Vì sao du lịch mạo hiểm tính mạng thu hút giới siêu giàu?
Các tin tức gần đây đã cho thấy những nguy cơ liên quan đến du lịch mạo hiểm, điển hình như tour khám phá đáy đại dương, có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc như tai nạn tàu lặn Titan khiến 5 người thiệt mạng.
Tour thám hiểm khám phá xác tàu Titanic là một trong những dịch vụ du lịch lặn biển cao cấp của công ty OceanGate Expeditions - một doanh nghiệp du lịch lặn biển tại Mỹ. Với giá 250.000 USD/người/chuyến thám hiểm, đây là dịch vụ đắt đỏ chỉ dành cho nhóm khách hàng giàu có và tỷ phú trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, trước khi tham gia chuyến đi này, du khách phải ký vào một văn bản xác nhận về nguy cơ chấn thương, tổn thương tinh thần hoặc tử vong. Thế nhưng giới "siêu giàu" vẫn nhiệt tình tham gia? Đến năm 2023, công ty này đã tổ chức 18 chuyến thám hiểm xuống đáy đại dương.
"Mặc dù có thể rút ra bài học từ vụ tàu lặn ngắm xác tàu Titanic, không loại trừ khả năng những sự cố tương tự có thể lặp lại", chuyên gia về du lịch mạo hiểm ở Anh đưa ra nhận định sau kết cục bi thảm của tàu lặn Titan.
CEO Stockton Rush của OceanGate Expeditions từng cho rằng, khám phá đáy đại dương là một mô hình kinh doanh có nhiều lợi nhuận hơn so với việc khám phá vũ trụ, bởi vì nó dễ tiếp cận hơn nhiều.
Samantha Collum, giám đốc của hãng lữ River Oaks Travel Concierge cho biết, nhu cầu thám hiểm những nơi xa xôi nhất trên thế giới đang ngày càng tăng.
Các chuyên gia cũng cho rằng những cuộc phiêu lưu nguy hiểm kích thích sự tò mò trải nghiệm của giới siêu giàu, những người luôn quan tâm tới những điều mới lạ và họ sẵn sàng chi tiền tỷ để du lịch vì mục đích khẳng định địa vị của bản thân.
Tiến sĩ Adele Doran - chuyên gia về du lịch mạo hiểm của Đại học Sheffield Hallam (Anh) cho biết với Insider rằng, những người giàu có luôn có nhu cầu khám phá và chinh phục, do đó du lịch mạo hiểm sẽ không bao giờ lỗi thời.
Bà cũng nhận định rằng, mặc dù có thể rút ra một số bài học từ vụ tàu lặn ngắm xác tàu Titanic, nhưng không loại trừ khả năng những sự cố tương tự có thể xảy ra trong "thị trường ngách rất hẹp này".
"Bản thân tôi cũng không ngạc nhiên nếu chuyện tương tự xảy ra", TS. Adele Doran nói. Tuy nhiên, bà Doran cũng khẳng định rằng, những người đi du lịch mạo hiểm không phải để đưa mình vào tình huống nguy hiểm. Hầu hết du khách sẽ tìm đủ mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho bản thân, hoặc mua trực tiếp dịch vụ ban tổ chức để giảm thiểu rủi ro.Với sự phát triển công nghệ, các cuộc phiêu lưu được thúc đẩy đến tầm cao mới và bất kỳ ai có đủ thời gian, tiền bạc và được đào tạo đều có thể coi mình là một nhà thám hiểm.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Allied Market Research, giá trị ngành du lịch mạo hiểm toàn cầu là 366,7 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 4,6 tỷ USD vào năm 2032.
Trên thế giới còn có nhiều dịch vụ du lịch phiêu lưu khác với chi phí đắt đỏ, như các chuyến đi lên đỉnh núi Everest do Adventure Consultants và Mountain Madness tổ chức vào những năm 1980-1990, với chi phí từ 27.000-82.000 USD/người.
Bên cạnh đó, hành trình đến Nam Cực cũng là một trong những trải nghiệm du lịch đắt đỏ. Du khách có thể đi máy bay riêng từ Cape Town (Nam Phi) đến Nam Cực để nghỉ ngơi trong những chiếc kén nằm trong một khu cắm trại sang trọng. Giá khởi điểm cho chuyến đi này là 98.500 USD/người.
Ngoài ra, còn có những trải nghiệm khác đầy thách thức như: bơi cùng cá mập trắng ở Mexico, chèo thuyền gần núi lửa đang hoạt động ở New Zealand,... Cách đây nửa thế kỷ, doanh nhân Barron Hilton còn có ý tưởng về một khách sạn trên Mặt Trăng. Các tỷ phú Jeff Bezos, Elon Musk và Richard Branson đang triển khai kế hoạch du lịch ngoài không gian trong tương lai gần.
Tại Việt Nam cũng có du lịch mạo hiểm
Điển hình là tour du lịch khám phá hang Sơn Đoòng tại Quảng Bình, được biết đến như một trong những tour mạo hiểm nổi tiếng và được rất nhiều người mong muốn trải nghiệm.
Theo Công ty Oxalis - đơn vị tổ chức tour, đây là tour có cấp độ mạo hiểm cao nhất, theo phân loại của các chuyên gia du lịch. Mỗi tour chỉ giới hạn 10 người tham gia, một chuyên gia về an toàn hang động, một hướng dẫn viên, sáu trợ lý an toàn, hai đầu bếp và mười bảy porter để mang vác hành lý, thực phẩm và thiết bị cắm trại suốt hành trình, và mỗi năm chỉ nhận 1.000 suất. Bởi Quảng Bình chỉ cho phép tổ chức tour từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm, thời gian còn lại trong năm phải đóng cửa để bảo vệ hang động.
Ông Nguyễn Châu Á - Giám đốc Oxalis Adventure, cho biết từ tháng 8/2013 (khi tour Sơn Đoòng được khai thác) đến tháng 4/2022, đã có tổng cộng 4.327 khách trong và ngoài nước tham gia tour Sơn Đoòng. Trong hai năm gần đây, đã có sự thay đổi lớn khi khách Việt Nam đã vươn lên đứng đầu trong danh sách top 10 đến Sơn Đoòng. Hiện đã có khoảng 850 khách đặt tour cho năm tới và chỉ còn khoảng 150 suất đi từ ngày 12/6/2024 trở về sau. Giá tour là khoảng 3.000 USD/người (tương đương với khoảng 72-75 triệu đồng) và chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
Ngoài tour Sơn Đoòng, tour thám hiểm rừng sâu Hang Ba có độ khó ngang ngửa giá cũng lên tới 50 triệu đồng/khách, 6 người mỗi chuyến, tối đa chỉ đón 150 khách mỗi năm.
Sau khi đại dịch kết thúc, nhiều người muốn thử thách bản thân và tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo trong các tour du lịch mạo hiểm.
Tuy nhiên, các tour này yêu cầu thể lực và tài chính cao. Một công ty du lịch ở TP.HCM đang bán tour tại Himalaya với giá từ 40 triệu đến cả trăm triệu đồng cho mỗi khách. Các tour này chỉ đón 10 khách mỗi chuyến và luôn được đặt kín.
Ngoài ra, để tham gia tour du lịch ở Bắc Cực trong vòng 14 ngày, du khách phải bỏ ra ít nhất 230 triệu đồng, còn tour du lịch ở Nam Cực trong 18 ngày có giá lên tới 395 triệu đồng. Một công ty lữ hành ở Hà Nội còn có tour siêu sang chinh phục thế giới với chi phí lên tới 5,47 tỷ đồng để chinh phục vĩ độ -90 của cực Nam trái đất.
T.Đ