Ngày 17-18/6, tại Lễ hội Văn hóa Thành phố Thế giới Seoul năm 2023 (Seoul Friendship Festival 2023), Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã tham gia trưng bày gian hàng giới thiệu văn hóa và ẩm thực truyền thống Việt Nam.
Gian hàng ẩm thực Việt Nam giới thiệu các món ăn vốn rất thân quen với người dân Hàn Quốc như phở bò, nem rán.
Đặc biệt, trong thời tiết khá nóng nực của những ngày đầu Hè, hương vị càphê sữa đácủa Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của rất đông thực khách Hàn Quốc và quốc tế.
Trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức đã bố trí nhiều chương trình biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật đến từ các nước. Các nghệ sỹ đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã mang đến nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc, thu hút đông đảo người xem.
Chiều ngày 21/6, tại Bangkok, Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức Chương trình Quảng bá Du lịch Việt Nam-Thành phố Hồ Chí Minh tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Sự kiện được tổ chức nhằm giới thiệu hình ảnh điểm đến du lịch, cập nhật lại các dịch vụ sản phẩm du lịch mới của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, trong đó điểm nhấn là quảng bá du lịch y tế tới các tổ chức, đại lý, công ty du lịch, bệnh viện, cơ sở y tế uy tín, chuyên nghiệp về tour du lịch y tế... của Thái Lan.
Đoàn xúc tiến quảng bá của Sở Du lịch TPHCM lần này do bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP làm trưởng đoàn, với gần 20 đại diện doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam như: Vietravel Holdings, Hoa Binh Travel, TST Tourist, Sacotravel, AB Travel.
Đồng thời, đoàn xúc tiến quảng bá du lịch còn có sự tham gia của bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân, cơ sở y tế, các cơ sở chăm sóc sức khỏe như: Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, Viện tim TPHCM, Viện Y dược học dân tộc, Công ty cổ phần Nha khoa Việt Nam, Trung tâm Nha khoa Anna Center... Trước khi có mặt tại Thái Lan, đoàn đã tổ chức một chương trình quảng bá tại thủ đô Phnompenh, Campuchia.
Sáng ngày 21/6 (ngày mùng 4/5 Âm lịch), nhân dịp tết Đoan Ngọ năm 2023, với mong muốn tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội long trọng tổ chức Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” với nhiều điểm mới, mang đậm dấu ấn tết Đoan Ngọ cung đình.
Tết Đoan Ngọ (Đoan Dương) được xem là một trong những dịp lễ tết quan trọng bậc nhất. Từ xa xưa, cha ông ta đã truyền tụng câu ca “Tháng Tư đong đậu nấu chè-Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”
Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoạn Ngọ được xem là một trong những dịp lễ tết quan trọng nhất. Từ xa xưa, cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm, từ chốn cung đình hoa lệ tôn nghiêm cho đến những miền quê mộc mạc thân thương đều hân hoan đón Tết Đoan Ngọ.
Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” được tổ chức với các hoạt động trưng bày, trình diễn, tái hiện các nghi thức, phong tục dân gian và cung đình độc đáo. Đây là những hoạt động góp phần gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, khơi nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Năm nay, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu sẽ được Giáo hội phật giáo Việt Nam tại Tây Ninh cùng Ban điều hành hệ thống các chùa Núi Bà tổ chức vào ngày 21-23/6 (tức ngày 4-6/5 âm lịch) tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch, điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen với đa dạng hoạt động tâm linh, văn hóa nghệ thuật và nhiều trải nghiệm mới.
Suốt trong ba ngày lễ, tại điện Bà và chùa Bà sẽ diễn ra các nghi thức truyền thống như lễ Hưng tác, lễ cúng Ngọ Phật, Lễ tắm Bà... Sự kiện dự kiến thu hút sự tham gia của các tăng ni, phật tử từ nhiều địa phương.
Ngoài phần nghi lễ, trong các tối 21-22/6 (tức 4-5/5 âm lịch), nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật như múa mâm vàng, múa rồng nhang long mã hay những trích đoạn cải lương đặc sắc về sự tích Linh Sơn Thánh Mẫu cũng sẽ được trình diễn bởi các nghệ sĩ từ nhiều đoàn nghệ thuật. Các hoạt động mang tới cho người dân và du khách tới núi Bà đa dạng trải nghiệm tâm linh và văn hóa truyền thống dân gian.
Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 22/6 cho biết đơn vị đã cho ra mắt kênh truyền thông tin nhắn tương tác thế hệ mới trên ứng dụng Viber nhằm đưa đến cho du khách trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn.
Giờ đây, du khách đã có thêm một kênh thông tin uy tín, hấp dẫn để khám phá du lịch Việt Nam, “bỏ túi” nhiều kinh nghiệm du lịch hữu ích. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng cục Du lịch áp dụng nền tảng Rich Bussiness Message (RBM) - một tin nhắn đa kênh tương tác thế hệ mới trên nền OTT.
Tài khoản Viber của Tổng cục Du lịch sẽ gửi tin nhắn với nội dung gợi ý về những điểm đến, hoạt động du lịch thú vị cho mùa du lịch hè năm nay.
Du khách có thể lựa chọn loại hình du lịch nghỉ dưỡng ở biển đảo, khám phá cảnh quan thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, hay tìm về đô thị cổ kính để trải nghiệm nền văn hóa bản địa đặc sắc.
Hành trình khám phá sẽ đưa du khách tìm đến những điểm đến nổi bật như Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo, Hà Giang, Sa Pa, Đà Lạt, Hà Nội, Hội An, Huế...
Chiều 22/6, tại thành phố Hội An, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và hơn 65 doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ra mắt Chương trình Kích cầu Du lịch 2023 "Quảng Nam - Cảm xúc mùa Hè."
Diễn ra từ ngày 22/6 đến ngày 30/9, Chương trình Kích cầu Du lịch 2023 "Quảng Nam - Cảm xúc mùa Hè" gồm một loạt sự kiện nổi bật, hấp dẫn trải dài từ miền biển, hải đảo đến vùng núi, vùng sâu, gắn liền với hành trình trải nghiệm văn hóa vật thể và phi vật thể.
Chương trình được kỳ vọng đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần gia tăng lượng khách, đồng thời quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch tỉnh với thông điệp “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh.”
Chiều 22/6, tại Hà Nội, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổ chức gặp mặt các chuyên gia, cộng tác viên, các cơ quan thông tấn, báo chí nhân dịp chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm trưng bày Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, từ ngày 6/7.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội thành lập ngày 30/12/2020 theo Quyết định số 5764/QĐ-UBND và theo nguyện vọng của các thành viên gia đình Đại tướng.
Ngay sau khi có quyết định thành lập, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã triển khai xây dựng đề cương chính trị, đề cương trưng bày, thiết kế mỹ thuật trưng bày, đồng thời xin cấp phép và triển khai xây dựng công trình nhà trưng bày Bảo tàng tại số 81 Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Thiết kế kiến trúc tòa nhà bảo tàng được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ những ký ức của các thành viên gia đình Đại tướng với nhiều kỷ niệm sâu sắc mà ông và gia đình đã ở từ năm 1958-1986.
Tại ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thuận Thảo
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/7-hoat-dong-du-lich-tieu-bieu-viet-nam-tuan-qua-a1523.html