Cách Hà Nội khoảng 160 km, Thác Đồng Quan tọa lạc tại Đồng Quan, xã Hóa Quỳ, Huyện Như Xuân, cách thị trấn Yên Cát khoảng 10 phút chạy ô tô, cách đường Hồ Chí Minh khoảng 3km đường nhựa. Du khách sẽ lạc vào chốn sơn thủy hữu tình với rừng nguyên sinh, thác nước trắng phau từ trên cao dội xuống giữa chốn đại ngàn hoang sơ, hùng vĩ.
Nằm trên địa bàn xã Hóa Quỳ, thác Đồng Quan đang là danh thắng hấp dẫn của huyện Như Xuân. Thác được hình thành từ những khe suối, dòng chảy lớn, nhỏ trên đỉnh núi Pù Mùn, qua các vách đá, thảm thực vật rậm rì, hòa vào nhau chia thành 3 dòng lớn là thác Thanh Lâm, thác Đồng Quan và thác Cổng Trời.
Di chuyển
Từ bến xe phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, đi theo đường Nguyễn Chí Thanh (đường QL1A cũ), rẽ phải vào đường Vành Đai Tây rồi rẽ phải vào đường ĐT 517. Sau đó, tiếp tục rẽ phải vào đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, rẽ trái vào đường QL15 sẽ đến xã Hóa Quỳ, cuối cùng bạn sẽ đến thôn Đồng Quan ở bên tay phải, tiếp tục đi bạn sẽ đến Thác Đồng Quan.
Chỗ ở
Hiện khách sạn, nhà nghỉ, ở Hóa Quỳ ngày một nhiều hơn nhưng vẫn đảm bảo cảnh quan môi trường khu bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái. Với người yêu thiên nhiên và thích tìm hiểu văn hóa bản địa, du khách có thể chọn nghỉ tại nhà dân. Bạn có thể dễ dàng tìm được những căn nhà nghỉ, homestay đơn giản, thoải mái, phòng ốc luôn sạch sẽ, thoáng mát, đủ tiện nghi cơ bản.
Chơi gì ở Đồng Quan
Thuộc khu vực rừng đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt, cảnh quan xung quanh thác Đồng Quan đuợc gìn giữ khá nguyên sơ, trong lành. Khu danh thắng này đã được huyện đầu tư một số hạng mục công trình phục vụ khách du lịch đến tham quan. Các công trình được hoàn thiện bao gồm đường bê tông, đường đi bộ, cầu qua suối, hồ trữ nước, hệ thống nhà chòi... Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ của thác Đồng Quan đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, huyện Như Xuân còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường và Thổ với nhiều phong tục, truyền thống văn hóa, ẩm thực, lễ hội dân gian như: Lễ hội Đình Thi của dân tộc Thổ; lễ hội Dâng trâu tế trời tại đền Chín Gian của dân tộc Thái... Nhiều bản làng còn giữ được những nhà sàn theo kiến trúc truyền thống, nghề dệt thổ cẩm.
Huyện Như Xuân không chỉ có mỗi thác Đồng Quan, du khách ghé thăm nơi đây có thể được tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên phong phú, với các khu vực địa hình chuyển tiếp từ Tây sang Đông, xen lẫn các thung lũng và hồ nước đã tạo nên những danh lam thắng cảnh độc đáo, như: Hồ Sông Mực, thác Đồng Quan, thác Cổng Trời... Huyện Như Xuân đã có một số điểm du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với du lịch tâm linh được đưa vào khai thác như: thác Đồng Quan, thác Cổng Trời; Di tích lịch sử Đình Thi, đền Chín Gian… Nằm trên địa bàn hai huyện Như Xuân và Như Thanh, Vườn Quốc gia Bến En có chức năng bảo tồn hệ sinh thái rừng núi đất đai và là nơi cư trú của nhiều loài động vật.
Ăn Uống
Sau một hành trình khám phá thiên nhiên, lội suối ngắm thác nước đổ, du khách hãy nạp ngay lại năng lượng của mình bằng cách thưởng thức các món ăn vặt Thanh Hóa thơm ngon. Hơn nữa, các món ăn tại thác Đồng Quan còn rất rẻ, phù hợp với nhiều người. Không chỉ được mãn nhãn bởi bức tranh thiên nhiên hài hòa, du khách đến đây còn có cơ hội được thưởng thức những món đặc sản của vùng đất này như: Canh đắng, măng luộc, cá nướng... cùng nhiều món lạ mà ngon khác.
Chuẩn bị các điều kiện để đón khách du lịch trong dịp khai trương thác Đồng Quan và dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Hiện nay, huyện Như Xuân đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn thiện cơ sở vật chất, làm mới dịch vụ, sẵn sàng đón du khách.
Nhằm giới thiệu về lịch sử hình thành, nét đẹp danh lam thắng cảnh thác Đồng Quan, điểm đến du lịch thiên nhiên hấp dẫn, tuyên truyền việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.
Hà Phương
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/thac-tien-diem-den-du-lich-sinh-thai-hap-dan-moi-o-xu-thanh-a1095.html