm của TP. Mỹ Tho lại mang một hương vị không món cơm tấm ở đâu có được, khiến người ta muốn ăn hoài không chán.
Cũng với các món ăn kèm quen thuộc như sườn nướng, bì, trứng... nhưng thứ tạo nên sự đặc biệt cho cơm tấm Mỹ Tho là món thịt nướng được tẩm ướp rất thơm ngon. Chỉ cần đi ngang qua đây hẳn sẽ bị mùi thơm lừng của món thịt sườn níu chân lại. Nước mắm cũng được pha theo công thức riêng chuẩn vị miền Tây đậm đà, tạo nên đặc trưng mà món cơm tấm tại những nơi khác không có được.
5. Bún gỏi già
Sở dĩ có cái tên ngộ nghĩnh này là do cách phát âm của người miền Tây gọi “và” thành “già”, nên món ăn này mới có tên gọi là bún gỏi già. Nguyên liệu để làm bún gỏi già gồm rau, giá, bún, nước dùng, đậu phộng rang, tương xay, dừa khô nạo, nước me, mắm nêm, ngò gai, thịt heo ba rọi, tôm tươi hoặc tép bạc. Trong đó phần nước súp của món ăn được nấu từ mắm chính là thứ tạo nên "linh hồn" của món ăn. Và phần nước mắm chấm cũng góp phần tạo nên hương vị đặc biệt của món ăn được làm từ nước cốt mắm cá linh nguyên chất thơm ngon, đậm đà.
Tổng hòa của những nguyên liệu tuy dân dã mà tinh tế ấy tạo nên một món ăn đặc sắc của vùng sông nước Nam Bộ, khiến thực khách một lần nếm qua là nhớ mãi không thôi.
Phúc Nguyễn (tổng hợp)
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/5-dac-san-my-tho-nen-thu-khi-ghe-qua-a1838.html