Đền Lảnh Giang: Truyền thuyết "sinh tướng - hoá thần" và nét phù sa đậm văn hoá

Từ lâu đền Lảnh Giang đã có một vị trí quan trọng trong lòng người dân Hà Nam, khách thập phương cùng những người tin theo Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Đền Lảnh Giang tọa lạc tại thôn Yên Lạc (làng Yên Lạc) xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ngôi đền hướng thẳng ra sông Nhị Hà (sông Hồng), xung quanh bát ngát một màu xanh bởi thảm cỏ, vườn nhãn, bãi bồi, đầm sen nhắc người ta nhớ về một miền đất địa linh nhân kiệt, trù phú, tốt tươi.

Đền Lảnh Giang thờ Tam vị danh thần xuất hiện từ thời Hùng Duệ Vương, phối thờ thêm Chử Đồng Tử (đệ tam bất tử) và Tiên Dung công chúa.

a1-trcp-1721355328.png
Tam quan đền Lảnh Giang (cổ) Hà Nam và đền Xích Đằng, Hưng Yên. Ảnh: PLO.

Huyền tích về vị thần rắn

Hiện cả hai ngôi đền Lảnh Giang (Hà Nam) và Xích Đằng (Hưng Yên) đều thờ chung một vị thần chủ, thuộc Tam vị danh thần có công phò vua, giúp nước, cứu dân. Hai ngôi đền dù khác tỉnh nhưng chỉ nằm cách nhau một con sông.

Trong đó đền Xích Đằng thờ “thượng thân” còn đền Lảnh Giang thờ “hạ thân” – tức thân trên và thân dưới.

Căn cứ theo thần tích “Hùng triều nhất vị thủy thần xuất thế sự tích” (sự tích xuất hiện vị thủy thần dưới triều vua Hùng) soạn bởi Bát phẩm thư lại Nguyễn Hiền (năm Vĩnh Hựu thứ 2 1736) – cũng chính là bản thần tích đang lưu giữ tại đền Lảnh Giang, nói về truyền thuyết vị thần chủ ở đây có những ý chính sau.

Thuở xưa, ở trang An Cố, huyện Thụy Anh, phủ Thái Ninh, trấn Sơn Nam có vợ chồng ông Phạm Túc ăn ở phúc đức nhưng hiềm nỗi chưa có con. Hai vợ chồng sau đó nhận nuôi một cô gái đang tha hương làm dưỡng nữ, đặt tên cho nàng là Quý.

Nàng Quý thảo hiền, ở cùng cha mẹ, gia sự yên vui, quấn quýt được vài năm thì cha mất. Sau 3 năm để tang cha, nàng Quý một hôm ra sông tắm gội, trông thấy một con thuồng luồng lớn quá nên ngất đi. Từ hôm đó trở về, nàng Quý thấy trong lòng chuyển động rồi hoài thai.

Quý nương không nỡ để mẹ phải chịu dèm pha nên chuyển đến trang Hoa Giám sinh sống. Nàng sinh ra một bọc trứng kì lạ, sợ hãi nên quẳng xuống khúc sông. Chiếc bọc theo dòng nước trôi về trang Đào Động, mắc phải lưới một ngư phu.

Ông lão rạch bọc ra, thấy trong bọc trườn ra 3 rắn, bơi theo 3 hướng khác nhau. Một ông bơi về cửa sông Đào Động, một ông bơi về Thanh Do, duy nhất một ông bơi ngược dòng bơi về trang Hoa Giám – nơi Quý nương đang sinh sống.

012c0e4432199747ce08140-1721355229.jpg
Cung thờ và cỗ khám long đình thờ Quan lớn.

Nhân dân các trang ấp trông thấy đều sợ hãi, lập đền thờ phụng ngay. Từ đó, bỗng nghe một người ngâm 4 câu thơ:

Sinh làm tướng, hóa làm thần

Tiếng thơm còn để trong dân muôn đời

Bao giờ giặc giã khắp nơi

Chúng ta mới trở thành người thế gian.

Quả đúng như vậy, sau khi giặc giã nổi lên, cả ba vị danh thần đều xuất hiện giúp vua Hùng dẹp yên bờ cõi. Vị tướng thần (về trang Hoa Giám cùng mẹ) trong một trận chiến đã hi sinh, phần thượng thân trôi về Hưng Yên được nhân dân lập đền Xích Đằng thờ phụng, phần hạ thân dạt vào Hà Nam cũng được cất lập thành đền Lảnh Giang hương khói không thôi.

Người dân vì biết ơn Tam vị đại vương, cho rằng các ngài là con của Thủy Đế và Quý nương nên lấy họ Phạm đặt cho các ông.

Các triều đại về sau phong tặng ông là “Nhạc Phủ Ngư Thượng Đẳng Thần” gia phong “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Thái Thượng Đẳng Thần”, nhân dân bao đời vẫn gọi ông là Quan lớn đệ Tam hay Đệ tam Hoàng thái tử vương quan.

Kiến trúc và thờ phụng

Mặc dù không có tài liệu nào chép rõ về thời gian đền Lảnh Giang được xây dựng, nhưng căn cứ theo bảng chữ Hán trên nóc tòa Đệ nhị cung của đền, ngôi đền được trùng tu lần gần nhất vào năm 1944.

Đền tọa lạc trong khuôn viên rộng 3.000m2, hướng thẳng ra sông Nhị Hà (sông Hồng). Xung quanh đền phủ một màu xanh tươi tốt. Gợi nhớ người ta về một miền quê trù phú, khói lam chiều tỏa khắp càng làm lòng người mê đắm cảnh sắc nơi đây.

Kiến trúc của đền khá đồ sộ, tam quan xây theo lối “chồng diêm tám mái”, trên mái có nhiều đầu đao cong vút, in rồng nổi vừa đẹp mắt lại rất sinh động. Nhiều công trình khác được tạc hoa văn mặt nguyệt, đan xen lá lật cách điệu mềm mại. Hồ bán nguyệt trước tam quan còn xây chiếc cầu cong lưỡng long chầu nguyệt càng làm đền trở nên uy nghiêm, bề thế.

Đền Lảnh Giang xây dựng theo lối “nội công ngoại quốc” gồm 3 tòa 14 gian, hai bên có nhà khách, lầu thờ, xung quanh bao tường gạch.

22bd5a3d6660c33e9a71145-1721355229.jpg
Cầu lưỡng long ở đền Lảnh Giang.
0af0218e1dd3b88de1c2142-1721355229.jpg
Lầu cô tại sân đền.

Mặc dù đã được trùng thu, xây mới nhưng một số công trình của đền Lảnh Giang cổ vẫn được BQL di tích giữ lại. Điển hình có cổng dẫn đến cung Tam Tòa, mặc dù bị thời gian và thời tiết tàn phá nhưng cơ bản cổng cung vẫn còn giữ được nét cổ kính. Trên mái cổng tạc hình con Si Vẫn, một trong chín người con của rồng, chuyên ăn lửa – ngụ ý phòng hỏa hoạn.

Đền lưu giữ được nhiều đồ thờ tự cổ trong đó đáng chú ý nhất là cỗ khám long đình, thờ Quan lớn Đệ tam uy nghiêm. Các đồ thờ khác như 2 cỗ kiệu bát cống long đình, 1 sập thờ, cùng nhiều hoành phi, câu đối, nhang án.

6518c37aff275a790336141-1721355229.jpg
Một số hiện vật ở đền.

Quan lớn Đệ tam là một trong những vị thần tối thượng của “Thoải Phủ” đồng thời cũng là một vị thần quan trọng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt, được nhân dân sùng kính.

Hàng năm đền Lảnh Giang tổ chức 2 kỳ lễ hội vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Do tháng 6 trùng với tháng “tiệc Thoải Phủ” nên lượng khách du lịch, khách thập phương và tín đồ đổ về đây đông hơn.

Theo BQL di tích đền Lảnh Giang, ngay từ cuối tháng 5 đầu tháng 6 âm, du khách đổ về đây không ngớt. Ước tính lễ hội đền Lảnh Giang sẽ đón hàng vạn lượt khách, cao điểm nhất vào các ngày mùng 1, ngày rằm, ngày 10, 12, 18, 24.

Chính hội tháng 6 năm nay diễn ra từ ngày 18 đến 24. Nhiều khách thập phương về chiêm bái ngoài vật lễ thường thấy còn dâng thêm các mã trạng khác như thuyền rồng, ngựa, thánh y… đều mang màu trắng.

954e88c4b49911c74888143-1721355229.jpg

Du khách đổ về đền vào tháng tiệc.

Cô N.T.Chinh (62 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết kể từ khi khai hội đến nay, đây là lần thứ 4 cô về đền chiêm bái. Để đến được đây, cô Chinh phải bắt 3 lần xe khách, thêm một chặng xe ôm mới vào được cửa đền. Dù tuổi cao nhưng cô vẫn dí dỏm, hẹn về đền thêm 4 lần nữa cho đến khi hết hội mới thôi.

Lễ hội Lảnh Giang tổ chức nhằm ghi nhớ công ơn to lớn của Tam vị danh thần, Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa. Đây là điểm cốt lõi, làm sáng lên giá trị truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “thờ cúng tổ tiên” đáng tự hào của người Việt. Thông qua lễ hội, người dân phần nào ký thác niềm tin của mình tới thế lực siêu hình, mong cầu sự may mắn trong thời vận, an khang cho gia đình.

Đền Lảnh Giang được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996.

Và cũng bởi những giá trị tiêu biểu mang tính đại diện, năm 2015, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đã trao tặng Bằng Bảo trợ - đền Lảnh Giang là di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống.

Năm 2017 tiếp tục đón nhận Bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Hầu bóng giá Quan lớn Đệ tam

Trong Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ, Quan lớn Đệ tam là một trong những vị Quan lớn thường xuyên giáng đồng. Bất kể dịp hầu bóng nào, thanh đồng đều phải thỉnh Quan lớn về chứng sớ điệp.

img-5743-min-1721355312.jpg
Nghệ nhân, đồng đền, thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương hầu bóng giá Quan lớn Đệ tam.

Bởi theo quan niệm của Tín ngưỡng, Quan lớn Đệ tam là người “cai đồng đồng” và “chu phê sổ sách” cho cả đồng tân lẫn đồng cựu.

Quan lớn ngự đồng, ra dấu tay, trở khăn, diện áo bào màu trắng, thêu rồng – hổ phù, vai đeo mạng chéo. Quan lớn tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp – nếu là đàn mở Phủ còn có thêm hình thức chu biên sổ sách hay “trồng cây đắp nấm” rất nhân văn. 

Uy Danh

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/index.php/den-lanh-giang-truyen-thuyet-sinh-tuong-hoa-than-va-net-phu-sa-dam-van-hoa-a5005.html