Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Giỗ tổ Hùng Vương, một trong những nguyên nhân là ảnh hưởng từ giá vé máy bay tăng cao nên lượng khách thị trường nội địa được nhận định không đạt như kỳ vọng, đặc biệt một số đường bay vắng khách. Cụ thể, đường bay xuất phát từ Hà Nội vào ngày 28/4 đi các điểm du lịch như Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Tuy Hòa, Bình Định, tỷ lệ đặt chỗ chỉ dao động từ 65% đến 77%.
Nhiều địa phương lượt khách đã giảm so với cùng kỳ năm trước, tỉnh Kiên Giang trong 5 ngày nghỉ lễ phục vụ khoảng 264.938 lượt khách (giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022), công suất phòng trung bình đạt 54%. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 132,5 tỷ đồng (giảm 24,3% so với cùng kỳ).
Không những thế Đà Nẵng - một trong thành phố du lịch biển được kỳ vọng sẽ thu hút lượng "khủng" du khách, nhưng năm nay cũng bị ảnh hưởng bởi giá vé máy bay nên chỉ số tăng cũng chỉ đạt 26,6% so với năm 2022. Phục vụ khoảng 321.623 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 34.800 lượt khách quốc tế, công suất phòng trung bình đạt 70-75%...
Năm 2022 khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,5 triệu lượt, khoảng 70% so với kế hoạch và bằng 19% so với kết quả năm 2019. Quý I/2023, khách quốc tế đến Việt Nam bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhìn vào con số thống kê này, nhiều chuyên gia du lịch lo ngại, nếu giá vé máy bay tăng quá cao vào mùa cao điểm - hè 2023, khách hàng có thể sẽ "quay lưng", đổi lịch trình, điểm đến. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn tại địa phương điêu đứng.
Vì sao giá vé máy bay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt?
Một trong những nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng mạnh là nhu cầu đi du lịch dịp hè tăng rất cao. Người dân ai cũng có kế hoạch đi du lịch sau một thời gian dài giãn cách xã hội, đóng cửa các điểm đến. Cùng với sự phục hồi của kinh tế - xã hội, lượng khách du lịch nội địa đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% lượng khách cả năm 2022. Khách nội địa 20 triệu lượt, thu về 85,6 nghìn tỉ đồng.
Nhu cầu khách đi du lịch tăng cao khiến giá vé bay nội địa tới các điểm đến hàng đầu của Việt Nam như Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang,... luôn căng thẳng. Dự báo, giá vé bay còn tăng trong thời gian tới.
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, giá vé máy bay tăng mạnh xuất phát từ yếu tố đặc biệt quan trọng nhất là giá xăng đang không ngừng lập đỉnh. Kể từ đầu năm 2023, giá xăng dầu liên tục tăng và có mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014.
Đối với hàng không, chi phí nhiên liệu chiếm đến 30 - 40% tổng chi phí của hãng bay, nếu không có các giải pháp hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản quản lý nhà nước, giá xăng tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến ngành hàng không (ngành động lực phát triển của nền kinh tế).
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đang gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu bay tăng mạnh. Vietravel Airlines, đánh giá, chi phí nhiên liệu biến động là thách thức cực lớn cho các hãng hàng không, thậm chí một số hãng có thể phải dừng bay nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao.
Bamboo Airways cũng cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải hàng không nên việc giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng lớn tới giá thành và chi phí sản xuất kinh doanh của tất cả các hãng bay trong nước. Đây là là điều bất lợi khi đang trên đà phục hồi sau dịch.
Với mức giá nhiên liệu tăng cao, hoạt động của các hãng hàng không chắc chắn bị tác động tiêu cực. Quan trọng hơn, nếu không có các giải pháp hỗ trợ thực chất, kiềm chế tăng giá vé bay, đà hồi phục của ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh vừa được kiểm soát, thu nhập, việc làm của đa số người dân bị giảm, giá vé máy bay tăng sẽ đánh thẳng vào túi tiền của người dân, khiến họ do dự trong việc thực hiện các chuyến bay, đi du lịch, nghỉ dưỡng.
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/tan-dung-su-bung-no-du-lich-sau-dai-dich-gia-ve-may-bay-co-dau-hieu-tang-cao-a1141.html