Càng có nhiều thói quen xấu, thận càng bị tổn hại nặng. Tuy tổn thương không xảy ra trong một sớm một chiều nhưng cần thay đổi thói quen xấu ngay để thận luôn khỏe mạnh.
Dưới đây là những thói quen sinh hoạt kém lành mạnh có thể làm tổn thương thận mọi người cần lưu ý:
Nhịn tiểu
Nhịn tiểu quá lâu khiến nước tiểu lắng đọng trong bàng quang, làm gia tăng sự sinh sôi, phát triển của vi khuẩn, từ đó dễ thâm nhập vào các cơ quan trong đường tiết niệu và gây bệnh. Nước tiểu giữ trong bàng quang quá lâu có thể trào ngược lên thận, gây nhiễm trùng thận.
Nhịn tiểu thường xuyên khiến cơ sàn chậu suy yếu, lâu dần dẫn tới chứng mất kiểm soát cơ sàn chậu, làm giảm khả năng giữ nước tiểu của bàng quang, gây ra tình trạng tiểu không kiểm soát. Ngoài ra, nước tiểu có chứa một số khoáng chất như canxi, axit uric, khi lắng đọng có thể tạo nên các tinh thể giống như sỏi nên việc nhịn tiểu có thể dẫn tới sỏi thận. Tình trạng này thường gặp ở những người có tiền sử mắc bệnh về thận. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nhịn tiểu có thể gây vỡ bàng quang.
Không uống đủ nước
Uống quá nhiều hay quá ít nước đều không tốt cho thận. Theo bác sĩ Hiền, uống quá nhiều nước sẽ tạo áp lực lên thận, có thể gây hạ natri máu, còn được gọi là nhiễm độc nước. Khi một lượng lớn nước được tiêu thụ trong một khoảng thời gian ngắn, thận không thể bài tiết đủ chất lỏng để lọc và đào thải nước ra ngoài đúng cách. Hạ natri máu có thể dẫn đến đau đầu, mờ mắt, co giật, sưng não, thậm chí tử vong.
Uống quá ít khiến thận không đủ nước để co bóp và đẩy natri cùng chất cặn bã, độc tố ra ngoài, làm chúng không thể phân giải và tích tụ trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ sỏi thận, nhiễm độc thận. Do vậy mọi người cần uống đủ lượng nước mỗi ngày.
Ăn mặn, lạm dụng đồ ngọt
Ăn nhiều muối gây tăng huyết áp, làm rối loạn chức năng lọc máu ở thận. Sự gia tăng áp lực của máu khi chảy qua các mạch máu trong cầu thận có thể làm hỏng các mạch nhỏ trong nephron - các đơn vị cấu trúc của thận. Theo khuyến nghị của WHO, mỗi người chỉ nên sử dụng dưới 5 g muối một ngày.
Tiêu thụ đồ ngọt quá nhiều có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về thận.
Một số loại thuốc
Tiến sĩ Vijay cho biết, 90% lượng thuốc được đào thải qua thận.
Những người có thận hoạt động kém hơn nên cẩn thận hơn trong việc uống thuốc vì chúng có thể gây tác hại nặng nề đến thận. Thuốc tăng cơ bắp có thể gây sẹo ở các bộ phận lọc máu của thận. Một số loại thuốc chống ợ chua có thể gây sưng thận nếu dùng trong thời gian dài. Dùng thường xuyên với lượng lớn thuốc giảm đau thông thường cũng có thể làm hỏng thận.
Uống nhiều rượu và hút thuốc
Những người nghiện rượu nặng có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Ngay cả một buổi uống rượu say, hơn 4 - 5 ly trong vòng chưa đầy 2 giờ, đôi khi có thể gây suy thận cấp. Điều đó có thể dẫn đến tổn thương thận nghiêm trọng, cần phải chạy thận, theo WebMD.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy hút thuốc lá cũng có thể trực tiếp dẫn đến bệnh thận.
Tiêu thụ quá nhiều đạm
Tiêu thụ quá nhiều đạm, đặc biệt là thịt đỏ có thể gây hại cho thận. Các chất độc như nitơ và amoniac được thận thải ra thông qua nguồn đạm. Tiêu thụ đạm với số lượng quá nhiều khiến thận phải lọc nhiều hơn và làm tổn thương thận. Nên ăn những phần nhỏ đạm khác nhau, như trứng, cá, đậu và các loại hạt.
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/thoi-quen-huy-hoai-than-moi-ngay-ban-can-sua-ngay-a1089.html