Cần đòn bẩy “cứu” cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ, bất động sản... phải cắt giảm tới 50% số lượng nhân công, thắt chặt chi tiêu, có doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. Một trong nguyên nhân khó khăn đó là việc tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước nên có giải pháp cơ cấu nợ, giảm lãi suất giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng hùng hậu

Theo thống kê, đến nay cả nước có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trên 25 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Hiện doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm hơn 97% doanh nghiệp cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái từng khẳng định rõ vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV).

DNNVV Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người lao động.

h7-1685753998.jpgDoanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm hơn 97% doanh nghiệp cả nước, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Riêng khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc trong toàn bộ nền kinh tế. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, góp phần tạo dựng được uy tín, khẳng định giá trị thương hiệu, vươn tầm ra khu vực và thế giới.

Đặc biệt, một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, khởi nghiệp thành công với các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trong đó, lực lượng DNNVV tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Giảm lãi suất giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn

DNNVV năng động trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề cho đến công nghệ cao, góp phần phát triển bền vững nền kinh tế toàn quốc. Đặc biệt, trong đại dịch Covid -19 càng thể hiện rõ hơn sự năng động của DNNVV và cách phục hồi sản xuất và kinh doanh nhanh chóng một cách kỳ diệu.

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cả nước đều đang hứng chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong đó có khủng hoảng về giá dầu, khủng hoảng lạm phát kinh tế, cũng như khủng hoảng về chính trị chiến tranh nước Nga với Ukraina. Tất cả làm cho nền kinh tế thế giới nói chung, quỹ tiền tệ Quốc tế buộc phải tăng lãi xuất, doanh nghiệp Việt Nam cũng không thoát khỏi bối cảnh này.

h11-1685757990.png

Ông Phạm Hải Tùng, CT Hiệp hội DNNVV khu vực phía Nam trăn trở về những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải gồng mình để tồn tại và phát triển.

Những khó khăn thấy rõ mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt bao gồm sự giảm sút trong tiêu dùng của các nước trên thế giới; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như ngành dệt, may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại, giá xăng dầu liên tục biến động...

Tính riêng tại TP HCM, theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TP, có tới 41,2% số lượng doanh nghiệp được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp; 17,6% cho rằng đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh; 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất – kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.

Về lao động, có 64,7% doanh nghiệp cam kết giữ nguyên được số lao động hiện có; 17,65% có xu hướng cắt giảm lao động tương đương với số nhu cầu tuyển dụng thêm. Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Hầu như các doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu.

Ngành cơ khí điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%; mỹ nghệ và chế biến gỗ xuất khẩu cũng giảm 15%, trong đó các sản phẩm dăm, viên ném, paleet, đồ gỗ giảm đến 45%. Chưa kể thị trường nội địa cũng đón nhận những đợt sụt giảm lớn về tiêu thụ khi các sản phẩm nội thất các dự án đóng băng hoàn toàn về công việc và dòng tiền, đơn hàng nội địa xuất khẩu gỗ tại chỗ giảm từ 30-40%...

Nhiều tháng qua, ngành bất động sản đã đóng băng, điều này kéo theo các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng.

h6-1685754127.jpgNhà nước cần có giải pháp cụ thể, giảm lãi xuất, giảm VAT 2% là đòn bẩy giúp DNNVV vượt qua giai đoạn khó khăn

Một con số đáng báo động, đó là thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000 đơn vị, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thực tế khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp đang gặp phải còn đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu.

Để giữ được số lượng DNNVV hiện nay chiếm hơn 97% doanh nghiệp cả nước, đồng thời giữ được sự khôi phục và phát triển tăng trưởng, buộc chúng ta phải có những giải pháp thiết thực.

Theo đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể là Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thì rõ ràng Ngân hàng Nhà nước phải giảm lãi xuất để cho cộng đồng DNNVV Việt Nam được tiếp cận nguồn vốn một cách tốt nhất. Thứ hai là có thể giãn thuế, giảm thuế, thậm chí có trường hợp phải miễn thuế. Đây là bài toán giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn.

Ngoài ra, đề xuất giảm VAT 2%, giúp tăng sức mua của dân, tạo ra dòng chảy của thị trường bắt đầu chuyển động đúng theo mong muốn của mình. Đây thực sự là đòn bẩy, là kỳ vọng và mong sớm trở thành hiện thực của cộng đồng doanh nghiệp.

Phạm Hải Tùng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Phía Nam

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/can-don-bay-cuu-cong-dong-doanh-nghiep-nho-va-vua-a1389.html