Ngày 25/04, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Báo Văn hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo “Hợp tác hàng không - du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Hữu Hoàng và 250 đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện các sở du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch địa phương; các chuyên gia du lịch, kinh tế, doanh nghiệp du lịch, hàng không... Đây là hội thảo kết nối ngành du lịch với hàng không đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hoạt động triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết: "Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với du lịch Việt Nam, đưa du lịch Việt Nam bước lên con đường phát triển bức phá, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch".
Về ngành hàng không, thời gian qua cũng đã tích cực mở mới một loạt đường bay quốc tế mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và du lịch, mang tới cho khách hàng nhiều lựa chọn chuyến bay, thời gian bay, trải nghiệm bay tốt đẹp; đồng thời góp phần khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương.
Giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch Việt Nam đạt 22,7%/năm, đóng góp trên 9,2% vào GDP trong năm 2019 và từng bước khẳng định được vị thế và vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong khi đang phát triển thuận lợi, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động du lịch quốc tế dừng lại. Từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021, qua 4 lần dịch bùng phát làm gián đoạn hoạt động du lịch nội địa, ngành du lịch Việt Nam bị thiệt hại vô cùng to lớn, chưa từng có trong lịch sử và để lại những hậu quả và hệ lụy hết sức nghiêm trọng.
Ông Hà Văn Siêu Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận, năm nay bên cạnh sự trở lại “ngoạn mục” sau đại dịch, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức; đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Ông Hà Văn Siêu nói: "Du lịch thế giới tiếp tục phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn. Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành".
Về các giải pháp phục hồi ngành du lịch, từ góc độ quản trị vĩ mô, thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: "Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế tới du lịch Việt Nam như: khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19; dừng việc khai báo y tế về Covid-19 đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4/2022 và cho phép du khách quốc tế tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh từ 15/5/2022.
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ đã có những chủ trương mời về việc miễn thị thực đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, sẽ trình Quốc hội xem xét đưa vào nội dung của Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 sắp tới".
Về các giải pháp cụ thể, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đề xuất: "Cần phải rà soát lại các hiệp định về hàng không đã ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ để tạo thuận lợi cho các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam và các địa bàn là trọng điểm du lịch của Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực điều hành tại các cảng hàng không của Việt Nam, trọng tâm là cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; phát triển loại hình “thuê chuyến” phục vụ du lịch; tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các phương thức vận tải quốc tế như: đường không, đường biển, đường bộ; hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm các đường bay mới từ các tỉnh, thành phố trung tâm đến các tỉnh, thành địa phương đang có sân bay nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các địa phương...
Đánh giá tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Anh Vũ Tổng biên tập Báo Văn hóa cho biết: "Các ý kiến tham luận và góp ý rất thẳng thắn, thiết thực, có tính xây dựng. Ban tổ chức sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo, báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trên cơ sở đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu, đề xuất các giải pháp cũng như các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, báo cáo lãnh đạo Chính phủ xem xét, quyết định, từ đó xây dựng các chính sách mới nhằm đón đầu xu hướng du lịch thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Du lịch Việt Nam sớm phục hồi và tăng tốc phát triển như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 vừa diễn ra ngày 15/3/2023; thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 08.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
Anh Tuấn - Ngọc Diệp
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/hop-tac-hang-khong-du-lich-giai-phap-de-du-lich-viet-nam-som-phuc-hoi-a1067.html