Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về phục hồi du lịch sau một năm mở cửa

Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Hội nghị diễn ra sau đúng một năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022).

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các Hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.

z4183447991326-ccb6692c99ee181484aa54d70d3d0f18-1678868498.jpg
Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2023

Ngày 15/3/2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19. Đến tháng 3/2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa. Mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Toàn ngành đã có cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau COVID-19.

Trong đó, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.

Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận các tình hình ngành du lịch, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp để ngành du lịch "cất cánh".

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã vượt qua đại dịch. Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm, nắm bắt tình hình để đưa ra các giải pháp, đối sách phù hợp. Chúng ta cần suy nghĩ để có thêm bài học kinh nghiệm đối phó với những vấn đề mới nổi lên.".

img7151-16788443042951496700796-1678868497.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu "hiến kế" phát triển du lịch

Do đó, Hội nghị này được tổ chức nhằm nhìn lại việc phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - ông Vũ Thế Bình đánh giá cao nỗ lực của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đã xây dựng chương trình đẩy nhanh phục hồi phát triển du lịch. Đây là mong muốn của tất cả các doanh nghiệp du lịch. Trước năm 2019, ngành có khoảng 40.000 doanh nghiệp với 1,5 triệu lao động trực tiếp và 2,5 triệu lao động gián tiếp, lực lượng rất lớn. Cho nên, tất cả mọi người đang chờ đợi vào những  quyết tâm của Chính phủ và sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước cho sự phục hồi.

img7161-1678860589205955017401-1678868497.jpg
Ông Vũ Thế Bình cam kết sẽ vận động các doanh nghiệp cả nước tích cực triển khai chương trình phục hồi du lịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ. Về phía Hiệp hội chúng tôi cũng cam kết sẽ vận động các doanh nghiệp cả nước tích cực triển khai chương trình hiệu quả nhất", ông Vũ Thế Bình nói. Nêu đề xuất, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn nhận, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã rất rõ, rất sát. Tức là chúng ta đưa ra những chương trình, kế hoạch, thì nêu rõ ai làm cái gì. "Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề thực tiễn, khi triển khai ai làm cái gì, nguồn lực ở đâu, ai chịu trách nhiệm".

"Chúng tôi một lần nữa cam kết các doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm cao để có thể triển khai mạnh mẽ chương trình của Chính phủ, quyết tâm đưa du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi và tăng tốc phát triển sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng - ngành "công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường. Đồng thời, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người; là cầu nối để nhân dân các nước cùng gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết hữu nghị hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

z4183447998051-37c2ed2dc62a3ff02f49f98690a1b411-1678868498.jpg

Trong giai đoạn mới, Thủ tướng tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân, sự hỗ trợ và hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

T.Đ

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-toan-quoc-ve-phuc-hoi-du-lich-sau-mot-nam-mo-cua-a872.html